Thay đổi tư duy về quản lý nguồn nước

2020.03.02 - 2100 lượt xem

An ninh nguồn nước đang thu hút sự quan tâm của dư luận trong và ngoài nước. Do vậy, khi làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển và các thành viên Đoàn giám sát của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã đặt ra nhiều vấn đề với các cơ quan quản lý nhà nước.

Ba thách thức lớn
Theo đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN - PTNT), việc thực hiện mục tiêu bảo đảm an ninh nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và quản lý an toàn hồ, đập ở nước ta đang gặp ba thách thức lớn. Trước tiên, biến đổi khí hậu biểu hiện ngày càng rõ nét thời gian gần đây, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và dân sinh. Thứ hai, phát triển dân số và quá trình đô thị hóa tại các đô thị đã và đang gây sức ép đến sử dụng nguồn tài nguyên nước, môi trường nước các lưu vực sông. Thứ ba, nhu cầu nước cho sinh hoạt, công nghiệp, dịch vụ, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản có xu hướng tăng, cùng với đặc điểm phân bổ lượng nước không đồng đều, đang đặt ra thách thức cân đối nguồn nước cho các ngành kinh tế. 
Đối với ngành nông nghiệp, là ngành sử dụng nước nhiều nhất, trực tiếp quản lý hệ thống kết cấu hạ tầng thủy lợi, phòng chống thiên tai, vận hành điều phối nguồn nước, theo đại diện của Bộ NN - PTNT, bảo đảm an ninh nguồn nước đang nảy sinh một số vấn đề. Đó là hệ thống công trình thủy lợi được đầu tư, xây dựng qua nhiều thời kỳ đã xuống cấp, chưa kịp thay đổi công năng để đáp ứng nhu cầu của quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Hệ thống thủy lợi được phát triển theo hướng đa mục tiêu, song ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, hoạt động sản xuất, kinh doanh, khiến nhiều công trình thủy lợi không đủ điều kiện vận hành, giảm năng lực phục vụ. Đặc biệt, bảo đảm an ninh nguồn nước trong ngành nông nghiệp có vai trò quan trọng của vận hành an toàn hệ thống hồ, đập, song do nguồn kinh phí bảo trì gần như không được bố trí nên có khoảng 1.200 hồ chứa nước bị hư hỏng, trong đó 200 hồ hư hỏng đặc biệt nghiêm trọng. 
 
Báo cáo của Bộ NN - PTNT nêu rõ, các công trình thủy lợi hiện cung cấp nước tưới cho khoảng 4,28 triệu hecta/11,54 triệu hecta, chiếm 36,5% tổng diện tích đất canh tác nông nghiệp. Trong đó, hàng năm tưới cho khoảng 7,26 triệu hecta lúa được gieo trồng, 0,22 triệu hecta cây trồng cạn, cấp nước cho 686.600ha diện tích nuôi trồng thủy sản và cấp khoảng 6 tỷ m3 nước cho sinh hoạt, công nghiệp. Các hệ thống thủy lợi trên cả nước đã góp phần quan trọng trong tăng diện tích gieo trồng, tăng thời vụ, cải tạo đất, cũng như góp phần bảo đảm an ninh lương thực, xuất khẩu, đưa sản lượng lương thực của Việt Nam từ chỗ không đủ cung cấp nội địa đến trở thành một trong những nước xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp hàng đầu.
 

Trong thời gian qua, Bộ NN - PTNT đã tổ chức dự báo nguồn nước, hạn hán, xâm nhập mặn, giám sát chất lượng nước nhằm giảm thiểu ảnh hưởng của những hiện tượng này; thực hiện điều tiết nước từ các hồ chứa thủy điện bảo đảm đáp ứng nhu cầu sử dụng, góp phần tiết kiệm nước, phòng chống thiên tai; triển khai nhiều giải pháp tiên tiến nhằm tiết kiệm nước, góp phần tăng năng suất cây trồng. 

 
Ghi nhận những vấn đề đang đặt ra được Bộ quản lý ngành báo cáo, nhưng qua nghiên cứu một số công trình, báo cáo khoa học liên quan, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đã chỉ ra nhiều vấn đề khác cần được quan tâm, mang tính tổng quát, toàn diện đối với an ninh nguồn nước tại nước ta. Cụ thể, dù có hệ thống sông ngòi chằng chịt, nguồn nước ngầm khá lớn có khả năng khai thác, lượng mưa khá cao, song Việt Nam được xếp vào nhóm các quốc gia thiếu nước trên thế giới, phụ thuộc nhiều vào lưu vực sông ở nước ngoài, không thể làm chủ được về quản lý và khai thác nước mặt. 

