Kiên Giang đắp 196 đập ngăn mặn xâm nhập

2020.02.25 - 1683 lượt xem

Theo Sở Nông nghiệp tỉnh Kiên Giang, để ứng phó với mùa khô 2020 được dự báo là rất khốc liệt, hơn cả đỉnh điểm trăm năm mới có 1 lần vào năm 2016, ngay từ tháng 7-2019 địa phương này đã có công tác chuẩn bị ứng phó. Hiện tại, toàn bộ 55 cống đổ ra biển Tây Nam đều đang được vận hành linh hoạt. Lúc triều cường sẽ đóng để ngăn mặn, nhưng khi độ mặn giảm dưới mức cho phép sẽ ngay lập tức vận hành hết công suất các máy bơm để lấy nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt.

    Theo Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang, độ mặn mùa khô năm nay xuất hiện sớm hơn năm 2015-2016 khoảng 20 ngày, sớm hơn trung bình năm 2019 khoảng hai tháng. Cuối tháng một đầu tháng hai, trên sông Cái Lớn độ mặn 4,0g/l xâm nhập sâu nhất khoảng 47 km, hết địa phận xã Vĩnh Phước B, huyện Gò Quao. Trên sông Cái Bé, độ mặn 4,0g/l xâm nhập sâu nhất khoảng 30 km (xã Long Thạnh, huyện Giồng Riềng), độ mặn 1,0g/l xâm nhập sâu nhất là 32 km (qua cầu Bến Nhất, xã Long Thạnh 1 km).

    Vụ đông xuân 2019-2020, tỉnh Kiên Giang đã thu hoạch 40.499 ha/289.026 ha, diện tích còn lại trên đồng là 248.527 ha, chủ yếu ở giai đoạn đòng - trổ và trổ chín. Dự kiến vùng Tây sông Hậu sẽ thu hoạch dứt điểm vào khoảng giữa tháng 3-2020, vùng Tứ giác Long Xuyên vào khoảng cuối tháng 3-2020. Hiện diện tích bị thiệt hại do mặn khoảng 600 ha, chủ yếu ở huyện Hòn Đất và Kiên Lương, năng suất giảm từ 30-70%. Nguyên nhân chủ yếu là tại các khu vực này, tình hình sản xuất lúa, tôm đan xen, sử dụng chung kênh cấp, thoát nước. Các hộ nuôi tôm trong quá trình vệ sinh ao nuôi đã bơm xả nước mặn trong ao nuôi ra trực tiếp một số tuyến kênh gây nhiễm mặn.

    Để chủ động triển khai các giải pháp phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn trong mùa khô này, địa phương đã vận hành hiệu quả hệ thống cống trên tuyến đê biển Hòn Đất – Kiên Lương, địa bàn huyện Giang Thành, TP Rạch Giá và ven sông Cái Bé thuộc huyện Châu Thành (55 cống), vùng U Minh Thượng (17 cống), dự án thủy lợi Ô Môn – Xà No (35 cống) để ngăn mặn, giữ ngọt bảo đảm phục vụ cho sản xuất vụ Đông Xuân 2019-2020.

   Các địa phương trong vùng bị ảnh hưởng mặn đã triển khai gia cố, đắp mới các đập ngăn mặn theo thời vụ để bảo vệ lúa trong vụ Đông Xuân 2019-2020 và tiếp tục phòng, chống hạn mặn cho vụ Hè Thu 2020. Toàn tỉnh đã triển khai đắp 195 đập và đang đắp một đập lớp trên kênh Ông Hiển. Tỉnh đã đầu tư nâng cấp, mở rộng các trạm cấp nước nông thôn phục vụ cấp nước cho 8.000 hộ dân trên địa bàn các huyện Châu Thành, Gò Quao, An Minh, Kiên Lương, Giang Thành có nguy cơ thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô. Ngoài ra, Kiên Giang cũng đã công bố tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn trên diện rộng thuộc địa bàn tỉnh. Hiện nay độ mặn thực tế trên sông Cái Lớn và Cái Bé đoạn cách cửa biển khoảng 5 km, gần địa điểm đang thi công xây dựng cống Cái Lớn và Cái Bé đều ghi nhận độ mặn hơn 10g/l.

Kiên Giang là một trong những tỉnh hạn mặn tác động rất lớn, nhưng nhờ tỉnh đã chủ động từ tháng 7-2019 nên công tác ứng phó với hạn, mặn của Kiên Giang rất kịp thời và đạt hiệu quả cao, đặc biệt, việc Kiên Giang đã chủ động triển khai đắp 196 con đập vào thời điểm thích hợp nên những thiệt hại mà hạn, mặn gây ra chưa nhiều. Tuy nhiên, việc đắp đập ngăn mặn hằng năm khiến cho tỉnh tốn một khoản kinh phí khá lớn. Hiện nay các đơn vị thi công đang đẩy nhanh tốc độ xây dựng 2 cống quy mô lớn là cống Cái Bé và cống Cái Lớn. Dự kiến giữa năm 2021 cả 2 cống này sẽ vận hành, khi đó Kiên Giang sẽ không phải đắp hơn 60 đập ngăn mặn vào mùa khô, đồng thời cả tỉnh Hậu Giang giáp ranh sẽ không còn nỗi lo nước biển xâm nhập vào nội đồng. Đến năm 2025, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ triển khai dự án đưa nước ngọt từ sông Cái Bé, Cái Lớn về phục vụ đời sống, sản xuất cho người dân tỉnh Cà Mau.

Nguồn: Tổng hợp