2020.01.14 - 7193 lượt xem
Trục chính sông Nhuệ dài khoảng 76 km, đóng vai trò quan trọng trong việc phân lũ, tiêu thoát nước, cung cấp phù sa, tái tạo dinh dưỡng tự nhiên, cung cấp nước cho các hoạt động phát triển kinh tế trong vùng. Hiện nay, nhiều thời điểm nước sông Nhuệ đã bị ô nhiễm đến mức phải pha thêm nước sông Hồng từ cống Liên Mạc để giảm bớt mức độ ô nhiễm, tuy nhiên sự cải thiện cũng không đáng kể bởi sông phải hứng chịu lượng chất thải, nước thải quá lớn từ các hoạt động phát triển kinh tế, hầu hết chưa được xử lý hoặc xử lý không triệt để. Trước những yêu cầu về phát triển bền vững kinh tế-xã hội cho các tỉnh và vùng lãnh thổ, vấn đề giám sát chất lượng nước trong hệ thống lưu vực sông Nhuệ là vấn đề hết sức cần thiết và cấp bách.
Xác định nguồn thải: Quá trình điều tra, thống kê, tổng hợp hiện trạng các nguồn thải trên hệ thống thủy nông sông Nhuệ đến nay cho thấy:
- Có khoảng 260 các điểm xả công nghiệp, khu đô thị, làng nghề, sản xuất nông nghiệp, bệnh viện và khoảng 133 điểm xả dân sinh trực tiếp vào hệ thống sông Nhuệ.
- Lượng nước thải sinh hoạt được xác định là nguồn thải lớn nhất.
- Trên toàn bộ lưu vực sông Nhuệ có 1.231 cơ sở sản xuất nhà máy và 23 khu cụm công nghiệp đổ nước thải ra lưu vực.
- Trên toàn lưu vực có khoảng 450 làng nghề và hơn 45.500 cơ sở sản xuất kinh doanh hộ cá thể.
- Trên lưu vực có 88 cơ sở y tế, bệnh viện lớn.
- Chất lượng nước trên trục chính sông Nhuệ và các kênh nhánh hầu hết đã bị ô nhiễm ở các mức độ khác nhau, tại điểm lấy nước cống Liên Mạc hiện nay khi mùa kiệt nước sông Hồng xuống thấp, tình trạng xả nước thải của các khu dân cư, nhà máy, cơ sở sản xuất trong nội thành là rất lớn thì hiện tượng nước sông Nhuệ chảy ngược ra sông Hồng là rất dễ xảy ra khi đó chất lượng nước tại cống Liên Mạc sẽ bị ô nhiễm ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng nước sông Hồng. Ô nhiễm nước sông Nhuệ xuôi về hạ lưu tới cầu Thần và thượng lưu Đập Nhật Tựu mới có dấu hiệu giảm xuống. Tại hạ lưu hiện tượng nước sông Đáy chảy ngược chiều vào sông Nhuệ tại cầu Vân – Phủ Lý và lên đến tận cống Lương Cổ, đập Nhật Tựu giúp pha loãng đáng kể làm giảm ô nhiễm nước sông Nhuệ.
- Nhiều vị trí xuất hiện hàm lượng ôxy trong nước DO nhỏ hơn 1 mg/l và mức độ xuất hiện là thường xuyên trong cả 15 đợt khảo sát. Chỉ số Oxy hòa tan thấp phản ánh thực chất ô nhiễm trên sông Nhuệ, loài cá có thể sống trong môi trường ô nhiễm như cá dọn bể còn chết hàng loạt là hiện tượng phản ánh sông Nhuệ bị ô nhiễm trầm trọng.
- Các vị trí trên dòng chính sông Nhuệ, bắt đầu từ vị trí hạ lưu cống Liên Mạc 2 đã xảy ra tình trạng ô nhiễm về các chất hữu cơ, vi khuẩn và đặc biệt là các vị trí sau khi nhập lưu của kênh Xuân La, Phú Đô, Cầu Ngà, Trung Văn, La Khê cùng rất nhiều các nguồn thải dân sinh qua các họng cống nhỏ khác.
- Đối với các điểm đo đạc là các kênh xả nước thải chính cho thấy nguồn nước tại các vị trí này hàm lượng các chất ô nhiễm rất cao, góp phần làm cho nguồn nước trong hệ thống bị ô nhiễm. Các vị trí như sông Đăm, sông Cầu Ngà, đập Thanh Liệt, kênh Phú Đô thì chất lượng nước rất đáng lo ngại, mức độ ô nhiễm vượt rất nhiều so với giá trị giới hạn B1 của tiêu chuẩn nước mặt QCVN 08-MT: 2015/BTNMT.