Nhấn mạnh do có sự cố gắng, kiên trì thực hiện nhiều năm qua, nước ta có số lượng lớn công trình thủy lợi, phục vụ nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của người dân, song Phó Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ, hệ thống hồ, đập chưa đáp ứng hai yêu cầu: Phát triển kinh tế và an toàn hồ đập. Nguyên nhân là do sự liên thông giữa các hồ, đập còn hạn chế, mới có liên thông trong một vùng của tỉnh, chưa có liên thông giữa các tỉnh hay trên phạm vi quốc gia. Phó Chủ tịch Quốc hội cũng cảm thấy chưa thể yên tâm khi trong số 6.000 hồ chứa nước quy mô nhỏ có 1.200 hồ bị hư hỏng, 200 hồ bị hư hỏng đặc biệt nghiêm trọng. Nhắc lại thời kỳ làm Bí thư Huyện ủy Văn Yên, tỉnh Yên Bái, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, một hồ chứa nước trên địa bàn huyện bị hư hỏng đã làm cán bộ địa phương mất ăn, mất ngủ. Nếu hư hỏng đập ngăn của những hồ chứa nước dung tích lớn gấp nhiều lần thì sẽ thế nào? Đặt câu hỏi này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị, cần thay đổi tư duy, “bật mình lên”, không dừng ở tư duy hiện nay khi xây dựng kế hoạch bảo đảm an ninh nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt, cũng như trong quản lý hồ, đập. 

Có cùng quan điểm này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn cho rằng, phải thể hiện tư duy mới về hệ thống thủy lợi trên toàn quốc khi xây dựng quy hoạch cho hệ thống này, nhất là với các nguồn trữ nước và hệ thống kênh, mương đưa nước đi. 

Đã có tư duy mới

Khẳng định các gợi mở của Phó Chủ tịch Quốc hội và các thành viên Đoàn giám sát đã giúp Bộ NN - PTNT hình thành hệ thống các vấn đề cần quan tâm giải quyết khi xây dựng báo cáo về nội dung này, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, hiện đã có tư duy mới trong quản lý an toàn hồ, đập, cũng như hệ thống thủy lợi nói chung. Điều này được thể hiện cụ thể ngay trong việc lựa chọn đầu tư xây dựng công trình thủy lợi, cũng như chỉ đạo canh tác tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, bộ quản lý ngành đã sớm xây dựng kịch bản, chỉ đạo địa phương triển khai nhiều biện pháp để thích ứng với tình trạng hạn hán nghiêm trọng trong những tháng đầu năm 2020 tại khu vực này ngay từ đầu năm 2019, qua đó bảo đảm ổn định cuộc sống người dân, canh tác lúa nước. Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, hệ thống thủy lợi tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long đã được đầu tư trọng điểm, tập trung vào khu vực phía Tây, qua đó giúp bảo đảm cung ứng nước không chỉ ở địa phận này mà còn cho tỉnh Cà Mau - vốn là vùng trũng, cách biệt với hệ thống thủy lợi khu vực. 

Ngành nông nghiệp đã bước đầu thay đổi tư duy trong quản lý an ninh nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt, cũng như với hệ thống hồ, đập, nhưng vẫn còn nhiều nỗi lo. Trong đó, việc các hồ chứa nước trữ lượng nhỏ bị hư hỏng chưa được gia cố gây lo lắng cho Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng là trăn trở của Bộ trưởng, lãnh đạo Bộ NN - PTNT. 

Đại diện Tổng cục Thủy lợi cho biết, qua rà soát kỹ càng, đã xác định trên cả nước có 1.370 hồ chứa nước bị hư hỏng, trong đó 530 hồ chứa nước được đưa vào một dự án để gia cố, nhưng với 200 hồ chứa nước bị hư hỏng đặc biệt nghiêm trọng thì lượng kinh phí bố trí cho duy tu, bảo dưỡng được Bộ NN - PTNT xác định thấp nhất cũng khoảng 3.000 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương hỗ trợ 1.500 tỷ đồng, còn lại do địa phương bố trí. Danh mục hồ chứa nước nghiêm trọng đã được xây dựng, song chưa được cấp kinh phí từ ngân sách Trung ương, các địa phương hầu hết không có kinh phí tiến hành gia cố, đại diện Tổng cục Thủy lợi cho biết. 

Tại buổi làm việc, Đoàn giám sát của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cũng chỉ ra rất nhiều vấn đề phải khắc phục cả trước mắt và trong dài hạn nhằm bảo đảm an ninh nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và quản lý hồ, đập đã được chỉ ra. Theo các thành viên Đoàn giám sát, những vấn đề mang tính dài hạn sẽ cần có đề án, chương trình thực hiện công phu, song với một số vấn đề cấp bách, có tính trước mắt, có lẽ phải sớm bố trí kinh phí cho địa phương thực hiện./.

Nguồn: web tongcucthuyloi