2015.10.20 - 1212 lượt xem
Gần đây, rất nhiều vấn đề môi trường hệ trọng có tính xuyên biên giới đặt ra những thách thức mới cho Việt Nam, chủ yếu liên quan đến nguồn nước và chất lượng không khí. Đối diện những thách thức phi truyền thống này, chúng ta cần một chiến lược đối phó mới.
Báo cáo Dự án Thiên niên kỷ của Hội đồng châu Mỹ (ĐH UNU tại Tokyo, Nhật Bản) định nghĩa: “An ninh môi trường là việc đảm bảo an toàn trước các mối nguy hiểm môi trường sinh ra do sự yếu kém trong quản lý hoặc thiết kế và có nguyên nhân trong nước hay xuyên quốc gia”.
60% nguồn nước nằm trong tay người khác
Việt Nam có 2.360 con sông thuộc 16 lưu vực sông. Trong đó, hơn 60% tài nguyên nước mặt của nước ta xuất phát từ các quốc gia khác. Hệ thống sông Hồng có 50% nguồn nước xuất phát từ Trung Quốc.
Hệ thống sông Mekong trên lãnh thổ Việt Nam chỉ có 10% nguồn nước bổ sung từ nội địa, trong khi 90% nguồn nước chảy qua từ biên giới Campuchia và ngược lên thượng lưu Lào, Thái Lan, Myanmar và Trung Quốc. Hệ thống sông Mã, sông Cả đều có 40% lưu vực phía thượng nguồn nằm trên lãnh thổ Lào. Hệ thống sông Đồng Nai cũng có 15% lưu vực phía thượng nguồn là Campuchia chảy qua.
Với đặc điểm như vậy, Việt Nam cực kỳ nhạy cảm với mọi hoạt động liên quan đến khai thác và sử dụng nguồn nước từ phía thượng lưu. Chỉ riêng hệ thống sông Hồng - Thái Bình và sông Cửu Long đã chiếm 50% diện tích cả nước, đóng góp 75% tài nguyên nước quốc gia.
Việc xả lũ mới đây của các hồ thủy lợi và đập thủy điện từ thượng nguồn sông Hồng phía lãnh thổ Trung Quốc hoàn toàn gây bất ngờ cho phía Việt Nam, mặc dù hiện tại đã có cơ chế chia sẻ số liệu quan trắc mực nước sông, lưu lượng nước giữa Vân Nam và Lào Cai, nhưng không thông báo có xả lũ hay không, theo ông Lưu Minh Hải - giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn tỉnh Lào Cai. Chính vì phía Trung Quốc chia sẻ thông tin rất hạn chế nên sẽ rất khó để Việt Nam đưa ra cảnh báo và đối phó kịp thời khi xảy ra sự cố xả lũ.
Với việc kiểm soát tới 50% nguồn nước trên lưu vực sông Hồng, Trung Quốc cần có trách nhiệm hơn trong việc chia sẻ thông tin về việc sử dụng nguồn nước trong thủy điện và thủy lợi, chưa kể đến kiểm soát ô nhiễm do các hoạt động sản xuất và sinh hoạt thải ra nguồn nước trên lãnh thổ Trung Quốc trước khi chảy vào lãnh thổ Việt Nam.
Theo ông Lê Phát Quới - chuyên gia quốc tế về quản lý nguồn nước, phía thượng nguồn sông Mekong thuộc tiểu lưu vực phía Trung Quốc có 8 đập thủy điện đã và đang xây dựng. Tiểu lưu vực của Thái Lan, Lào và Campuchia có 17 đập thủy điện đang được quy hoạch và 2 thủy điện đang trong quá trình xây dựng là Xayabury và Don Sahong (Lào).
Các tác động cơ bản do hoạt động phía thượng nguồn gây ra trên dòng Mekong tại ĐBSCL là gây thiếu hụt phù sa, xói lở đất, hạn hán và xâm nhập mặn, suy giảm nguồn lợi thủy sản. Điều này đã được thấy rõ trong thực tế cũng như các nghiên cứu về tác hại của các đập thủy điện phía thượng lưu Mekong do các tổ chức như WWF, USAID... thực hiện.
Mặc dù Trung Quốc và Myanmar nằm ở thượng nguồn - nơi đã chiếm hơn 50% chiều dài dòng sông, nhưng họ không tham gia Ủy ban sông Mekong quốc tế, trong khi bốn quốc gia thành viên lại ở hạ nguồn là Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam không phải lúc nào cũng thống nhất hành động. Việt Nam ở cuối nguồn là quốc gia bị thiệt hại nhiều nhất.
Môi trường không khí: Lưỡng đầu thọ... ô nhiễm
Viện Khoa học khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên - môi trường) vừa công bố báo cáo khẳng định vào mùa đông, ô nhiễm không khí từ Trung Quốc ảnh hưởng đến Việt Nam có thể tới 55% đối với SO2, 48% đối với NO2 và 30% đối với CO.
Nghiên cứu này cho thấy Việt Nam còn hứng chịu cả những chất hữu cơ khó phân hủy với hàm lượng không thua kém SO2 mà nguồn gốc phát sinh chủ yếu từ các nhà máy nhiệt điện than ở phía nam và đông nam Trung Quốc.
Hiện tượng sương mù ngày càng nhiều. Ảnh: Quang Khải |
Năm 2013, Trung Quốc đã có 801 GW công suất lắp đặt các nhà máy nhiệt điện than, chiếm trên 64% tổng nguồn cung điện năng nước này. Để so sánh, năm 2015 Việt Nam có tổng công suất nhiệt điện than khoảng 14,5 GW, theo Quy hoạch điện VII thì đến năm 2030 sẽ đạt tổng công suất nhiệt điện than 75 GW.
