2020.03.05 - 2879 lượt xem
Nếu chỉ xét lượng nước trên lưu vực sông vào mùa khô, Việt Nam phải đối mặt với tình trạng thiếu nước. Tổng trữ lượng nước mặt khoảng 830-840 tỉ m3, trong đó khoảng 63% lượng nước từ nước ngoài chảy vào Việt Nam. Bảo đảm an ninh nguồn nước đang là một vấn đề lớn đáng quan tâm.
Theo khảo sát của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) những năm gần đây, nguồn nước trong hệ thống sông, hạ lưu các hồ chứa trên cả nước và nước dưới mặt đất ở nhiều vùng đang dần suy kiệt tới mức nghiêm trọng. Nguyên nhân là do biến đổi khí hậu, sự gia tăng dân số và quá trình đô thị hóa cùng với nhu cầu cho nước sinh hoạt, công nghiệp, dịch vụ, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản... đều có xu hướng tăng đã ảnh hưởng tới an ninh nguồn nước.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) trực tiếp quản lý hệ thống kết cấu hạ tầng thủy lợi, phòng chống thiên tai, vận hành điều phối nguồn nước... cũng đã phân tích 3 thách thức lớn với việc bảo đảm an ninh nguồn nước hiện nay:
Thứ nhất, việc biến đổi khí hậu biểu hiện ngày càng rõ rệt gần đây đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và dân sinh.
Thứ hai, phát triển dân số và quá trình đô thị hóa nhanh tại các đô thị đã và đang gây sức ép đến sử dụng nguồn tài nguyên nước, môi trường nước các lưu vực sông.
Thứ ba, nhu cầu nước cho sinh hoạt, công nghiệp, dịch vụ, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản... có xu hướng tăng, cùng với đặc điểm phân bổ lượng nước không đồng đều.
Số liệu, phân tích của Ngân hàng Thế giới (WB) cũng cho thấy thực tế đó khi tổng lượng nước đang được khai thác, sử dụng hằng năm tại Việt Nam hơn 80,6 tỉ m3, chiếm 10% tổng lượng nước của cả nước. Trong đó, hơn 80% lượng nước được sử dụng cho mục đích nông nghiệp (khoảng 65 tỉ m3/năm). Nước dưới mặt đất được khai thác, sử dụng chủ yếu cho cấp nước sinh hoạt và công nghiệp, với gần 40% lượng nước cấp cho đô thị và 80% lượng nước cho sinh hoạt nông thôn.
Theo Hội Tài nguyên nước quốc tế, quốc gia nào có lượng nước bình quân dưới 4.000 m3/người/năm được xem là quốc gia thiếu nước. Như vậy, nếu chỉ tính riêng lượng tài nguyên nước mặt trên lãnh thổ, Việt Nam thuộc số các quốc gia thiếu nước và sẽ gặp phải nhiều thách thức về tài nguyên nước trong tương lai.
Tương tự, Bộ TN&MT đưa ra con số dự báo nhu cầu sử dụng nước ở Việt Nam sẽ tăng lên đến 130-150 tỉ m3/năm, chiếm tới gần 50% lượng nước sản sinh trên lãnh thổ Việt Nam, gần 90% nguồn nước mùa khô (khoảng 170 tỉ m3). Như vậy, nguy cơ thiếu nước của Việt Nam rất rõ ràng và ở mức nghiêm trọng.
1.200 hồ chứa nước hư hỏng nặng
Vốn đã cạn kiệt nước do nguyên nhân nhân khách quan và sự gia tăng dân số, tốc độ đô thị hóa..., an ninh nguồn nước còn bị đe dọa bởi sự xuống cấp của hệ thống công trình thủy lợi được xây dựng từ lâu, chưa kịp thay đổi công năng để đáp ứng yêu cầu của quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Bộ NN&PTNT cho biết: Hệ thống thủy lợi được phát triển theo hướng đa mục tiêu, song ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, hoạt động sản xuất, kinh doanh khiến nhiều công trình thủy lợi không đủ điều kiện vận hành, giảm năng lực phục vụ. Đặc biệt, để bảo đảm an ninh nguồn nước trong ngành nông nghiệp có vai trò quan trọng của việc vận hành an toàn hệ thống hồ, đập, nhưng do nguồn kinh phí bảo trì gần như không được bố trí nên có khoảng 1.200 hồ chứa nước bị hư hỏng, trong đó 200 hồ hư hỏng đặc biệt nghiêm trọng. Thực tế đó tác động không nhỏ đến bảo đảm an ninh nguồn nước hiện nay.
