COP 21: Dành 100 tỉ USD/năm để chống biến đổi khí hậu

2015.12.14 - 586 lượt xem

Các đại biểu từ 195 nước tham gia Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP21) tại Paris (Pháp) ngày 12/12 đã thông qua thỏa thuận lịch sử nhằm ngăn chặn tình trạng ấm lên toàn cầu, vốn đe dọa nhân loại với việc làm mực nước biển dâng cao và khiến tình trạng hạn hán, lũ lụt, dông bão trở nên tồi tệ hơn.

Với sự chứng kiến Tổng thống Pháp Francois Hollande và Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon cùng toàn thể đại biểu tham dự, Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Laurent Fabius, người chủ trì các cuộc đàm phán kéo dài gần hai tuần tại Paris, cầm một chiếc búa nhỏ màu xanh, chính thức thông qua thoả thuận và nói: "Dù là một chiếc búa nhỏ, nó có thể làm những điều lớn lao".

Ông Laurent Fabius cho biết: "Tôi nhận thấy phản ứng tích cực trong phòng hội nghị. Tôi không thấy sự phản đối nào. Thỏa thuận khí hậu Paris đã được thông qua".

Bản thỏa thuận Paris lần này có 31 trang, 29 điều khoản, tập trung vào một số vấn đề lớn và sẽ thay thế Nghị định thư Kyoto từ năm 2020.

Thứ nhất, về mục tiêu, thỏa thuận này đặt ra mức trần tăng nhiệt độ của trái đất đến năm 2100 là không quá 2 độ C, tức nhân loại phấn đấu đến thời điểm đó sẽ giữ cho trái đất không tăng quá 2 độ C so với thời điểm tiền công nghiệp (cuối thế kỷ 19), nhưng có kèm theo khuyến nghị là “quyết tâm đạt được mức 1,5 độ C”. Tuy nhiên, không có mức giảm khí thải nào được đưa ra như trong các dự thảo trước đó.
Thứ hai, thỏa thuận này đã ít nhiều có tính ràng buộc pháp lý, với việc đưa ra cơ chế đánh giá 5 năm/lần, bắt đầu từ năm 2025.

Thứ ba, các nước phát triển sẽ gây quỹ 100 tỉ USD/năm bắt đầu từ năm 2020 để hỗ trợ những nước đang phát triển ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu. Con số này được coi là không đủ và được cam kết là "mức sàn" để tăng dần lên theo thời gian. 

Một điểm nữa đáng chú ý là vấn đề “mất mát và thiệt hại” lần đầu tiên được đưa vào thỏa thuận. Tuy nhiên, nó chưa ghi rõ là các nước phương Bắc phải bồi thường thiệt hại cho các nước phương Nam chịu hậu quả nặng của biến đổi khí hậu như thế nào mà chỉ ghi là “các bên tăng cường trao đổi, hành động và trợ giúp lẫn nhau” để bù đắp các mất mát và thiệt hại.

Cuối cùng, để thỏa thuận Paris có hiệu lực thì cần được ít nhất 55 quốc gia, chiếm ít nhất 55% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu phê chuẩn. Sau khi được phê chuẩn, thỏa thuận sẽ có hiệu lực từ 2020. Các nước đều có quyền từ bỏ thỏa thuận, nhưng phải ít nhất là 3 năm sau khi thỏa thuận Paris có hiệu lực.

Nguồn: http://baochinhphu.vn/