Điều chỉnh, bổ sung quy hoạch hệ thống đê điều chống lũ tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020, định hướng đến năm 2030

2018.01.09 - 5153 lượt xem

Tỉnh Thái Nguyên là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của khu Việt Bắc đồng thời là cửa ngõ giao lưu giữa vùng trung du miền núi với vùng đồng bằng Bắc Bộ. Trong tương lai, trước sự phát triển mạnh mẽ về mọi mặt của tỉnh Thái Nguyên, đặc biệt là việc hiện thực hóa đô thị hai bên bờ sông Cầu, cùng với những biến đổi khó lường của khí hậu toàn cầu, hệ thống đê điều sẽ có vai trò hết sức quan trọng trong việc chống lũ, bảo vệ các khu đô thị, các cơ sở kinh tế và đảm bảo an ninh, quốc phòng cho tỉnh Thái Nguyên. Chính vì vậy, mức độ bảo vệ, quy mô và chất lượng đê điều cần phải thay đổi để phù hợp với nhiệm vụ mới.

Dự án “Điều chỉnh, bổ sung quy hoạch hệ thống đê điều chống lũ tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” do Viện Quy hoạch Thủy lợi phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên thực hiện, đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt tại Quyết định số 3748 ngày 19/9/2017. Quy hoạch là cơ sở để tiếp tục đầu tư củng cố, tu bổ, xây dựng đê điều kết hợp đa mục tiêu, tăng cường quản lý, bảo vệ và hộ đê, với những nội dung chính như sau:

1. Nhiệm vụ và cấp các tuyến đê, công trình trên đê

1.1 Nhiệm vụ của các tuyến đê

Các tuyến đê trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có nhiệm vụ chống lũ bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản trong vùng đê bảo vệ theo mức thiết kế, với tổng diện tích được bảo vệ là: 10.258 ha, dân số (tính đến năm 2030) là: 310.278 người. Trong đó:

- Các tuyến đê hiện có: đê Mỏ Bạch, Gang Thép, Chã, Hà Châu, Sông Công, Đô Tân - Vạn Phái.

- Các tuyến đê xây dựng mới: đê tả Cầu, hữu Cầu; tả, hữu Mo Linh, đê bao Kim Sơn.

1.2. Hướng tuyến và vị trí các tuyến đê

- Các tuyến đê hiện có: Hướng tuyến và vị trí giữ nguyên các tuyến đê hiện có, chỉ điều chỉnh cục bộ đảm bảo trơn thuận phục vụ công tác kiểm tra, ứng cứu hộ đê và kết hợp giao thông; phù hợp với quy hoạch phòng, chống lũ các tuyến sông có đê trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

- Các tuyến đê  xây mới:

+ Hướng tuyến và vị trí các tuyến đê tả Cầu, hữu Cầu; tả, hữu Mo Linh: cơ bản đi sát theo chỉ giới không gian thoát lũ, một số đoạn điều chỉnh dịch tuyến về phía đồng để phù hợp với địa hình tự nhiên và quy hoạch chung của thành phố Thái Nguyên. Khoảng cách giữa hai đê lớn hơn hoặc bằng chiều rộng không gian thoát lũ đã được quy định trong Quy hoạch phòng chống lũ chi tiết các tuyến sông có đê trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Các tuyến đê mới đều quy hoạch kết hợp giao thông, chỉnh trang đô thị.

+ Tuyến đê bao Kim Sơn theo tuyến bờ bao hiện có.

1.3. Cấp các tuyến đê và công trình trên đê

Các tuyến đê trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên được quy hoạch thành 3 cấp (từ cấp V đến cấp III), với tổng chiều dài là 86,60km; trong đó:

+ Đê cấp III dài: 71,16km; đê xây dựng mới 35,96km, đê hiện có 35,20km.

+ Đê cấp IV dài: 13,85 km, đê biện có.

+ Đê cấp V (đê bao) dài: 1,58 km, đê xây dựng mới.

Kè chống sạt lở bảo vệ đê 6,3km, gồm các đoạn: kè tả Cầu đoạn từ K5+680-K6+420, K10+400-K11+00; kè hữu Cầu đoạn từ K7+300-K12+000.