Nghĩa là chỉ tính năm 2013, công suất nhiệt điện than tại Trung Quốc đã gấp 55,2 lần so với công suất nhiệt điện than tại Việt Nam năm 2015 và gấp 10,7 lần so với công suất nhiệt điện than tại Việt Nam đến năm 2030.
Đáng lo ngại là do nguồn ô nhiễm từ việc xây dựng và vận hành các nhà máy nhiệt điện than tại Việt Nam, ước tính hiện nay đã có hậu quả bệnh tật làm chết khoảng 4.300 người/năm và dự báo con số này sẽ tăng lên khoảng 25.000 người/năm đến năm 2030, theo báo cáo của nhóm nghiên cứu thuộc ĐH Harvard (Mỹ) do Trung tâm phát triển Sáng Tạo Xanh (GreenID) mới công bố.
Điều đó cho thấy ngoài nguy cơ hiển hiện này, có mối nguy khác sẽ gia tăng với tải lượng ô nhiễm khổng lồ đang âm thầm xâm nhập Việt Nam từ Trung Quốc. Chắc chắn những con số thiệt hại nghiêm trọng mà GreenID vừa công bố sẽ còn cao hơn gấp rất nhiều lần với sự xâm nhập ô nhiễm không khí từ Trung Quốc.
TP.HCM và các tỉnh phía Nam vừa trải qua một đợt ô nhiễm khói mù, với nguồn gốc là khói thải do cháy rừng ở Indonesia. Đây là vụ ô nhiễm khói mù tồi tệ nhất trong gần 10 năm trở lại đây, có nguy cơ vượt qua cả thảm họa cháy rừng năm 1997 từng gây thiệt hại cho nền kinh tế Indonesia tới 9 tỉ USD.
Ô nhiễm không khí lên tới mức nguy hiểm từ các vụ cháy khiến hơn 80.000 người Indonesia mắc bệnh hô hấp, buộc Singapore và Malaysia phải ban bố tình trạng khẩn cấp, đóng cửa hàng trăm trường học. Tình hình ngày càng tồi tệ khi khói mù tiếp tục lan về phía bắc, ảnh hưởng tới bảy tỉnh miền nam Thái Lan, gây ra tình trạng mù khô ở TP.HCM trong tuần qua.
Tháng 1-2015, Bộ Ngoại giao Indonesia mới trao văn kiện do Quốc hội Indonesia phê chuẩn Hiệp định khói mù xuyên biên giới ASEAN (AATHP) cho ban thư ký Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), mặc dù AATHP đã được Chính phủ Indonesia ký kết cách đây 12 năm!
Việc Quốc hội Indonesia trì hoãn phê chuẩn AATHP do chịu nhiều áp lực trái chiều từ trong và ngoài nước. Hiệp định đã được tất cả các nước thành viên ASEAN thông qua làm gia tăng hi vọng giúp khu vực tăng cường hợp tác phòng chống ô nhiễm khói mù xuyên biên giới.
Tuy vậy, ngay cả khi đã phê chuẩn AATHP, mãi đến lúc nhiều nước trong khu vực ngạt thở, quy mô ô nhiễm vượt khỏi tầm kiểm soát thì Indonesia mới chấp nhận sự trợ giúp của quốc tế, mở ra cơ hội phối hợp quốc tế để giải quyết vì trước đó họ vẫn khăng khăng coi đây là vấn đề nội bộ. Điều đó cho thấy những lợi ích nội tại của một quốc gia có thể chi phối sự hợp tác quốc tế trong một vấn đề khẩn cấp liên quan người dân nhiều nước.
Thách thức cho Việt Nam
Sự gia tăng nhiều vấn đề môi trường hệ trọng có tính chất xuyên biên giới đòi hỏi Chính phủ Việt Nam phải huy động nội lực ứng phó, đồng thời gia tăng các hoạt động hợp tác song phương, đa phương.
Cần dựa vào nội lực để chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế, lấy phát triển xanh làm chủ đạo để giảm tiêu thụ tài nguyên, giảm ô nhiễm không khí và nguồn nước, nâng cao độ che phủ rừng để hấp thụ ô nhiễm.
Đây không thể là việc làm một sớm một chiều mà cần Chính phủ với tầm nhìn dài hạn thực hiện nghiêm túc và bền bỉ. Việc tăng cường, chủ động tham gia các diễn đàn song phương, đa phương nhằm bảo vệ lợi ích về an ninh môi trường quốc gia dựa trên cơ chế đối thoại, chia sẻ thông tin và ứng xử có trách nhiệm là một đòi hỏi cấp bách.
Cuối tháng 10 này, là quốc gia đăng cai Hội nghị bộ trưởng môi trường ASEAN chính thức lần thứ 13 (AMME 13), Hội nghị bộ trưởng môi trường ASEAN+3 và chuỗi các hội nghị liên quan diễn ra tại Hà Nội, Việt Nam có cơ hội không thể tốt hơn để nêu và đề xuất các cơ chế thúc đẩy hợp tác quốc tế về môi trường, trong đó có hợp tác với ASEAN và Trung Quốc liên quan đến quản lý nguồn nước và kiểm soát ô nhiễm không khí xuyên biên giới.
Cụ thể là vấn đề sử dụng nguồn nước trên hệ thống sông Hồng, sông Mekong, kiểm soát ô nhiễm không khí xâm nhập từ Trung Quốc và khói mù từ Indonesia - những vấn đề mới nổi lên đang đòi hỏi giải quyết cấp bách nhằm đảm bảo an ninh môi trường, yếu tố quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.■
Nguồn: http://tuoitre.vn/