Bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp

2020.03.17 - 3154 lượt xem

Đợt xả nước từ các hồ chứa thủy điện phục vụ gieo cấy lúa vụ Đông Xuân ở khu vực trung du và Đồng bằng sông Hồng năm nay đã hoàn thành, tiết kiệm được lượng nước khá lớn so với kế hoạch để phục vụ phát điện, đảm bảo nguồn nước phục vụ sinh hoạt cho người dân trong thời gian tới.

Trước đợt xả nước phục vụ gieo cấy năm nay, hàng loạt những khó khăn, thử thách được đặt ra trên “đôi vai” của ngành nông nghiệp và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN): Tình trạng thiếu hụt lượng mưa, dòng chảy, tổng dung tích trữ nước của các hồ chứa thủy điện ở thượng nguồn hệ thống sông Hồng thiếu hụt rất nhiều so với trung bình nhiều năm. Theo báo cáo của EVN, tổng lượng nước tích được ở các hồ chứa của EVN trên lưu vực sông Hồng tính đến ngày 31-12-2019 là 11,4 tỷ m3, chỉ đạt khoảng 60% dung tích thiết kế (DTTK), thiếu hụt khoảng 7,7 tỷ m3; trong đó hồ trực tiếp vận hành xả nước phục vụ gieo cấy vụ Đông Xuân chỉ tích được 5,8 tỷ m3, đạt 58,3% DTTK, thiếu hụt khoảng 4,1 tỷ m3. Khó khăn nữa là lòng dẫn sông Hồng tiếp tục bị xói sâu với tốc độ rất nhanh, ảnh hưởng đến mực nước tại hạ du hệ thống sông Hồng (không dâng đảm bảo mức yêu cầu) trong ngày đầu của đợt 1 lấy nước. Thêm vào đó, tập quán làm đất khác nhau dẫn đến nhu cầu nước giữa các địa phương không thống nhất về thời gian (vùng ven biển làm đất sớm, vùng trung du làm đất muộn) khiến cho việc bảo đảm nước gieo cấy càng trở lên khó khăn.

Để bảo đảm đủ nước phục vụ gieo cấy, đồng thời tiết kiệm nguồn nước xả từ các hồ chứa thủy điện, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã trực tiếp về các địa phương kiểm tra, chỉ đạo công tác lấy nước phục vụ sản xuất. Cùng với đó, Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) đã phối hợp chặt chẽ với Cục Trồng trọt, EVN, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, các cơ quan khoa học và các địa phương thực hiện xây dựng kế hoạch lấy nước và điều hành linh hoạt các đợt lấy nước đạt hiệu quả cao. Do lịch lấy nước được xác định dựa trên việc tính toán cụ thể bằng mô hình toán của Viện Quy hoạch Thủy lợi, như: Khung thời vụ, lịch thủy triều, nhu cầu lấy nước của địa phương không trùng kỳ nghỉ Tết Nguyên đán đã góp phần tiết kiệm nước từ các hồ chứa thủy điện. EVN cũng đã tổ chức vận hành các nhà máy thủy điện để bảo đảm duy trì mực nước hạ du hệ thống sông Hồng theo đúng yêu cầu, bảo đảm các công trình thủy lợi vận hành lấy nước. Lịch lấy nước của từng đợt được xác định phù hợp với kỳ triều cường, tính toán cụ thể bằng mô hình để xác định khoảng thời gian xả nước tiết kiệm nhất và phù hợp với nhu cầu lấy nước phục vụ gieo cấy của các địa phương. Các cửa lấy nước, hệ thống kênh dẫn nước trong các hệ thống công trình thủy lợi được các địa phương trong khu vực đầu tư nạo vét, tạo thuận lợi cho việc dẫn nước vào ruộng. Thêm vào đó, do lượng mưa khá cao sau đợt 1 lấy nước đã bổ sung một phần nước trên ruộng và tăng lượng nước trữ trong nội đồng, giúp tiến độ lấy nước tăng nhanh.

Báo cáo của Tổng cục Thủy lợi cho thấy, tổng lượng xả của các hồ chứa thủy điện là 2,68 tỷ m3, giảm 1,66 tỷ m3 so với kế hoạch. Như vậy, tổng lượng nước xả năm 2020 thấp hơn 1,74 tỷ m3 so với năm 2019; 3,06 tỷ m3 so với năm 2018; 1,99 tỷ m3 so với năm 2017 và 0,35 tỷ m3 so với năm 2016. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp nhận xét: Việc lấy nước phục vụ sản xuất vụ Đông Xuân năm 2019-2020 gặp khó khăn nhất trong vòng 30 năm qua kể từ khi đưa hồ Hòa Bình vào vận hành. Thời điểm bắt đầu chuẩn bị xả nước phục vụ gieo cấy, hồ Hòa Bình ở mực nước thấp nhất. Khó khăn tiếp nữa là lòng dẫn sông Hồng bị hạ thấp khoảng 1,5m so với trước đây... Tuy nhiên, với sự vào cuộc đồng bộ, chặt chẽ của Bộ NN&PTNT, EVN, các địa phương, cùng với sự tham gia tích cực của nông dân nên việc lấy nước phục vụ sản xuất vụ Đông Xuân 2019-2020 đã đạt kết quả tốt.

Với việc giảm được 1,66 tỷ m3 so với kế hoạch mang ý nghĩa quan trọng trong việc phát điện phục vụ sinh hoạt của người dân vùng hạ lưu sông Hồng. Ông Ngô Sơn Hải, Phó tổng giám đốc EVN cho biết: Cứ 1 tỷ m3 nước tiết kiệm được, chúng ta sẽ tiết kiệm được khoảng 700 tỷ đồng. Như vậy, với 1,7 tỷ m3 nước, chúng ta tiết kiệm được hơn 1.000 tỷ đồng dành cho phát điện trong tháng 4, tháng 5 tới.

Việc đầu tư trạm bơm cột nước thấp cũng là nguyên nhân giúp tiết kiệm nước. Tỉnh Hưng Yên đã đầu tư lắp đặt 20 trạm bơm cột nước thấp (kinh phí khoảng 70 tỷ đồng) giúp cho việc lấy nước phục vụ sản xuất trong điều kiện mực nước trên sông thấp rất hiệu quả. Nhiều địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long cũng đã ứng dụng trạm bơm mực nước thấp để bơm nước phục vụ tưới, tiêu cho lúa. Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi Nguyễn Văn Tỉnh cho rằng: Trạm bơm cột nước thấp có giá thành rẻ, phù hợp với nhiều vùng nên các địa phương có thể học hỏi kinh nghiệm của tỉnh Hưng Yên và nhân rộng trong thời gian tới./.

Nguồn: https://www.qdnd.vn/