2016.11.16 - 5127 lượt xem
Hệ thống thủy lợi sông Nhuệ là hệ thống thủy lợi liên tỉnh trên địa phận Hà nội và Hà Nam, diện tích toàn hệ thống là 107.530 ha (Hà Nội 86.390 ha, Hà Nam 21.140ha), dân số trong khu vực khoảng 4,3 triệu người. Hệ thống có nhiệm vụ cấp, thoát nước phục vụ sản xuất (trồng trọt), dân sinh, trong đó diện tích sản xuất nông nghiệp là 61.000 ha. Bên cạnh đó, Hệ thống thủy lợi sông Nhuệ cũng là nơi tiếp nhận và chuyển tải phần lớn nước thải trên địa bàn thành phố Hà Nội.
1. GIỚI THIỆU CHUNG
Hệ thống thủy lợi sông Nhuệ là hệ thống thủy lợi liên tỉnh trên địa phận Hà nội và Hà Nam, diện tích toàn hệ thống là 107.530 ha (Hà Nội 86.390 ha, Hà Nam 21.140ha), dân số trong khu vực khoảng 4,3 triệu người. Hệ thống có nhiệm vụ cấp, thoát nước phục vụ sản xuất (trồng trọt), dân sinh, trong đó diện tích sản xuất nông nghiệp là 61.000 ha. Bên cạnh đó, Hệ thống thủy lợi sông Nhuệ cũng là nơi tiếp nhận và chuyển tải phần lớn nước thải trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Hệ thống trục kênh chính kết hợp cấp, thoát nước, gồm: Trục chính sông Nhuệ dài 71km từ Cống Liên Mạc đến TP Phủ Lý; các kênh nhánh La Khê, Vân Đình, Ngoại Độ, Duy Tiên (bên hữu), Yên Sở (Bên tả). Công trình điều tiết chính, gồm: các cống Liên Mạc, Hà Đông, Đồng Quan, Nhật Tựu, Lương Cổ trên dòng chính sông Nhuệ; cống Điệp Sơn trên sông Duy Tiên và cống Phủ Lý trên sông Châu.
Cấp nước: Chủ yếu lấy từ sông Hồng, sông Đáy bằng động lực và tự chảy phục vụ tưới, gồm cống Liên Mạc (B=18m; Q thiết kế 36,25m3/s) lấy nước sông Hồng; Các trạm bơm lấy nước từ sông Hồng (Bá Giang, Đan Hoài, Hồng Vân, Thụy Phú), lấy nước từ sông Đáy (Đào Nguyên, Ba Thá, Phương Trung, Cao Xuân Dương, Thái Bình, Quế), lấy nước sông Châu (Chợ Lương, Bảy Cửa...).
Thoát nước: Ra sông Đáy và sông Hồng bằng động lực và tự chảy, gồm cống Lương Cổ (B=36m) tiêu ra sông Đáy; cống Điệp Sơn (B=7,5m) tiêu ra sông Châu; Các trạm bơm tiêu ra sông Hồng (Yên Sở, Đông Mỹ, Bộ Đầu, Khai Thái, Yên Lệnh), ra sông Đáy (Đào Nguyên, Vân Đình, Ngoại Độ, Quế), ra sông Châu (như Lạc Tràng, Bảy Cửa, Chợ Lương).
2. HIỆN TRẠNG CẤP, THOÁT
Cấp nước: Giai đoạn từ năm 2003 đến nay, mực nước sông Hồng từ tháng 12 đến tháng 4 đều thấp hơn mực nước thiết kế của các công trình lấy nước (chỉ trừ các đợt xả nước của hồ thủy điện). Do vậy việc lấy nước phục vụ tưới hết sức khó khăn, đặc biệt đối với cống đầu mối Liên Mạc.
Thoát nước: Tình hình úng ngập lớn vẫn xảy ra trên hệ thống, ngay cả ở khu vực nội thành Hà Nội vào các năm 2006, 2008, 2011, 2016, đặc biệt năm 2008 gây ngập nghiêm trọng khu vực nội thành Hà Nội. Mưa lớn nội đồng kèm mực nước sông ngoài cao làm giảm khả năng tiêu tự chảy qua các cống Lương Cổ, Phủ Lý.
