2020.02.19 - 1706 lượt xem
Đối với tình trạng hạn mặn năm nay, nhiều địa phương ở ĐBSCL đã có giải pháp ứng phó chủ động từ trước, giảm thiệt hại.
Nhiều tờ báo cho biết, đây là đợt hạn mặn lịch sử của khu vực này, và có thể phá kỷ lục mùa mặn lịch sử 4 năm trước. Đáng chú ý của năm nay là hạn mặn xảy ra sớm hơn trung bình nhiều năm tới 2 tháng rưỡi đến 3 tháng rưỡi.
Tính đến đầu tuần, nước mặn đã lấn vào huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng khoảng 60 - 70km với độ mặn lên tới 8 gam/lít. Còn ở Cà Mau, diện tích lúa bị thiệt hại và có nguy cơ bị thiệt hại do hạn mặn đã hơn 41 nghìn ha. Cũng ở Cà Mau, khoảng hơn 13.000 hộ dân chưa tiếp cận được nước sạch và không có nguồn nước ngầm để khai thác.
Hạn mặn gay gắt đến mức nhiều diện tích hoa màu khô cháy, người nông dân phải vét từng dòng nước ngọt cuối cùng dưới kênh để tưới cho chanh. Đất khô hạn quá nên bơm nước hôm trước, hôm sau đã cạn. Thậm chí 2 tỉnh Tiền Giang, Bến Tre đã ra quyết định công bố tình huống khẩn cấp do xâm nhập mặn.
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia đã nhận định mùa khô năm 2020 có thể khắc nghiệt hơn, lượng nước trên các sông thiếu hụt, hạn mặn xâm lấn sâu hơn so với những năm gần đây đến khoảng tháng 3, tháng 4 năm nay. Mặc dù các dự báo đều không khả quan, nhưng năm nay, sự chuẩn bị cho thích ứng hạn mặn của của các tỉnh lại rất chủ động.
Cụ thể, ngay từ tháng 9 năm ngoái, chính phủ đã có chủ đạo, chống khô hạn bằng các giải pháp như tổ chức vụ đông xuân sớm hơn, sử dụng giống ngắn ngày và từ đó giảm bớt được thiệt hại. Có tới 93% diện tích lúa Đông Xuân ở ĐBSCL đã tránh hạn và né mặn thành công
Phản ánh tờ Tiền Phong cho biết kết quả đạt được khá tích cực, toàn vùng có 1,5 ha lúa đông xuân, đã có 60% diện tích thu hoạch tốt, 40% còn lại là trà lúa đang làm đòng, dự kiến sẽ gặt sớm. Và 89.0000 ha cây ăn quả đã được bảo vệ tốt.
Liên quan tới nước ngọt cho sinh hoạt, nhiều tỉnh đã có sự chủ động thích ứng. Từ cuối năm 2019, dự án hồ nước ngọt tại một số xã của tỉnh Bến Tre đã được đưa vào sử dụng. Công suất của hồ chứa khoảng 860 nghìn mét khối nước ngọt phục vụ sinh hoạt cho khoảng 200.000 người tại 24 xã, thị trấn trên địa bàn huyện, mặc dù nước ngọt trong hồ bị nhiễm mặn khoảng 1,4 gam trên lít, nhưng vẫn đảm bảo sử dụng được.
Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, và những kinh nghiệm vượt qua hạn mặn năm nay sẽ giúp chúng ta nâng cao năng lực thích ứng, giảm thiểu ảnh hướng biến đổi khí hậu.
Nội dung chi tiết xin mời xem tại Phóng sự ngày 16/02/2020 của chương trình Báo chí toàn cảnh
Nguồn vtv.vn