Hồ Dầu Tiếng hướng tới mục tiêu an toàn và hiệu quả

2015.10.02 - 1307 lượt xem

Ngày 1/10 tại Công trình đầu mối hồ chứa nước Dầu Tiếng (huyện Dương Minh Châu, Tây Ninh), Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Khai thác thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa (Công ty thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa) kỷ niệm 30 năm quản lý, vận hành, khai thác hệ thống thủy lợi Dầu Tiếng và đón nhận Huân chương Lao động hạng 3 do Chủ tịch nước trao tặng.

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Văn Thắng cho biết, đây là một trong 2 công trình (thủy lợi Dầu Tiếng và Thủy điện Hòa Bình) có sự tham gia tích cực của lực lượng đoàn viên thanh niên, quân đội và nhân dân, xây dựng nên công trình vĩ đại này. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng biểu dương cán bộ, công nhân viên của Ban quản lý công trình qua các thời kỳ, đã cống hiến hết mình để trong 30 năm qua luôn vận hành an toàn công trình và bảo đảm cho các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội tại các địa phương. 
Thứ trưởng đề nghị Công ty Khai thác thủy lợi Dầu Tiếng, cần nỗ lực hơn nữa trong công tác quản lý, vận hành công trình, nhằm luôn bảo đảm được 2 mục tiêu an toàn và hiệu quả cao nhất của Công trình. 
Ông Trần Xuân Đại, Phó Giám đốc Công ty thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa cho biết, công trình thủy lợi Dầu Tiếng là hệ thống thủy nông có quy mô lớn nhất nước ta hiện nay. Hồ Dầu Tiếng được khởi công xây dựng từ năm 1981. Năm 1984 bắt đầu tích nước hồ, đến năm 1985 bắt đầu phục vụ sản xuất. Hồ Dầu Tiếng có tổng dung tích 1,580 tỷ m3 nước, diện tích mặt hồ rộng 27.000 ha nằm trên 3 tỉnh Tây Ninh, Bình Phước và Bình Dương. 
Nhiệm vụ chính của hệ thống là cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, phục vụ sinh hoạt và chống xâm nhập mặn cho hạ du sông Sài Gòn, sông Vàm Cỏ Đông thuộc các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Long An và Thành phố Hồ Chí Minh; điều tiết giảm tối đa xả lũ nhằm chống ngập cho hạ du sông Sài Gòn, đặc biệt là địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. 
Qua 30 năm xây dựng và khai thác, đến nay hồ Dầu Tiếng phục vụ tưới thường xuyên cho 153.800 ha diện tích sản xuất nông nghiệp. Trong đó, tưới cho tỉnh Tây Ninh 120.000 ha, Thành phố Hồ Chí Minh 33.800 ha; đồng thời tưới tạo nguồn cho ven sông Sài Gòn và sông Vàm Cỏ Đông 93.954 ha. 
Từ khi có hệ thống kênh thủy lợi hồ Dầu Tiếng đưa nước về đồng ruộng, một vùng đất hàng trăm ngàn ha của tỉnh Tây Ninh và huyện Củ Chi (Thành phố Hồ Chí Minh) đã chuyển từ 1 vụ sản xuất/năm lên 3 vụ/năm; năng suất lúa đạt 4-5 tấn/ha/vụ, năng suất lạc đạt từ 3-4 tấn/ha/vụ. Nhiều loại rau màu và cây trồng khác đều có năng suất tăng lên gấp 2,3 lần so với trước, góp phần đáng kể trong việc tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, làm thay đổi căn bản diện mạo nông thôn của toàn vùng. 
Bên cạnh mục đích phục vụ tưới cho nông nghiệp, mỗi năm hồ Dầu Tiếng còn cung cấp gần 100 triệu m3 nước ngọt cho các ngành công nghiệp và sinh hoạt cho Thành phố Hồ Chí Minh, Tây Ninh và các ngành, địa phương khác quanh vùng, góp phần đáng kể trong việc phát triển sản xuất công nghiệp, cung cấp nguồn nước sạch cho người dân, cải thiện môi trường, an sinh xã hội./.

Nguồn: TTXVN