Hiện trạng ô nhiễm chất lượng nước trong hệ thống thủy lợi thác huống và các giải pháp giảm thiểu

2020.01.14 - 4952 lượt xem

Hệ thống thủy lợi Thác Huống do người Pháp xây dựng năm 1922 hoàn thành năm 1936. Lưu vực của hệ thống gồm các huyện: Tân Yên, Việt Yên, Hiệp Hòa, một số xã phía nam sông Thương của thành phố Bắc Giang tỉnh Bắc Giang và 9 xã ven kênh tưới chính của huyện Phú Bình tỉnh Thái Nguyên. Hệ thống thủy lợi Thác Huống là một trong 6 khu tưới đồng thời cũng là một trong 9 khu tiêu thuộc lưu vực sông Cầu. Đến thời điểm hiện nay, hệ thống thủy lợi Thác Huống có nhiệm vụ tưới cho 52.520 ha đất canh tác (trong đó kênh tự chảy 28.000 ha, các trạm bơm lấy nước sông Cầu 12.190 ha, các trạm bơm địa phương quản lý 9.409 ha và các hồ đập  nhỏ là 2.921 ha), đồng thời vừa có nhiệm vụ tiêu cho diện tích lưu vực là 71.060 ha ( trong đó tiêu cho huyện Phú Bình tỉnh Thái Nguyên 14.843 ha, các huyện của tỉnh Bắc Giang là 56.217 ha).

      Hệ thống bao gồm các hạng mục công trình chính như sau: Tuyến kênh chính, kênh Trôi và kênh nhánh cấp 2, 3 dài 226,9 km có 906 công trình các loại.

      Cấp nước: Nằm trong khu vực tả sông Cầu và hữu sông Thương nguồn nước chính lấy từ sông Cầu và sông Thương phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh cho các huyện Hiệp Hoà, Việt Yên, Tân Yên, một phần thành phố Bắc Giang tỉnh Bắc Giang, một phần của huyện Phú Bình tỉnh Thái Nguyên. Bao gồm hệ thống kênh tưới tự chảy: kênh chính lấy nước từ sông Cầu qua cống 10 cửa Đá Gân với lưu lượng thiết kế ban đầu Qtk = 25m3/s, kênh Trôi, kênh N3, kênh N5, trạm bơm tưới Liên Chung, TB tưới tiêu kết hợp: TB Cẩm Bào, TB Núi Trúc, TB Hữu Nghị, TB Giá Sơn..

      Thoát nước: Tiêu nước ra sông Cầu và sông Thương trong đó có tiêu cho 2 khu công nghiệp lớn là khu Đình Trám và khu Quang Châu tỉnh Bắc Giang. Tiêu tự chảy hoặc động lực qua hệ thống TB như: TB tiêu Nội Ninh, TB tưới tiêu kết hợp: TB Cẩm Bào, TB Núi Trúc, TB Hữu Nghị, TB Giá Sơn..

HIỆN TRẠNG CHẤT LƯỢNG NƯỚC

      Năm 2017, Viện Quy hoạch Thủy lợi đã tiến hành khảo sat tại 15 vị trí trong hệ thống thủy nông, trong đó có 7 vị trí nằm trên kênh chính và 8 vị trí nằm trên các kênh nhánh. Nhìn chung tại phần lớn các vị trí khảo sát đều cho kết quả chất lượng nước khá tốt, không có vị trí nào đặc biết

- Hàm lượng pH dao động từ 7 đến 8, thỏa mãn giới hạn A1 trong QCVN: 2015 tại tất cả 15 vị trí khảo sát.

- Hàm lượng DO hoà tan trong nước cho kết quả phân tích đều khá cao dao động từ 5,16 – 8,83mg/l, thỏa mãn giới hạn B1 trong QCVN 08: 2015 trong tất cả các đợt khảo sát.