3. HIỆN TRẠNG CHẤT LƯỢNG NƯỚC
a) Nguồn gây ô nhiễm
Hệ thống thủy lợi sông Nhuệ bị ô nhiễm chủ yếu bởi các nguồn thải từ : sinh hoạt, công nghiệp, nông nghiệp và y tế với tổng lượng nước thải khoảng 800.000 m3/ngày đêm (trong đó nước thải sinh hoạt 550.000 m3/ngày đêm, nước thải công nghiệp tại Hà Nội khoảng 56.100 m3/ngày, nước thải từ các làng nghề (ước tính khoảng 450 làng nghề và hàng nghìn cơ sở sản xuất) thải ra khoảng 55.000 m3 ÷ 65.000 m3/ngày đêm). Chưa có số liệu về nước thải từ bệnh viện, các cơ sở y tế.
Theo các số liệu thống kê của Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội, có hơn 1.300 điểm xả thải các loại ảnh hưởng đến chất lượng nước Hệ thống thủy lợi sông Nhuệ. Các điểm gây ra ô nhiễm chính trên sông Nhuệ hiện nay gồm có: sông Đăm, sông Cầu Ngà, kênh Xuân La, kênh Phú Đô, kênh Trung Văn tại huyện Từ Liêm, đập Thanh Liệt tại huyện Thanh Trì, kênh La Khê tại quận Hà Đông.
b) Diễn biến ô nhiễm chất lượng nước trên Hệ thống thủy lợi sông Nhuệ
Việc không đảm bảo nguồn nước bổ sung vào hệ thống, đóng cống trong nhiều ngày cũng như có nhiều nguồn thải vào hệ thống đã góp phần gây nên ô nhiễm nghiêm trọng trong hệ thống, gây ảnh hưởng tới sức khoẻ con người và sản xuất.
Chất lượng nước của sông Nhuệ biến đổi theo từng năm, có xu hướng ngày kém hơn do có nhiều nguồn nước thải lớn đổ vào hệ thống. Khu vực ô nhiễm nặng nhất trên dòng chính sông Nhuệ là từ sau cống Hà Đông về hạ du, cũng như tại các kênh nhánh La Khê, Vân Đình, Ngoại Độ, Duy Tiên.
Kết quả giám sát từ năm 2005 đến 2016 do Viện Quy hoạch Thủy lợi thực hiện cho thấy, đoạn từ Cầu Diễn đến đập Đồng Quan: hàm lượng COD (nhu cầu hóa học), BOD5 (nhu cầu oxy sinh học) đều vượt quá giới hạn B2 của QCVN 08-MT: 2015/BTNMT (Dùng cho mục đích tưới tiêu, thủy lợi hoặc các mục đích sử dụng khác có yêu cầu chất lượng nước tương tự) từ 2,2 đến 9 lần. Đặc biệt, chỉ số DO (ôxy hòa tan trong nước) thấp, giảm mạnh trong những năm gần đây. Qua các đợt giám sát đều cho thấy chỉ số DO có giá trị < 1 mg/l; hàm lượng NH4+ vượt quá giới hạn B2 từ 0,4 đến 11 lần; hàm lượng vi khuẩn Coliform vượt quá giới hạn B2 từ 1.5 ÷ 30 lần.
Theo báo cáo quy hoạch bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - Đáy đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 (Bộ TN và MT lập), thì nguồn nước ngầm bị ô nhiễm nghiêm trọng. Số liệu điều tra tại TP Hà Nội và Hà Nam là 2 tỉnh, thành phố bị ô nhiễm Asen (Thạch tín) nặng nhất. Tại thành phố Hà Nội có tới 11.455/39.648 mẫu phân tích hàm lượng As vượt quy chuẩn cho phép (chiếm 28,9%). Tại Hà Nam có 12,167/24.733 mẫu phân tích As vượt quy chuẩn (chiếm 49,2%).
Do nguồn nước sông Nhuệ bị ô nhiễm nghiêm trọng, vì vậy trên hệ thống sông Nhuệ hàng năm thường xuyên xảy ra các sự cố về môi trường điển hình như:
- Hiện tượng cá dọn bể chết hàng loạt từ ngày 1 đến ngày 15 tháng 3 năm 2009 tại khu vực cầu Hà Đông là khu vực ô nhiễm nhất trên sông Nhuệ;
- Hiện tượng cá chết hàng loạt trên sông Châu Giang (từ ngày 4 – 8/6/2010, 16/10/2013) do nguồn nước ô nhiễm từ sông Nhuệ lan sang sông Châu Giang; tại khu vực cầu Hồng Phú, eo Tân Lang huyện Kim Bảng (từ 15-19/4/2016)
- Trong nhiều thời điểm nguồn nước ô nhiễm sông Nhuệ lan sang sông Đáy gây ô nhiễm nguồn nước không thể xử lý cấp cho sinh hoạt, ảnh hưởng tới đời sống của người dân khu vực Phủ Lý. Trên lưu vực sông Nhuệ đã xuất hiện nhiều làng ung thư như báo chí đã nêu trong thời gian gần đây.