2. Thông số kỹ thuật của các tuyến đê

- Cao trình đỉnh đê: Xác định trên cơ sở mực nước lũ thiết kế được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt tại Quyết định 3032/QĐ-BNN-TCTL và Tiêu chuẩn thiết kế đê sông TCVN 9902:2016.

- Chiều rộng mặt đê: đê cấp III rộng 6m; đê cấp IV, V rộng 5m; mặt đê được gia cố để tăng cường ổn định đê, đồng thời phục vụ kiểm tra ứng cứu hộ đê trong mùa lũ.

- Chiều rộng các tuyến đê kết hợp giao thông, được xác định theo quy hoạch của ngành giao thông.

- Các thông số kỹ thuật khác xác định theo các quy định hiện hành.

3. Giải pháp thực hiện quy hoạch

3.1. Giải pháp phi công trình

- Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, nâng cao ý thức cộng đồng về quản lý, bảo vệ, xây dựng  công trình đê điều.

- Tăng cường mạng lưới quan trắc, đo đạc, trang thiết bị phục vụ công tác quản lý, kiểm soát và bảo đảm an toàn công trình đê điều.

- Tăng cường quản lý, vận hành các công trình hồ chứa thượng nguồn, công trình trên đê, qua đê đảm bảo an toàn, phát huy hiệu quả chống lũ.

- Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra thường kỳ, đột xuất đối với tất cả các hoạt động xây dựng, tu bổ nâng cấp công trình đê điều, đảm bảo đúng kỹ thuật và chất lượng.

3.2. Giải pháp công trình

- Di dời dân cư, cơ sở hạ tầng trong phạm vi xây dựng, bảo vệ đê điều.

- Đắp tôn cao, áp trúc mở rộng mặt cắt và đắp cơ đê hoàn chỉnh theo tiêu chuẩn thiết kế ở những đoạn còn thiếu chiều cao, kích thước mặt cắt ngang; lấp đầm, ao, ven đê.

- Xử lý, gia cố tăng cường ổn định nền, thân đê.

- Gia cố mặt đê, làm đường hành lang chân đê phục vụ công tác quản lý, kiểm tra, hộ đê và kết hợp giao thông.

- Xây dựng cống mới thay thế cống cũ; sửa chữa, cải tạo các cống qua đê đảm bảo chống lũ, tưới tiêu và kết hợp giao thông.

- Trồng tre chắn sóng.

- Xây dựng các kè chống sạt lở bảo vệ đê.

- Xây dựng các điếm canh đê phục vụ công tác quản lý, hộ đê.

- Duy tu bảo dưỡng chống xuống cấp đê điều.

- Xây dựng mới đê tả Cầu, hữu Cầu; tả, hữu Mo Linh.

- Xây dựng đê bao Kim Sơn.

4. Kinh phí thực hiện quy hoạch và thứ tự ưu tiên thực hiện

4.1. Kinh phí thực hiện quy hoạch

Tổng kinh phí thực hiện quy hoạch là 7.675,840 tỷ đồng, trong đó:

+ Tập trung ưu tiên kinh phí đầu tư củng cố, nâng cấp và xây dựng các tuyến đê đảm bảo an toàn chống lũ theo mức thiết kế: 2.388,128 tỷ đồng.

+ Đầu tư đê điều kết hợp giao thông, cải tạo cảnh quan môi trường, chỉnh trang đô thị: 5.287,712 tỷ đồng.

4.2. Thứ tự ưu tiên thực hiện

- Tập trung tu bổ, nâng cấp hoàn thiện mặt cắt đê hiện có đảm bảo an toàn chống lũ theo mức thiết kế; xây dựng, sửa chữa, cải tạo các cống qua đê cũ, yếu; xây dựng kè chống sạt lở bảo vệ đê; trồng tre chắn sóng và xây dựng các công trình phục vụ công tác quản lý, hộ đê.

- Xây dựng khép kín tuyến đê mới tả Cầu, hữu Cầu; tả, hữu Mo Linh để bảo vệ trung tâm thành phố.

- Mở rộng đê kết hợp giao thông, chỉnh trang đô thị.

Nội dung bài viết

Nguồn: Phòng QL Đê điều - Viện Quy hoạch Thủy lợi

 

Tin cùng loại