Đánh giá chất lượng nước theo trục dọc sông
Chất lượng nước sông Nhuệ bắt đầu bị ô nhiễm khi đi vào hệ thống qua cống Liên Mạc 2. Đặc biệt khi đến Hà Đông do ảnh hưởng của nước thải quận Hà Đông, nước thải từ sông Đăm, sông Cầu Ngà, trạm bơm Đồng Bông (tiêu thoát khu vực Mễ Trì, Mỹ Đình), kênh La Khê, kênh Trung Văn tình trạng ô nhiễm càng nặng nề đặc biệt tại vị trí Cầu Tó khi đập Thanh Liệt mở cống và hiện tượng ô nhiễm duy trì đến tại vị trí cầu Xém, đập Đồng Quan, cầu Thần xuống Nhật Tựu, có những thời điểm lan truyền ô nhiễm xuống tận cống Lương Cổ và cầu Phù Vân. Tại các vị trí hạ lưu như cầu Phù Vân, cống Lương Cổ, đập Nhật Tựu nếu mở đập Nhật Tựu thì chất lượng nước từ thượng lưu dồn về sẽ gây ô nhiễm; khi đóng đập Nhật Tựu trong những thời điểm triểu đẩy lên thì đoạn hạ lưu từ Phù Vân tới Nhật Tựu lấy được nước từ sông Đáy vào. Đây là cơ sở để điều hành vận hành tận dụng lấy nước đoạn hạ lưu trục chính sông Nhuệ.
Đánh giá chất lượng nước theo thời gian
Kênh trục chính: Những năm gần đây thực tế quan trắc cho thấy khi mực nước ngoài sông Nhuệ cao, đóng đập Nhật Tựu thì nước từ sông Nhuệ sẽ chảy vào kênh Duy Tiên là kênh tưới cho khu vực huyện Duy Tiên làm cho chất lượng nước kênh Duy Tiên bị ô nhiễm. Kết quả quan trắc từ năm 2005 đến 2019 trên kênh Duy Tiên tại Cầu Giẽ cho thấy chỉ số pH biến đổi khá ổn định qua các năm. Hàm lượng DO giảm dần về năm 2010, 2011 và đang có xu hướng tăng về năm 2015, 2016, 2017, 2018, 2019. Hàm lượng các chất hữu cơ trong nước khá cao, hàm lượng COD giảm rồi tăng qua các năm. Về cuối năm 2015, 2016, 2017, 2018, 2019 hàm lượng COD, BOD5 đang có xu hướng tăng. Hàm lượng NH4+ trong nước tăng cao về 6 năm gần đây 2012, 2013, 2015, 2017, 2018, 2019. Các giá trị NH4+ trong tháng 2 các năm 2012, 2013, 2015, 2016, 2018, 2019 đều vượt quá giá trị giới hạn B1, B2 của QCVN 08-MT: 2015/BTNMT.
Nhận định về chất lượng nước trên hệ thống:
Chất lượng nước sông Nhuệ bắt đầu bị ô nhiễm khi đi vào hệ thống sau điểm nhập lưu của sông Đăm, kênh Xuân La vào sông Nhuệ. Đặc biệt khi đến Hà Đông do ảnh hưởng của nước thải quận Hà Đông, nước thải từ sông Đăm, sông Cầu Ngà, trạm bơm Đồng Bông (tiêu thoát khu vực Mễ Trì, Mỹ Đình), kênh La Khê, kênh Trung Văn tình trạng ô nhiễm càng nặng nề đặc biệt tại vị trí Cầu Tó khi đập Thanh Liệt mở cống và hiện tượng ô nhiễm duy trì đến tại vị trí cầu Xém, đập Đồng Quan xuống Nhật Tựu, có những thời điểm lan truyền ô nhiễm xuống tận cống Lương Cổ. Tuy nhiên việc hàm lượng các chất ô nhiễm giảm xuống diễn ra không nhanh và thường thì đến khi tới tận vị trí hạ lưu sông Nhuệ tại Phủ Lý thì hàm lượng ô nhiễm cũng vẫn còn là khá cao và nhiều khi vẫn còn vượt quá giới hạn B1, B2 của QCVN 08-MT: 2015/BTNMT
Kiến nghị: Đề cải thiện môi trường nước sông Nhuệ cần thiết thực hiện các loại giải pháp khác nhau như: thực hiện các biện pháp công trình và phi công trình. Các biện pháp phi công trình bao gồm các biện pháp quản lý, kỹ thuật… các biện pháp này cần có sự phối hợp, bổ trợ lẫn nhau nhằm mục tiêu chung là cải thiện môi trường lưu vực, trong đó có môi trường nước sông.
Nguồn: Phòng thí nghiệm và tư vấn quản lý chất lượng nước, môi trường, IWRP