Đại diện Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) cho biết, qua rà soát đã xác định trên cả nước có 1.370 hồ chứa nước bị hư hỏng, trong đó 530 hồ chứa nước được đưa vào dự án gia cố, nhưng với 200 hồ chứa nước bị hư hỏng đặc biệt nghiêm trọng thì lượng kinh phí duy tu, bảo dưỡng được xác định thấp nhất cũng khoảng 3.000 tỉ đồng, trong đó ngân sách Trung ương hỗ trợ 1.500 tỉ đồng, còn lại do địa phương bố trí. Danh mục hồ chứa nước hư hỏng nghiêm trọng đã được xây dựng, nhưng vì chưa được cấp kinh phí từ ngân sách Trung ương, các địa phương không có kinh phí tiến hành gia cố, duy tu.
Với 200 hồ chứa nước bị hư hỏng đặc biệt nghiêm trọng thì lượng kinh phí duy tu, bảo dưỡng thấp nhất cũng khoảng 3.000 tỉ đồng, trong đó ngân sách Trung ương hỗ trợ 1.500 tỉ đồng. Danh mục hồ chứa nước hư hỏng nghiêm trọng đã được xây dựng, nhưng vì chưa được cấp kinh phí từ ngân sách Trung ương, các địa phương không có kinh phí tiến hành gia cố, duy tu.
|
“Nếu không có những hành động quyết liệt thì tài nguyên nước sẽ trở thành một cản trở cho sự phát triển. Nếu hành động sớm thì Việt Nam sẽ bảo đảm được tài nguyên nước vẫn sẽ tiếp tục là một yếu tố chủ chốt giúp Việt Nam phát triển thịnh vượng hơn”, ông Ousmane Dione, Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam, cảnh báo.
Phải thay đổi nhận thức
Theo chuyên gia cao cấp về quản lý tài nguyên nước của WB Abedalrazq Khalil, bảo đảm an ninh nguồn nước, nhất là đối với nguồn nước các sông liên quốc gia với Việt Nam, là vấn đề quan trọng, đòi hỏi phải thực hiện đồng bộ các giải pháp, có cơ chế hợp tác, thuyết phục, đấu tranh, hạn chế rủi ro, đồng thời phải có các phương án, giải pháp để giải quyết các vấn đề phát sinh. Trong đó, cần tập trung nghiên cứu cơ chế hợp tác hợp lý để bảo đảm việc xây dựng, vận hành các công trình thủy điện lớn ở quốc gia thượng nguồn, nhằm điều tiết hài hòa dòng chảy cho hạ du cả trong mùa lũ và mùa cạn. Đặc biệt, cần đẩy mạnh điều tra cơ bản, quy hoạch, thông tin, dữ liệu và dự báo, cảnh báo về tài nguyên nước song song với việc xây dựng cơ chế điều tiết, điều hòa, phân bổ nguồn nước; thực hiện khai thác, sử dụng tổng hợp nguồn nước, nhất là vận hành điều tiết của các hồ chứa nước lớn; phải thay đổi nhận thức và hành động ở các cấp, ngành, người dân trong việc bảo đảm an ninh nguồn nước.
Đồng quan điểm, Th.S Lê Việt Hùng, Khoa Tài nguyên nước, Đại học TN&MT cho rằng, để bảo đảm an ninh nguồn nước, các cơ quan quản lý Nhà nước cần thống nhất, ban hành cụ thể các quy định về việc bảo vệ nguồn nước cũng như quy định trách nhiệm và chế tài xử phạt kèm theo. Các doanh nghiệp khai thác nguồn nước cũng như UBND các cấp phải xây dựng kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường nước hằng năm. Bên cạnh đó, cần lắp đặt các thiết bị quan trắc, giám sát chất lượng nguồn nước cũng như tiến hành khoanh định, cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước theo Luật Tài nguyên nước năm 2012. Tiến hành xây dựng kế hoạch giám sát, bảo vệ môi trường nước như định kỳ quan trắc, đo đạc, phân tích một cách hệ thống các yếu tố gây ô nhiễm nguồn nước. Giảm công suất khai thác nước dưới đất ở những khu vực có nguy cơ cao gây sụt lún và gây ô nhiễm. Xây dựng và đưa vào sử dụng các công trình, quy trình công nghệ hiện đại để xử lý kịp thời số lượng và chất lượng nước thải trước khi xả vào hệ thống tiêu thoát nước, sông hồ; xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên nước để tập hợp, lưu trữ, phân tích, xử lý, quản lý, cập nhật các thông tin có liên quan đến diễn biến của tình trạng tài nguyên nước.
Nước là một trong những tài nguyên đặc biệt, thiết yếu nhằm phục vụ phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Vì vậy, bảo đảm an ninh nguồn nước là vấn đề cấp thiết hiện nay. Bảo đảm an ninh nguồn nước được hiểu là để cộng đồng có khả năng tiếp cận nguồn nước một cách đầy đủ về số lượng và chất lượng, đáp ứng các nhu cầu cơ bản của đời sống con người, song song với đó là bảo vệ môi trường, bảo vệ hệ sinh thái cũng như chống lại những hiểm họa về thiên tai liên quan đến nước để phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường bền vững./.