- Hàm lượng các chất thể hiện qua nhu cầu oxy sinh học-BOD, nhu cầu oxy hoá học-COD có diễn biến giữa các đợt khảo sát tương đối ổn định. Giá trị đo được cao nhất là tại cống Kè Non trong đợt khảo sát thứ 6 cho giá trị BOD: 16,2 mg/l vượt giới hạn B1 trong QCVN 08: 2015, COD là 23,9mg/l vẫn thỏa mãn giới hạn B1 trong QCVN 08: 2015. 

- Diễn biến hàm lượng NH4+ trên kênh chính tương đối ổn định, không có nhiểu biến động giữa các đợt khảo sát cũng như giữa các vị trí trên dọc kênh chính và kênh nhánh. Tất cả các vị trí trong 6 đợt khảo sát cho kết quả hàm lượng NH4+ thấp thỏa mãn quy chuẩn loại A1 trong QCVN 08: 2015. Hàm lượng NO3- có diễn biến phức tạp hơn, có sự biến đổi rõ rệt giữa các đợt khảo sát, giá trị  NO3- dao động từ 0,04 – 5,11 mg/l đều nằm trong chuẩn loại B1 trong QCVN 08: 2015.

      Nhìn chung chất lượng nước trong hệ thống thủy nông Thác Huống còn khá tốt, hầu hết các chỉ tiêu phân tích tại các vị trí quan trắc đều cho kết quả thỏa mãn giới hạn B1 trong QCVN 08: 2015 đáp ứng nhu cầu tưới tiêu thủy lợi trong khu vực.

HIỆN TRẠNG VÀ DỰ BÁO NGUỒN GÂY Ô NHIỄM

  1. Hiện trạng nguồn thải

      Sông Cầu là nguồn nước chính cấp cho hệ thống thủy lợi Thác Huống, tuy nhiên theo báo cáo hiện trạng môi trường năm 2015 của 6 tỉnh thành trên lưu vực thì tổng lượng nước thải từ sinh hoạt vào lưu vực sông Cầu, Thương vào khoảng 100.000 m3/ngày trong đó nước thải khu vực đô thị chiếm khoảng 50%.

      Theo các số liệu thống kê, nước thải từ các KCN, cơ sở sản xuất với tổng lượng nước thải xả vào lưu vực khoảng: 967.739 m3/ngày. Có khoảng 200 làng nghề,  mỗi ngày thải ra trên 6.603 m3 nước thải chứa các hóa chất độc hại như xút, chất tẩy rửa, phèn kép, nhựa thông, Javen, lignin, phẩm mầu... thải ra môi trường. Tổng lượng nước thải từ chăn nuôi thải ra khoảng 1.018.741 m3/ngày. Tại các kênh tưới, tiêu trên hệ thống thủy lợi Thác Huống thường xuyên xảy ra tình trạng rác thải,  xác động vật chết bị người dân vứt vào hệ thống kênh, mương gây ô nhiễm môi trường nước nghiêm trọng.  Nước thải từ 40 cơ sở y tế, bệnh viện mỗi ngày thải ra môi trường khoảng 482 m3/ngày. Hiện tại tất cả các vùng sản xuất nông nghiệp trên lưu vực sử dụng các loại phân hoá học khoảng 500.000 tấn/năm, lượng dư thừa đổ vào lưu vực sông và hệ thống kênh mương khoảng 33%.

      Theo báo cáo hiện trạng môi trường các tỉnh trên lưu vực: do lượng nước thải đổ vào lưu vực lớn, CLN sông Cầu bị ô nhiễm nhất là các đoạn sông chảy qua các đô thị, khu công nghiệp và các làng nghề bị ô nhiễm nghiêm trọng với hàm lượng các chất ô nhiễm cao như: BOD5 vượt quy chuẩn từ 2,67 ÷ 5,4 lần, COD vượt quy chuẩn từ 2,67 ÷ 5,4 lần, DO thấp hơn quy chuẩn từ 2,74 ÷ 5,3 lần, hàm lượng NO2 cao từ 1,68 ÷ 8,03 lần.