Thông qua các số liệu điều tra, khảo sát và thực tiễn có thể nhận định rằng sông Nhuệ hiện nay là con sông ô nhiễm nhất tại Việt Nam và nguồn nước ô nhiễm này vẫn được sử dụng để cấp cho sản xuất và sinh hoạt trong khu vực.
4. GIẢI PHÁP GIẢM THIỂU Ô NHIỄM NGUỒN NƯỚC
a) Giải pháp xử lý nguồn thải
- TP Hà Nội đang xây dựng: nhà máy xử lý nước thải Yên Sở công suất 180.000m3/ngày, Phú Đô 71.000m3/ngày, các nhà máy Trúc Bạch, Kim Liên công suất 2000-3000m3/ngày ; nhà máy phân loại và ép rác sinh hoạt để xuất khẩu công suất 2.000 tấn/ngày tại Nam Sơn (Sóc Sơn); khu xử lý rác thải Xuân Sơn - Sơn Tây (giai đoạn 2) diện tích 13ha…
- Bộ TN và MT hỗ trợ TP Hà Nội đang xây dựng trạm xử lý nước thải cụm làng nghề tại xã Dương Liễu xử lý nước thải cho 3 xã làng nghề gồm: Cát Quế - Minh Khai - Dương Liễu (huyện Hoài Đức) công suất 12.000-13.000m3/ngày.
b) Giải pháp công trình thủy lợi
- Trạm bơm đã có: Trạm bơm tiêu Yên Sở thoát phần lớn nước thải các quận nội thành ra sông Hồng, làm giúp giảm lượng nước thải chuyển vào sông Nhuệ. Các trạm bơm nhỏ (Cao Bộ, Ba Thá, Thụy Phú), bơm dã chiến (Đan Hoài, Bá Giang) lấy nước trực tiếp từ sông Đáy và sông Hồng góp phần bổ sung nguồn nước sạch, tránh nước tù đọng và duy trì dòng chảy thường xuyên trên hệ thống thủy lợi sông Nhuệ.
- Trạm bơm chuẩn bị xây dựng: TP Hà Nội đang xem xét xây dựng trạm bơm Liên Mạc tưới, tiêu kết hợp tại vị trí cống Liên Mạc (quy mô cấp 70m3/s cho sông Nhuệ, trong đó có tiếp nguồn cho sông Tô Lịch 5 m3/s) để tiêu chủ động cho khu vực đô thị Tây Nam Hà Nội, cấp đủ nước và duy trì dòng chảy tối thiểu trên hệ thống.
Sau khi trạm bơm Liên Mạc đi vào hoạt động sẽ cải thiện đáng kể chất lượng nước trên dòng chính sông Nhuệ (giá trị các chỉ tiêu ô nhiễm giảm khoảng 50%).
- Tuyên truyền ý thức bảo vệ môi trường đến từng cơ sở sản xuất, làng nghề, khu cụm công nghiệp;
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra giám sát và xử phạt các cơ sở sản xuất gây ra ô nhiễm;
- Xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường.
- Nghiên cứu xây dựng mô hình quản lý, vận hành hệ thống cấp và thải nước vào Hệ thống thủy lợi sông Nhuệ.
5. QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT LIÊN QUAN
Nghị định số 201/2013/NĐ-CP ngày 27/11/2013 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật tài nguyên nước (2012), Điều 28 quy định: ‘’Thẩm quyền cấp, gia hạn, điều chỉnh, đình chỉ hiệu lực, thu hồi và cấp lại giấy phép tài nguyên nước do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp.’’
Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ CTTL (2001), Điều 26 quy định trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, các hoạt động “xả nước thải vào công trình thủy lợi” chỉ được tiến hành khi có giấy phép; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định thẩm quyền và thủ tục cấp giấy phép.