2020.02.13 - 1669 lượt xem
Hạn mặn hầu như đã bao trùm khắp các tỉnh ĐBSCL, có nơi mặn vào sâu gần cả trăm km, cùng với đó là hàng nghìn héc ta lúa đông xuân 2019 - 2020 nguy cơ mất trắng.
Chủ động "né" hạn mặn
Theo báo cáo của UBND tỉnh Sóc Trăng, tình hình xâm nhập mặn đến sớm hơn khoảng 1 tháng và độ mặn cao hơn trung bình nhiều năm cùng thời điểm. Tính đến ngày 6/2, tỉnh đã xuống giống vụ lúa được 197.068ha, thu hoạch 80.917ha, năng suất bình quân 6,2 tấn/ha; sản lượng lúa đạt 507.757 tấn. Do Sóc Trăng chủ động ngay từ đầu nên diện tích lúa trong kế hoạch chỉ đạo xuống giống không bị thiệt hại. Tuy nhiên, 1.000ha bị hạn, xâm nhập mặn là do người dân “xé rào” xuống giống vụ 3 (vụ Xuân - Hè) không theo khuyến cáo của ngành Nông nghiệp.
Tại Vĩnh Long, UBND tỉnh cho biết, có trên 10.000 ha lúa Đông Xuân, 23.890 ha cây lâu năm thiếu nước tưới trong vòng 1 tuần do đóng cống ngăn mặn. Đồng thời, có 31 nhà máy nước, trạm cấp nước sạch cấp nước cho trên 66.200 hộ bị ảnh hưởng xâm nhập mặn khoảng 10 ngày trong thời kỳ độ mặn lên cao, đóng cống ngăn mặn.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường tại Sóc Trăng ngày 10/2. ẢNH: XUÂN LƯƠNG
Do nguồn nước thu từ kênh, rạch bị nhiễm mặn và khó khăn trong việc trữ nước ngọt nên buộc các nhà máy phải khai thác nước ngọt bị nhiễm mặn để cấp tạm thời trong những ngày mặn lên cao. Tuy nhiên, các cấp chính quyền và nhân dân có bước chủ động trước nên xâm nhập mặn ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp không lớn, hiện chưa ghi nhận thiệt hại trên hai lĩnh vực này.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường tại buổi kiểm tra tình hình hạn mặn ở ĐBSCL hôm 10/2 nói rằng, hạn mặn năm nay hà khắc hơn năm 2015 - 2016, một trong những yếu tố chính gây hạn là thượng nguồn mưa ít, vùng ĐBSCL mưa ít và lũ kết thúc sớm. Tuy nhiên, ngay từ tháng 9/2019, Chính phủ đã có chỉ đạo, chống khô hạn bằng các giải pháp như tổ chức vụ đông xuân sớm hơn 15 - 25 ngày để tận dụng nguồn nước đầu vụ và tiết kiệm nước cuối vụ; đồng thời sử dụng giống ngắn ngày và không bố trí sản xuất vụ xuân hè (đông xuân muộn) khoảng 100.000 ha.
Theo Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, đến nay đã đi được nửa chặng đường của mùa khô, kết quả đạt được khá tích cực. Cụ thể, toàn vùng có 1,5 triệu ha lúa đông xuân, đã có 60% diện tích thu hoạch tốt, 40% còn lại là trà lúa đang làm đòng, dự kiến khoảng hơn 10 ngày nữa bắt đầu gặt. Tuy nhiên, có khoảng 20 nghìn ha xuân hè ở Trà Vinh và một số tỉnh bị thiệt hại, chiếm 7% số thiệt hại năm 2015 - 2016. Ngoài ra, còn có 89.000 héc ta cây ăn quả được bảo vệ tốt.
Ông Nguyễn Xuân Cường cho rằng, bài học hạn mặn năm 2015 - 2016 đắt giá nên bà con cần nhận thức rõ; đồng thời ứng dụng đúng quy trình lấy nước để hạn chế thấp nhất ảnh hưởng xấu của hạn mặn.
