Minh bạch trong quản lý, tiêu thụ và sử dụng nước sạch

2020.03.05 - 2663 lượt xem

Ngày 3/3/2020, Cục Quản lý Công sản – Bộ Tài Chính tổ chức hội nghị lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương về dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch. Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà dự và phát biểu chỉ đạo.

Còn nhiều bất cập

Theo Thứ trưởng Trần Xuân Hà, qua quá trình theo dõi và tổng hợp ý kiến các bộ, ngành, địa phương, thực tế quản lý hiện nay còn một số tồn tại. Đơn cử như đối với công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung, thực tế cho thấy, chưa có quy định cụ thể về tiêu chí giao công trình gắn với điều kiện kinh tế xã hội và đặc điểm vùng miền nên thường có tình trạng lựa chọn các công trình tốt, tập trung tại các đô thị, hoạt động hiệu quả để giao cho các doanh nghiệp, các công trình không tốt và kém hiệu quả giao dịch giao cho ủy ban nhân dân (UBND) cấp xã và trung tâm nước sạch là chưa đảm bảo khách quan, minh bạch.

Thứ trưởng Trần Xuân Hà cho biết, việc xác định giá trị công trình để giao theo nguyên tắc giá còn lại của nguyên giá ban đầu (theo quy định tại Thông tư số 54/2013/TT-BTC), không đánh giá lại giá trị thực tế nên giá trị công trình giao thường cao hơn giá trị thực tế sử dụng của công trình, cộng với việc chi phí đầu tư cho nhà máy cấp nước nên tổng giá trị công trình lớn, trong khi thu hồi được nguồn vốn để có lãi, duy trì công trình hoạt động bền vững mất nhiều năm, vì vậy việc giao công trình cho doanh nghiệp được đánh giá là hiệu quả, nhưng còn hạn chế tại nhiều địa phương.

Cơ chế cấp bù giá nước sạch, ngân sách nhà nước cấp bù trong trường hợp giá thành cao hơn giá bán nước do UBND cấp tỉnh quy định đã được quy định rõ; tuy nhiên, việc này phụ thuộc nhiều vào khả năng ngân sách của các địa phương và thực tế hầu như không thực hiện việc cấp bù theo quy định, do đó, ảnh hưởng đến việc bố trí kinh phí bảo trì, duy tu công trình của các đối tượng được giao quản lý.

Đối với công trình cấp nước sạch đô thị chưa có quy định cụ thể. Theo báo cáo các địa phương chủ yếu là giao các công trình cho doanh nghiệp nhà nước (Công ty TNHH một thành viên) kinh doanh nước sạch quản lý, sử dụng; khi thực hiện chủ trương cổ phần hóa các doanh nghiệp này, đối với công trình nước sạch có trường hợp tính vào giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa, có trường hợp chưa tính vào giá trị doanh nghiệp. Phần lớn các địa phương chỉ giao công trình cho doanh nghiệp quản lý, vận hành nhưng không giao vốn (không tính phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp).

Cấp thiết ban hành Nghị định

"Theo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 thì tài sản kết cấu hạ tầng nước sạch (cả nông thôn và đô thị) đều là tài sản công, vì vậy, về nguyên tắc cần phải quản lý theo Luật mới; theo đó, cần thiết phải báo cáo chính phủ ban hành nghị định này", Thứ trưởng nhấn mạnh.

Thứ trưởng Trần Xuân Hà cho biết, Bộ Tài chính đã dự thảo tờ trình Chính phủ và dự thảo Nghị định gửi lấy ý kiến các bộ, ngành địa phương cũng như đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử của Chính phủ và Bộ Tài chính.

Tại hội nghị, Thứ trưởng đã đề nghị các đại biểu tham gia ý kiến sâu về một số nội dung, bao gồm: Phạm vi điều chỉnh của dự thảo Nghị định về quản lý, sử dụng và khai thác kết cấu hạ tầng cấp nước sạch (bao gồm đô thị và nông thôn). Tập trung chủ yếu vào góc độ quản lý, sử dụng tài sản, không đi sâu vào định mức, tiêu chuẩn kỹ thuật chuyên ngành về nước sạch.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng cần cho ý kiến về nội dung quản lý tập trung vào rà soát, phân loại tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch; làm rõ nguyên tắc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch.

Đặc biệt, Thứ trưởng đề nghị cho ý kiến sâu về phương thức quản lý tài sản/giao cho các các đối tượng quản lý, bao gồm:

Tài sản kết cấu hạ tầng bán cho tổ chức, cá nhân có chức năng kinh doanh nước sạch, có năng lực quản lý, vận hành khai thác công trình cấp nước sạch theo phương thức bán đấu giá tài sản.

Tài sản kết cấu hạ tầng giao trung tâm nước sạch của tỉnh (đơn vị sự nghiệp công lập); UBND cấp xã.

Tài sản kết cấu hạ tầng giao doanh nghiệp nhà nước có chức năng kinh doanh vận hành công trình cấp nước sạch theo hình thức thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo quy định của nhà nước về nhà nước đầu tư vốn sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp.

Đối với tài sản kết cấu hạ tầng đô thị, giao cho đối tượng quản lý, gồm doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ có chức năng kinh doanh nước sạch, có năng lực quản lý, vận hành và khai thác công trình cấp nước sạch theo hình thức tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp…

Thứ trưởng cũng đề nghị các đại biểu góp ý kiến về quy định về quản lý hồ sơ, hạch toán kế toán, trong đó tập trung vào quy định về trình tự, thủ tục lập, phê duyệt kế hoạch và dự toán kinh phí bảo trì theo quy định của pháp luật NSNN; các vấn đề khác có liên quan, đặc biệt là nội dung xử lý chuyển tiếp đối với tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch nông thôn./.

 
Theo Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công đến ngày 31/12/2019 trên cả nước có 15.276 công trình với tổng giá trị nguyên giá là 22.548 tỷ đồng; giá trị còn lại đến 31/12/2019 là 7.524,9 tỷ đồng. Đến nay, có 33,3% số công trình hoạt động bền vững; 37,9% số công trình hoạt động trung bình; 16,7% số công trình hoạt động kém hiệu quả và 11,9% số công trình không hoạt động.
 
 
Nguồn: thoibaotaichinhvietnam.vn