Các địa phương khẩn cấp ứng phó hạn mặn

2020.02.10 - 1555 lượt xem

Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cho biết, tính đến ngày 10/2/2020, hạn hán và xâm nhập mặn đã làm thiệt hại gần 29.700 ha vụ Mùa 2019 và Đông Xuân 2019-2020; khoảng 332.000 ha lúa Đông Xuân; 136.000 ha cây ăn quả  khả năng sẽ bị ảnh hưởng trong thời gian tiếp theo của mùa khô 2020.

Tại các tỉnh thuộc ĐBSCL hiện có khoảng 82.000 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt, trong đó Bến Tre 12.700 hộ, Sóc Trăng 24.400 hộ, Kiên Giang 20.400 hộ, Cà Mau 4.500 hộ, Tiền Giang 2.200 hộ. Trong thời gian tiếp theo của mùa khô 2020, có khoảng 158.900 hộ sẽ thiếu nước sinh hoạt.

Trước thực trạng trên, ngày 22/1/2020, Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị số 04/CT-TTg về việc triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn. Trước đó, ngày 3/1, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng chủ trì Hội nghị Phòng, chống hạn mặn, đảm bảo sản xuất nông nghiệp và dân sinh khu vực ĐBSCL  năm 2019 – 2020.

Đến nay đã có 5 dự án công trình phòng chống hạn mặn tại ĐBSCL sử dụng vốn ngân sách nhà nước do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư đưa vào khai thác sử dụng kiểm soát mặn cho mùa khô 2019-2020,với diện tích trực tiếp được kiểm soát khoảng 83.000ha và tác động ảnh hưởng đến 300.000ha diện tích đất canh tác.

Ngoài ra, hiện nay 11 dự án công trình khác đang được gấp rút hoàn thành để đưa vào phục vụ công tác phòng, chống hạn mặn tại khu vực ĐBSCL.

Đầu tư khẩn cấp cho công trình chống mặn

Phó Chủ tịch UBND huyện Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) Lý Văn Cẩm vừa cho biết, trước tình trạng nước mặn từ cửa sông thuộc hệ thống sông Tiền và sông Hàm Luông (Bến Tre) lấn sâu vào nội đồng, đe dọa các vùng trồng cây ăn trái đặc sản tại địa phương, huyện Cai Lậy quyết định tạm ứng 7,68 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước năm 2020 cho các xã thi công khẩn cấp các công trình phòng, chống xâm nhập mặn.

Huyện tiến hành nạo vét 20 tuyến kênh trữ nước ngọt với tổng kinh phí 2,87 tỷ đồng, sửa chữa 10 cống ngăn mặn với kinh phí 1,6 tỷ đồng, đắp 24 đập ngăn mặn với tổng kinh phí trên 3,2 tỷ đồng. Những công trình này là nhằm bảo vệ khoảng 15.000 ha đất trồng cây ăn quả, trong đó có hàng chục ngàn ha sầu riêng chuyên canh có giá trị kinh tế cao, chưa kể các cây ăn quả đặc sản khác phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu. Lãnh đạo huyện yêu cầu các xã tập trung ra quân giải phóng chướng ngại vật dưới lòng kênh, khai thông dòng chảy, phát huy vai trò các kênh nội đồng trong việc trữ ngọt phục vụ sản xuất; đồng thời thi công khẩn trương các công trình kênh mương, cống đập ngăn mặn, sớm hoàn thành và đưa vào sử dụng nhằm phòng chống thiên tai một cách hiệu quả nhất.

Huyện thường xuyên theo dõi cập nhật diễn biến tình hình xâm nhập mặn và hạn hán để dự báo, cảnh báo nhân dân sẵn sàng ứng phó, đặc biệt là không tưới cây khi độ mặn tăng cao để tránh thiệt hại cho vườn cây ăn quả. Mặt khác, huyện tăng cường công tác tập huấn, hội thảo về kỹ thuật chăm sóc cây ăn quả trong và sau khi hạn, mặn để bà con biết thực hiện đúng quy trình.

Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Chi nhánh Thủy nông Cai Lậy – Cái Bè tăng cường các điểm đo độ mặn, vừa để khuyến cáo nhân dân, đồng thời xây dựng lịch vận hành các cống đập ở hai ô bao Đông và Tây Ba Rài một cách hợp lý nhằm điều tiết nước, làm tốt chức năng ngăn mặn và lấy nước ngọt bổ sung vào nội đồng phục vụ sản xuất khi có điều kiện thuận lợi. Phục vụ mục tiêu cập nhật diễn biến xâm nhập mặn để ứng phó kịp thời, huyện đã mua thêm 32 máy đo mặn trang bị thêm cho các xã trọng điểm có vườn quả đặc sản.

Đảm bảo nước sạch sinh hoạt cho nhân dân

Tập trung ứng phó với khô hạn và xâm nhập mặn đang diễn biến khá phức tạp, tỉnh Kiên Giang triển khai thực hiện nhiều giải pháp đảm bảo đủ nước ngọt phục vụ đời sống sinh hoạt cho nhân dân trong mùa khô.

Theo Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Kiên Giang, thống kê ban đầu trên địa bàn tỉnh, hơn 12.150 hộ dân trước nguy cơ bị ảnh hưởng, không có hoặc thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô 2019-2020, tập trung ở các huyện An Biên, An Minh, Giang Thành, Phú Quốc, U Minh Thượng, Châu Thành, Hòn Đất, Kiên Lương, Kiên Hải, Gò Quao.

Tỉnh đã tập trung nguồn lực thực hiện phòng, chống thiếu nước, hạn hán, xâm nhập mặn để chủ động nguồn nước phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh. Ngay từ từ đầu năm 2020, tỉnh đã đầu tư nâng cấp, mở rộng các trạm cấp nước phục vụ cho hơn 8.000 hộ dân các huyện Châu Thành, Gò Quao, An Minh, Kiên Lương và Giang Thành; chủ động xây dựng phương án cụ thể đảm bảo nước sinh hoạt trên địa bàn 2 thành phố Rạch Giá, Hà Tiên, huyện đảo Phú Quốc và các khu dân cư tập trung.

Theo đó, tỉnh Kiên Giang đắp 2 đập tạm bằng cừ thép Larsen ngăn mặn xâm nhập trên kênh Ông Hiển tại xã Vĩnh Hòa Hiệp, huyện Châu Thành và kênh Nhánh (Thành phố Rạch Giá) để đảm bảo nước ngọt cho hồ chứa nước Tà Tây trên địa bàn thành phố Rạch Giá trong suốt mùa khô. Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Cấp thoát nước Kiên Giang thường xuyên theo dõi độ mặn, kịp thời lấy nước vào hồ chứa nước Vĩnh Thông; đồng thời hồ chứa nước Mạc Cửu dung tích 50.000 m³ dự trữ dùng trong tình huống cấp bách, hệ thống giếng khoan dự phòng lắp đặt bơm chìm sẵn sàng hoạt động khi xảy ra tình huống xấu không lấy được nước mặt do nhiễm mặn.

Tại huyện đảo Phú Quốc, hiện nước hồ Dương Đông có thể cung cấp nước cho nhà máy hơn 3 tháng nữa và có thể được bổ sung nguồn nước mưa khi xuất hiện mưa trái mùa, mưa đầu mùa. Nhà máy nước Phú Quốc giảm công suất phát ra từ 21.000 - 22.000 m³ thực hiện hạ áp từ 12-17 giờ hàng ngày...

Xây dựng các kịch bản

UBND tỉnh Trà Vinh cũng vừa tổ chức cuộc họp để nghe ngành nông nghiệp, các địa phương trong tỉnh báo cáo về tình hình hạn, mặn mùa khô này, đề ra các giải pháp phòng, chống để hạn chế thiệt hại cho nông dân.

Theo nhận định của Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, thời điểm hiện tại, độ sâu xâm nhập mặn phía sông Cổ Chiên là 56 km, tăng 14 km so với tuần trước; phía sông Hậu là 65 km, tăng 30 km so với tuần trước. Trong khi đó, nguồn nước ngọt thượng nguồn vẫn đang ở mức thấp (thấp hơn cùng kỳ năm 2016). Dự báo mặn sẽ xâm nhập sâu trong tháng 2, vùng ven biển ĐBSCL (có tỉnh Trà Vinh) nguy cơ mặn lịch sử có thể xảy ra.

