Khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc bộ đã lấy nước phục vụ gieo cấy đạt kế hoạch

2020.02.25 - 1509 lượt xem

Cả 3 đợt lấy nước phục vụ gieo cấy lúa vụ Đông Xuân 2019 - 2020, khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc bộ đã kết thúc.  

       Có thể nói việc điều tiết nước cho sản xuất vụ Đông Xuân năm nay gặp rất nhiều khó khăn, khi Nhà máy Thủy điện Hòa Bình kể từ khi đi vào vận hành khai thác, đây là năm có mực nước trong hồ thấp nhất. Nhưng với sự phối hợp chặt chẽ và điều hành linh hoạt của ngành nông nghiệp và Tập đoàn Điện lực Việt Nam phù hợp với từng vùng, các địa phương đã lấy đủ nước cho gieo cấy.
       So với kế hoạch ban đầu lấy nước, vụ Đông Xuân năm nay đã cắt giảm được 6 ngày. Cùng với đó là tiết kiệm được một lượng lớn nước xả lớn từ các nhà máy thủy điện. Đây là nguồn nước quan trọng để phục vụ phát điện vào mùa khô tháng 5, tháng 6.
       Ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, kế hoạch lấy nước phục vụ gieo cấy lúa vụ Đông Xuân 2019-2020, khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc bộ đạt yêu cầu và đạt kế hoạch đề ra. Các tỉnh thành đã hoàn thành lấy nước đổ ải vụ Đông Xuân năm nay.
Ngay từ những ngày đầu lấy nước, Tổng cục Thủy lợi cũng như Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đều nhận định đây là năm có nhiều khó khăn. Tổng cục đã phối hợp chặt chẽ với EVN để xây dựng lịch lấy nước sao cho linh hoạt và phù hợp với từng địa phương, từng vùng trong khung thời vụ tốt nhất mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến cáo để đủ nước phục vụ gieo cấy.
       Bên cạnh đó, giữa đợt 1 và đợt 2, nhiều địa phương trong khu vực có mưa trên diện rộng với lượng mưa phổ biến từ 60 - 90 mm. Các địa phương vẫn tranh thủ vận hành công trình tiếp tục lấy nước, diện tích đủ nước trước khi bước vào đợt 2 đã đạt gần 83%, vượt kế hoạch ban đầu.
       Trong đợt 2 lấy nước, nhờ các địa phương đã cơ bản đã đảm bảo 100% diện tích kế hoạch gieo cấy sớm, nên ngày cuối của đợt 2 đã được điều tiết linh hoạt, mực nước đảm bảo cho các trạm bơm dã chiến của thành phố Hà Nội hoạt động hiệu quả và tiết kiệm nguồn nước.
       Theo ông Nguyễn Văn Tỉnh, trong quá trình triển khai, Tổng cục Thủy lợi và EVN phối hợp chặt chẽ với các địa phương để nắm sát thực tế, xử lý linh hoạt để điều chỉnh thời gian, mực nước cho phù hợp và tiết kiệm nguồn nước.
“Năm nay là năm khó khăn nhất nhưng việc điều hành khoa học, linh hoạt nhất từ trước đến nay và hiệu quả nhất”, ông Nguyễn Văn Tỉnh đánh giá.
        Để bảo đảm dâng mực nước cho hạ du, các hồ chứa thủy điện Hòa Bình, Tuyên Quang và Thác Bà đã tăng cường phát điện. Việc duy trì dòng chảy đảm bảo đã tạo điều kiện thuận lợi cho các công trình lấy nước vùng ảnh hưởng xâm nhập mặn lấy nước hiệu quả và các trạm bơm dã chiến của thành phố Hà Nội lấy nước thuận lợi. Các địa phương khác trong khu vực cũng vận hành công trình lấy nước trữ vào hệ thống kênh mương, ao, hồ, vùng trũng… phục vụ sản xuất.
       Trước việc đợt 3 lấy nước phục vụ cho thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Văn Tỉnh cho biết, cách đây 5 năm, khó khăn lấy nước nhất là các địa phương: Bắc Ninh, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Phú Thọ sau đó mới đến Hà Nội. Nhưng 2 năm gần đây, Hà Nội lại là địa phương khó khăn nhất. Những năm gần đây, các tỉnh đã có sự đầu tư khá nhiều cho hệ thống thủy lợi như Bắc Ninh với khoảng 300 tỷ đồng, Hưng Yên khoảng 80 tỷ đồng, Vĩnh Phúc khoảng100 tỷ đồng… Hà Nội cũng đầu tư nhiều nhưng thực tiễn vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu.
       Theo ông Nguyễn Văn Tỉnh, nếu Hà Nội không có giải pháp sớm, vụ Đông Xuân năm sau thành phố còn khó khăn hơn nữa. Riêng Trạm bơm dã chiến Phù Sa sang năm có thể không lấy được nước. Hà Nội cần hạ thấp Trạm bơm dã chiến Phù Sa, đồng thời có sự điều chỉnh thời vụ gieo cấy sớm hơn.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan để có giải pháp tổng thể đảm bảo nghiên cứu ứng phó với tình trạng hạ thấp dáy sông, khuyến cáo nông dân sản xuất trong khung thời vụ; rà soát kỹ những vùng đặc biệt khó khăn có thể chuyển đổi sang cây trồng ít phụ thuộc nước hơn.
       Ông Nguyễn Quốc Chính, Phó trưởng ban Kỹ thuật – Sản xuất (EVN) cho biết, theo kế hoạch, năm nay, các nhà máy điện có thể phải xả 4,4 tỷ m3 nước. Tuy nhiên, do sự phối hợp rất tốt của các ngành, cùng với đó có đợt mưa sau đợt 1 nên so với dự kiến tiết kiệm được tương đối nhiều nước. Đây là nguồn nước rất quý có thể để phục vụ tốt cho các đợt tưới dưỡng sau này cũng như cho phát điện vào mùa khô tháng 5, tháng 6.
       Theo ông Nguyễn Quốc Chính, các ngành, địa phương cần tiếp tục có sự phối hợp chặt chẽ với các giải pháp tổng thể để đảm bảo lượng nước được tiết kiệm nhất mà các địa phương đủ nước đổ ải./.

 

Nguồn: bnews.vn