Giảm thâm canh lúa vụ 3
Năm nay, hạn mặn càng trở nên gay gắt. Cụ thể, đầu tháng 2/2020 mặn đã bao trùm khắp các tỉnh ĐBSCL (10/13 tỉnh), dự báo đỉnh điểm tháng 3- 4 sẽ càng khắc nghiệt hơn. Thạc sỹ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập nghiên cứu về sinh thái ĐBSCL cho rằng, đối với những năm thời tiết cực đoan như 2016 và năm nay thì ứng phó theo tình huống, còn lâu dài thì chiến lược chung cho ĐBSCL cần theo tinh thần thuận tự nhiên.
Đối với những vùng mặn, được “cơi nới” hay “ngọt hóa” nhờ công trình thì rất dễ bị tổn thương vào những năm thời tiết cực đoan, vì những vùng này bản chất là đất mặn, do đó vào những năm thiếu nước thì những vùng này không thể nào duy trì ngọt được.
Kinh nghiệm cho thấy như 2016 hay năm nay việc dùng công trình để ngăn mặn khó hiệu quả vì ở những vùng đất mặn thì mặn từ trong đất ra. Khi bên trong thiếu nước thì ngăn mặn từ bên ngoài vào cũng ít tác dụng. Do đó, đối với những năm thời tiết cực đoan, tốt nhất là cảnh báo sớm và tránh mặn hơn là đương đầu.
Theo Thạc sỹ Nguyễn Hữu Thiện, hạn năm nay nguyên nhân chính là do El Nino gây mưa ít trên toàn lưu vực từ đầu năm đến khoảng tháng 9/2019. Về thủy điện, bản thân nó không gây thiếu nước được, nhưng khi gặp tình huống ít mưa thiếu nước, do cần tích đủ nước mới xả ra phát điện. Thực tế đó khiến cho việc cấp nước chậm và tình hình tồi tệ thêm.
Trong tình hình nước bất thường đó, sức chống chịu của ĐBSCL đã suy giảm trong mấy chục năm qua vì đê bao khép kín không đón nhận, hấp thu nước vào mùa lũ, nên mùa khô gay gắt hơn.
Tuy nhiên gần đây, khuynh hướng mới đã xuất hiện ở ĐBSCL. Sau một thời gian dài canh tác thâm canh ba vụ, người dân ở nhiều vùng canh tác thâm canh đã bắt đầu bỏ lúa vụ ba. Các tỉnh như An Giang, Đồng Tháp, Long An cũng đã mở vài chục ngàn héc ta để đón lũ vào đồng. “Khuynh hướng giảm thâm canh này sẽ là tất yếu, do tình hình giá lúa gạo, nhu cầu thị trường thay đổi, và do canh tác thâm canh liên tục nhiều năm làm đất đai cạn kiệt, chi phí tăng nhanh, không bền vững”, ông Thiện nói.
Theo Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, cần lưu ý, dù hạn mặn gay gắt đã xảy ra năm 2016 và năm nay, nhưng cần bình tĩnh và không nên suy nghĩ theo kiểu giật gân rằng “đồng bằng càng ngày càng thiếu nước”. Bởi vì, tình hình có thể phân tích và dự báo được. Cụ thể năm nay, Bộ NN&PTNT đã có cảnh báo sớm và chỉ đạo các địa phương né mặn, do đó dù mặn có thể gay gắt nhưng thiệt hại sẽ thấp hơn 2016. |
Tại buổi làm việc với đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn do Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường dẫn đầu hôm 11/2, lãnh đạo tỉnh Tiền Giang kiến nghị Bộ NN&PTNT thống nhất trình Thủ tướng Chính phủ cho thực hiện cơ chế, chính sách hỗ trợ kinh phí thu mua, tiêu thụ trái cây bị đình trệ và sụt giảm vì ảnh hưởng của dịch bệnh nCoV; tiếp tục hỗ trợ tỉnh mời gọi DN đầu tư nhà máy chế biến trái cây; xem xét hỗ trợ kinh phí cho Tiền Giang được đầu tư xây dựng hồ chứa nước ngọt trên kênh Nguyễn Tấn Thành để chủ động phòng chống hạn, mặn với kinh phí khoảng 400 tỷ đồng; xem xét hỗ trợ tỉnh đầu tư làm ô bao bảo vệ 19.000ha cây ăn trái tại huyện Cái Bè (giai đoạn 2020-2025) với kinh phí khoảng 2.000 tỷ đồng.
|
Nguồn: tienphong.vn