2017.01.05 - 567 lượt xem
Nhằm phấn đầu đến năm 2020 sẽ có quy hoạch tài nguyên nước quốc gia và quy hoạch tài nguyên nước các lưu vực sông lớn, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề ra nhiệm vụ trọng tâm đẩy mạnh công tác quy hoạch tài nguyên nước.
Trên định hướng đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường ra kế hoạch trong năm 2017 phải tập trung nguồn lực thực hiện lập Quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông Hồng-Thái Bình; lập quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông Bằng Giang – Kỳ Cùng, sông Srêpok; Dự án “Chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững Đồng bằng sông Cửu Long.”
Đây là nhiệm vụ cấp thiết, đòi hỏi cần được triển khai thực hiện hiệu quả công tác điều tra cơ bản cả về nước ngầm và nước mặt, kế hoạch điều tra cơ bản mang tính lâu dài, đặc biệt là có sự gắn kết chặt chẽ giữa công tác điều tra, đánh giá tài nguyên nước với công tác quy hoạch tài nguyên nước. cần củng cố kiện toàn tổ chức bộ máy; tăng cường đội ngũ cán bộ có phẩm chất và năng lực; rà soát kiện toàn, nâng cao năng lực cán bộ lãnh đạo, quản lý các đơn vị trực thuộc đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Công tác hợp tác quốc tế được chú trọng, đặc biệt là hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, chuyển giao công nghệ phục vụ cho khai thác, xử lý nguồn nước.
Trong năm 2016, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên quốc gia (cơ quan được Bộ Tài nguyên và Môi trường giao nhiệm vụ) đã thực hiện triển khai lập Quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông Hồng-Thái Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; thi công phục vụ chống hạn và xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên, điển hình như dự án “Điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất tại các vùng cao, vùng khan hiếm nước; dự án “Điều tra, đánh giá tổng thể nguồn nước, cảnh báo, dự báo phòng chống khô hạn, xâm nhập mặn ứng phó với biến đổi khí hậu khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên”; dự án “Đầu tư xây dựng mới và nâng cấp mạng quan trắc nước dưới đất đồng bằng sông Cửu Long. Đây cũng là những nhiệm vụ quan trọng nhằm giải quyết triệt để tình trạng thiếu nước sinh hoạt luôn thường trực mỗi khi mùa khô đến, cũng như bảo đảm an ninh nguồn nước cho vùng khô hạn Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.
Trong năm 2016, Trung tâm đã triển khai hai dự án lớn, đó là Đề án “Bảo vệ nước dưới đất ở các đô thị lớn; Dự án thành phần 7: “Điều tra đánh giá tài nguyên nước một số đảo và cụm đảo lớn, quan trọng”, thuộc dự án “Điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường một số hải đảo, cụm đảo lớn, quan trọng phục vụ quy hoạch phát triển kinh tế biển và bảo vệ chủ quyền lãnh hải,” hiện đã hoàn thành công tác điều tra đánh giá tài nguyên nước mặt trên đảo Cái Bầu thuộc huyện đảo Vân Đồn. Kết quả này đánh giá được đặc điểm của 6 tầng chứa nước với trữ lượng tiềm năng nước dưới đất khoảng 138.000m3/ngày.
Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam