Cống Âu thuyền Ninh Quới-công trình ngăn mặn phát huy hiệu quả

2020.03.19 - 3049 lượt xem

Dự án cống Âu thuyền Ninh Quới được triển khai xây dựng trên tuyến kênh Quản lộ Phụng Hiệp, thuộc huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu nhằm giải quyết nước ngọt sản xuất cho người dân 3 tỉnh là Hậu Giang, Bạc Liêu và Sóc Trăng. Tại Sóc Trăng, sau khi đưa vào hoạt động, bước đầu công trình đã giúp địa phương này chủ động tốt trong điều tiết nước tưới, kiểm soát mặn, giữ ngọt cho hàng chục nghìn ha đất trồng lúa, rau màu của người nông dân địa phương.

         Dù đang phơi lúa dưới cái nắng gay gắt của mùa hạn mặn giữa tháng 3, nhưng bà Trương Thị Đèo ở khóm Vĩnh Tuyền, phường 3, thị xã Ngã Năm vẫn không giấu được niềm vui. Bởi mới hôm trước thôi, 1.300m2 đất trồng lúa của gia đình bà vừa thu hoạch cho năng suất lên đến 7 tấn/ha. Bà Đèo cho biết, nhờ không bị nước mặn xâm nhập mà việc trồng lúa vụ Đông Xuân năm nay được bội thu.

       “Mỗi năm bơm giữa chừng là họ không cho bơm nữa vì nước mặn. Năm trước bị ảnh hưởng nước mặn, năm nay không có nước mặn nên gia đình tôi bơm thoải mái. Chi phí nhẹ, không có nước mặn, thời tiết thuận lợi”- bà Đèo nói.

 

Năm nay không ảnh hưởng của mặn xâm nhập nên lúa cho năng suất cao.

       Còn ông Nguyễn Văn Lưu, nông dân ở khóm Vĩnh Mỹ, phường 3, thị xã Ngã Năm chia sẻ, năm nay gia đình sản xuất hơn 2 ha lúa, suốt cả vụ không có mặn xâm nhập. Vì vậy, mỗi công ông thu được hơn 1 tấn lúa. Chưa bao giờ nông dân Ngã Năm có được vụ mùa thuận lợi như năm nay. Lúa vừa thu hoạch xong là thương lái đến thu mua tận ruộng vì lúa đã được bao tiêu từ đầu vụ.

       Trong khi nông dân ở các địa phương khác của tỉnh Sóc Trăng như là Long Phú, Trần Đề, Kế Sách, Châu Thành… đang gồng mình ứng phó hạn hán và mặn xâm nhập; nhiều diện tích bị ảnh hưởng và thiệt hại thì với nông dân ở vùng trũng thị xã Ngã Năm lại có được vụ sản xuất lúa Đông Xuân thành công vượt ngoài mong đợi, khi năng suất đạt trung bình lên tới 7,5 tấn/ha.

       Sự thành công của mùa vụ sản xuất đối với nông dân Ngã Năm nói riêng và một phần của huyện Thạnh Trị, Mỹ Xuyên nói chung đến từ một công trình ngăn mặn mang tên Cống Âu thuyền Ninh Quới. Đây là một công trình lớn, có sức tác động mạnh mẽ, giúp chủ động điều tiết nước, kiểm soát mặn, giữ ngọt cho hàng trăm nghìn ha đất trồng lúa, rau màu cho người dân ở cả 3 tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu và Hậu Giang.

       Phó Chủ tịch UBND thị xã Ngã Năm, ông Võ Minh Thắng chia sẻ, cống Âu thuyền Ninh Quới đi vào vận hành giúp địa phương kiểm soát tốt vấn đề nước mặn xâm nhập vào nội đồng. Vì vậy mà lúa vụ Đông Xuân không bị ảnh hưởng. Cùng với đó là sự chủ động của chính quyền thị xã khi chỉ đạo ngành nông nghiệp trong việc thường xuyên duy tu, bảo dưỡng, vận hành tốt các công trình thủy lợi, để phát huy lợi thế của các tuyến kênh nội đồng trong việc trữ nước ngọt, đảm bảo đủ nguồn nước tưới tiêu cho nông dân trong mùa vụ sản xuất.

       “Tình hình sản xuất năm nay gặp nhiều thuận lợi, khi mà Âu thuyền Ninh Quới đã đi vào vận hành. Năm nay, mặn giáp ranh Ngã Năm có 3 đợt và chưa có vượt qua 5 ngã, chưa có sâu vào nội đồng, đặc biệt là khi Âu Thuyền cho hoàn thành thì có năm nước mặn xâm nhập 12 lần, trong đó 3 lần vượt 5 ngã, lên tới phường 2 với 5‰, vì vậy, sản xuất gặp nhiều khó khăn, năm nay do Âu thuyền Ninh Quới đi vào vận hành nên sản xuất được thuận lợi, năng suất đạt 7,5 tấn/ha”- ông Võ Minh Thắng cho biết.

Âu thuyền Ninh Quới mở cho các phương tiện thủy giao thông

       Dự án cống Âu thuyền Ninh Quới được triển khai xây dựng trên tuyến kênh Quản lộ Phụng Hiệp, thuộc huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu, cách ngã tư Ninh Quới về hướng tỉnh Sóc Trăng khoảng 750m. Công trình do Ban quản lý dự án thủy lợi 10 thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư với tổng vốn đầu tư 360 tỷ đồng. Công trình có 2 cống hở ở hai đầu và buồng âu thuyền dài 150m; rộng thông nước hơn 31m. Đây là dự án trọng điểm nằm trong quy hoạch xây dựng thủy lợi vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050. Đồng thời dự án còn nhằm chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, ngăn mặn giữ ngọt, kết hợp với phát triển giao thông trong vùng.

       “Chúng tôi đang thực hiện quy trình vận hành cho toàn hệ thống của khu vực Quản lộ Phụng Hiệp. Trước mắt dự án đang thực hiện vận hành tạm thời để ngăn mặn theo chu trình của thủy triều, theo thông báo của Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam, từng thời kỳ, từng tháng, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn có thông báo lên phương tiện thông tin đại chúng để cho bà con nông dân biết để phối hợp lưu thông trong quá trình vận hành”- ông Phan Văn Trung, Cán bộ Giám sát Ban điều hành dự án Cống Âu thuyền Ninh Quới cho biết.

Cống Âu thuyền Ninh Quới được đóng để ngăn mặn.

       Công trình dù mới bắt đầu được vận hành nhưng đã góp phần cùng với những công trình khác được xây dựng trong vùng, chủ động điều tiết nước, kiểm soát mặn, giữ ngọt cho vùng trồng lúa, màu, và nuôi tôm của các tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng, Hậu Giang. Đối với vùng trồng lúa ở địa phương vùng trũng như thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng, nếu lâu nay mùa vụ lúa Đông Xuân, người dân vốn hồi hộp, lo lắng vì mặn xâm nhập trong quá trình sản xuất, thì năm nay, cống ngăn mặn Âu thuyền Ninh Quới  đã giúp bà con giải quyết vấn đề này,  có được một vụ mùa ăn chắc. Bên cạnh đó, câu chuyện tranh chấp mặn-ngọt giữa Bạc Liêu và Sóc Trăng đã được giải quyết một cách hài hòa, hiệu quả, giúp cư dân ở hai tỉnh đều có hướng đi trong phát triển kinh tế, gắn với thực tế sản xuất của địa phương mình.

       Ông Lương Minh Quyết, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng nhận định, cống Âu thuyền Ninh Quới khi đưa vào vận hành giúp ngành nông nghiệp, chính quyền và người dân tỉnh Sóc Trăng vô cùng phấn khởi, bởi đối với vùng trũng Ngã Năm, Thạnh Trị và một phần của huyện Mỹ Xuyên thì nước mặn vào được nhưng lại không ra được nên hàng năm cứ đến vụ sản xuất Đông Xuân, chính quyền và người dân phải mất ăn mất ngủ để tìm giải pháp ứng phó.

       Từ những hiệu quả mang lại, ngành nông nghiệp Sóc Trăng cũng đang phối hợp với Trường Đại học Cần Thơ sắp tới sẽ xây dựng mô hình “3 cây, 1 con” để phát huy hết tính năng của vùng đất trũng Ngã Năm với cây lúa cùng cá phía dưới, cây dừa và mãng cầu gai phía trên bờ bao. Như thế, về lâu dài, người dân vùng trũng Ngã Năm có sự vươn lên nhanh chóng trong phát triển kinh tế./.

Nguồn: vov.vn