Biến đổi khí hậu gia tăng giá trị cực đoan

2017.06.21 - 472 lượt xem

Giai đoạn 15 năm qua đã ghi nhận nước lũ tập trung nhanh hơn, tình trạng xói lở bờ sông, cửa sông, ven biển xuất hiện nhiều và diễn biến phức tạp.

Bên cạnh đó, tình trạng ngập lụt tại nhiều vùng phạm vi rộng, thời gian kéo dài, độ ngập sâu, đặc biệt là miền Trung và các đô thị lớn.
Ngày 15/6, Bộ NN&PTNT tổ chức hội thảo “Một số hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) ngành NN&PTNT trong bối cảnh thực hiện thỏa thuận Paris về BĐKH”.
Theo báo cáo đánh giá của Cục Phòng chống thiên tai (Tổng cục Thủy lợi – Bộ NN&PTNT), trong vòng 20 năm qua, thiên tai đã làm khoảng trên 300 người chết và mất tích, thiệt hại vật chất ước tính khoảng 1 – 1,5% GDP, tương đương khoảng 900 triệu USD mỗi năm. Ngoài ra, thiên tai còn phá hủy môi trường, điều kiện sống, các hoạt động kinh tế - xã hội và phải mất nhiều thời gian để khôi phục.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng phát biểu tại Hội nghị

Trong những năm qua, công tác phòng chống thiên tai đã có kết quả đáng khích lệ, được tổ chức toàn diện hơn đối với tất cả các loại hình thiên tai. Nhận thức của chính quyền các cấp cũng như người dân về phòng chống thiên tai cũng có chuyển biến đáng kể, từng bước chuyển từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa. Do đó, mặc dù thiên tai diễn biến phức tạp và bất thường hơn nhưng thiệt hại về người và tài sản đã giảm so với giai đoạn trước. Cụ thể, số người chết và mất tích bình quân trong 5 năm (2006 – 2011) là 478 người/năm đến giai đoạn 2011 – 2015 giảm xuống còn 226 người/năm, giảm 53% và tiếp tục giảm trong năm 2016, 2017. Hầu hết các trận bão, áp thấp nhiệt đới gần đây đã không còn người chết trên biển, trên tàu neo đậu ở bến.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng, BĐKH ngày càng gia tăng giá trị cực đoan, khó lường và một số giá trị trung bình cũng tăng như nước biển dâng. BĐKH tác động mạnh tới đời sống của con người, nhất là gây ra thiên tai. Trong đó, sự phát triển thiếu bền vững của đời sống kinh tế - xã hội cũng làm gia tăng thiên tai như phá rừng, nạn khai thác cát bừa bãi. Do đó, theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng, canh tác nông nghiệp trong bối cảnh hiện nay phải gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, hướng tới phát triển bền vững.
Thực tế ghi nhận của Cục Phòng chống thiên tai cho thấy, trong những năm gần đây, tại các vùng miền trong cả nước đã xuất hiện nhiều loại hình thiên tai dị thường, cực đoan như bão mạnh, siêu bão ngoài biển Đông, hạn hán, xâm nhập mặn kéo dài, mưa lũ trái quy luật, sạt lở đất bờ sông, biển… Thiên tai đã tác động mạnh và làm thay đổi các quy luật so với trước đây, ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống, sản xuất của người dân, nhất là khu vực vùng núi, ven biển.
Năm 2015, Việt Nam tham gia Hiệp định toàn cầu về chống BĐKH được thông qua tại Paris (Pháp) hay còn gọi Hiệp định Paris về BĐKH và chính thức có hiệu lực từ ngày 4/11/2016. Với hiệp định này, khoảng 200 quốc gia sẽ bắt đầu thực hiện các kế hoạch quốc gia nhằm cắt giảm lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính theo cam kết đã đề ra. Triển khai cam kết này, Bộ NN&PTNT đã xây dựng Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH ngành NN&PTNT giai đoạn 2016 – 2020, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch thực hiện INDC trong bối cảnh thực hiện thỏa thuận Paris. Trong đó mục tiêu nhằm giữ vững tốc độ tăng trưởng của ngành 20%, giảm phát thải khí nhà kính 20% trong mỗi giai đoạn 10 năm.
Cụ thể, với lĩnh vực trồng trọt, nghiên cứu sử dụng hiệu quả, hợp lý đất trồng lúa, sản xuất lúa thích ứng với BĐKH, phát triển các giống cây trồng chịu hạn, mặn, chịu phèn phục vụ sản xuất hàng hóa theo mô hình canh tác nông nghiệp thông minh với khí hậu. Đối với chăn nuôi, chuyển đổi phương thức chăn nuôi từ quy mô nhỏ, phân tán sang quy mô trang trại an toàn sinh học, xử lý chất thải, giảm ô nhiễm môi trường…

Nguồn: http://kinhtedothi.vn