  1. Dự báo nguồn thải

- Nước thải từ sinh hoạt : Dân số trên toàn lưu vực sông Cầu - Thương năm 2011 là : 3.244.112 người, theo tính toán lượng nước thải từ sinh hoạt vào khoảng 214.452 m3/ngày trong đó có khoảng 50.000 m3/ngày xả trực tiếp xuống sông Cầu. Dự báo dân số đến năm 2020 là 3.927.333 người (Thành thị : 1.823.568 người, nông thôn : 2.103.766 người), lượng nước thải sẽ tăng lên đến 310.548 m3/ngày, một phần lớn lượng nước thải này sẽ được xả xuống lưu vực sông Cầu.

- Nước thải từ công nghiệp, khai khoáng, làng nghề xả thải vào lưu vực khoảng 967.739 m3/ngày. Hiện nay các KCN nằm ven hệ thống thủy lợi Thác Huống đang mở rộng diện tích và quy mô sản xuất như KCN Việt Hàn, Đình Trám, Quang Châu, Hiệp Hòa vv… Theo phương án cấp nước của dự án: rà soát quy hoạch thủy lợi lưu vực sông Cầu – sông Thương giải pháp cấp nước cho các KCN đến năm 2020 được lấy từ hồ Núi Cốc với tổng lượng nước vào khoảng 254.000 m3/ngày. Lượng nước được sử dụng cho công nghiệp khi thải ra môi trường sẽ là tác nhân gây ra ô nhiễm môi trường trên lưu vực.

- Theo dự báo đến năm 2020 tổng lượng nước thải từ chăn nuôi thải ra môi trường trên lưu vực sẽ tăng từ 1.018.741 m3/ngày lên đến 2.324.213 m3/ngày.

GIẢI PHÁP GIẢM THIỂU Ô NHIỄM NGUỒN NƯỚC

a) Giải pháp công trình thủy lợi đề xuất

- Nạo vét lòng kênh và nâng cấp, cải tạo các công trình trên kênh chính. Xây mới cống đầu kênh chính kết cấu BTCT, cửa hình hộp, nhiệm vụ cống lấy nước tưới từ đập dâng Thác Huống trên sông Cầu với lưu lượng thiết kế: Qtk = 25 m3/s.

- Nghiên cứu xây dựng trạm bơm Hoàng Vân với lưu lượng thiết kế Q=8m3/s, lấy nước sông Cầu tại xã Hoàng Vân, huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang để bổ sung nước cho kênh Trôi thuộc hệ thống Thác Huống với nhiệm vụ tưới cho 4.400ha đất canh tác thuộc huyện Hiệp Hòa.

- Xây dựng trạm bơm tiêu Yên Ninh để tiêu vợi cho 1.492 ha nằm ở hạ lưu của khu tiêu. Nâng cấp các trạm bơm Giá Sơn, Hữu Nghị, Nội Ninh, Ngọ Khổng 2, Núi Trúc, Việt Hòa, Cẩm Bào để đảm tiêu cho 9.336 ha của khu vực.

      Sau khi các công trình đề xuất đi vào hoạt động sẽ bổ sung nguồn nước sạch, tránh nước tù đọng và duy trì dòng chảy thường xuyên, cải thiện đáng kể chất lượng nước trên hệ thống.

b) Giải pháp phi công trình 

- Giám sát các khu công nghiệp đang và sẽ xây dựng trên lưu vực, yêu cầu đưa ra những giải pháp bảo vệ môi trường trước khi đi vào hoạt động. Đối với các khu đang hoạt động cần kiểm tra thường xuyên các nguồn xả thải ra môi trường.

- Quy hoạch hệ thống tiêu thoát nước từ những cụm đô thị nhỏ và khu dân cư để việc xử lý và phát hiện nguồn ô nhiễm chủ yếu và có phương án xử lý kịp thời.

- Xây dựng các điểm thu gom rác, mạng lưới thu gom rác thải công cộng tránh xả rác thải trực tiếp xuống các hệ thống kênh.

- Quy hoạch làng nghề thủ công thành những khu vực có thể kiểm soát về môi trường, cần có hệ thống tiêu thoát nước tập trung để xử lý nước thải cho những khu vực làng nghề gây ô nhiễm.

Nguồn: Viện Quy hoạch Thủy lợi

Tin cùng loại