Trước tình hình trên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Nguyễn Trung Hoàng chỉ đạo ngành nông nghiệp, các địa phương cần thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống hạn, mặn; giảm thiểu rủi ro trong sản xuất do thiếu nước tưới cho nông dân.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Nguyễn Trung Hoàng cũng lưu ý ngành nông nghiệp khẩn trương xây dựng kịch bản về hạn, mặn để có biện pháp ứng phó kịp thời khi xảy ra thiên tai. Bên cạnh đó, ngành sớm xây dựng lịch thời vụ các vụ lúa Hè Thu, Thu Đông-Mùa, Đông Xuân 2020-2021 theo hướng điều chỉnh mùa vụ, cơ cấu cây trồng phù hợp với tình hình biến đổi khí hậu, các địa bàn thường xuyên bị thiếu nước tưới.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh Phạm Minh Truyền cho biết thêm, vụ lúa Đông Xuân 2019-2020, tỉnh Trà Vinh xuống giống hơn 60.000 ha, đạt trên 88% so với kế hoạch. Hiện, có khoảng 5.160 ha lúa của gần 7.000 hộ dân trên địa bàn tỉnh bị thiệt hại do mặn xâm nhập nội đồng; trong đó, 3.236 ha bị thiệt hại trên 30% diện tích đang đứng trước nguy cơ mất trắng hoàn toàn.

Long An phòng chống hạn mặn

Theo UBND tỉnh Long An, tổng diện tích lúa Đông Xuân 2019 - 2020 của tỉnh đã gieo sạ trên 226.000 ha. Với tình hình hạn mặn diễn biến phức tạp như hiện nay, ước tính có có trên 15.000 ha lúa Đông Xuân và trên 11.000 ha rau màu, cây ăn trái có khả năng bị ảnh hưởng do hạn mặn, thiếu nước sản xuất. Ngoài ra, trên địa bàn hiện có khoảng gần 8.000 hộ dân ở huyện Cần Giuộc bị thiếu nước sinh hoạt.

UBND tỉnh Long An đã chỉ đạo các sở, ngành và địa phương liên quan thực hiện nhiều giải pháp để phòng chống hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn mùa khô 2019-2020.

Ngành chức năng thường xuyên theo dõi diễn biến chất lượng nguồn nước, xâm nhập mặn trên sông trục chính và các tuyến kênh, rạch trong nội đồng; liên tục cập nhật thông tin, dự báo, cảnh báo của các cơ quan chuyên ngành, kịp thời thông báo cảnh báo trên các phương tiện thông tin truyền thanh và trang thông tin điện tử để các cấp chính quyền và người dân biết.

Cùng đó, các ngành chức năng tỉnh  kiểm tra, rà soát, khoanh vùng các khu vực thường xuyên xảy ra khô hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn để nạo vét, đắp đập tạm, lắp đặt các trạm bơm dã chiến; đặt các trạm bơm dã chiến tại các cống đầu mối (Cống Châu Phê, Ông Sen, Bà Phổ, kênh Thủ Thừa) để bơm nước vào đồng khi độ mặn giảm; vận động nông dân gieo sạ đúng lịch thời vụ theo khuyến cáo của địa phương; ưu tiên sử dụng các giống ngắn ngày, nhóm giống chịu mặn.

Đồng thời, rà soát, tu bổ, tôn cao các tuyến bờ bao xung yếu và đắp đập tạm để trữ nước, ngăn mặn. Riêng đối với khu vực thuộc hệ thống Thủy lợi Nhựt Tảo - Tân Trụ hiện nay không thể bổ sung nước ngọt, UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương thi công các đập tạm đầu các kênh cấp 1, 2, 3 nội đồng; tập trung bơm nước nhiều cấp để trữ nước, bổ sung nguồn nước trữ đảm bảo phục vụ trong mùa khô…/.

Nguồn: baochinhphu.vn