2021.02.05 - 4285 lượt xem
Nước sông Hồng được chuyển qua sông Đáy thông qua cụm công trình đầu mối sông Đáy bao gồm Cống Vân Cốc, Đập Đáy, cống Cẩm Đình và cống Hiệp Thuận. Nhiệm vụ của công trình hiện nay là chuyển lũ 2500m3/s và cấp nước 30 m3/s. Dưới tác động của suy giảm dòng chảy trên dòng chính sông Hồng những năm gần đây, hệ thống công trình này hầu như không thể lấy nước ngay cả trong mùa lũ. Đoạn sông từ Đập Đáy đến Ba Thá không có dòng chảy duy trì đã gây nên tình trạng thiếu nước tưới và đặc biệt là gia tăng ô nhiễm môi trường nước nghiêm trọng, được xem như là đoạn sông chết. Nghiên cứu làm sống lại dòng sông Đáy có thể xem là một bài toán khó giải của ngành thủy lợi, cần được định hướng trong Quy hoạch PCTT và Thủy lợi toàn quốc đang được triển khai trong năm 2021-2022.
Làm sống lại dòng sông Đáy hay các con sông khác đang bị chết dần ở vùng đồng bằng Bắc Bộ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Thủy Lợi trong thời gian tới. Diễn biến phức tạp của việc suy giảm dòng chảy trên dòng chính sông Hồng đã làm cho việc quyết định các giải pháp ngày càng khó khăn. Về ngắn hạn, các giải pháp tạm thời có thể giải quyết được sơ bộ tình trạng khó khăn về nguồn thông qua đầu tư nâng cấp một loạt các trạm bơm dọc theo hai bên bờ sông. Để giải quyết triệt để và làm sống lại các dòng sông có thể với các giải pháp như: (1) Hạ thấp các sông và công trình lấy nước; (ii) Xây dựng hệ thống đập ngăn sông hay (iii) Giải pháp chuyển nước từ hệ thống hồ thượng du bằng hệ thống đường ống. Tuy nhiên tất cả giải pháp này đều yêu cầu khối lượng kinh phí đầu tư lớn và đều còn có rất nhiều tác động bất lợi cần được nghiên cứu và tìm ra các giải pháp giảm thiểu. Có thể nói, hiện tại chúng ta chưa tìm được giải pháp nào thực sự ưu việt. Do vậy, vấn đề này cần được nghiên cứu và định hướng trong Quy hoạch Phòng chống thiên tai và Thủy lợi toàn quốc do Bộ Nông nghiệp và PTNT đang thực hiện trong năm 2020-2021.
Nguồn: Phòng Quy hoạch Đê điều và Phòng chống thiên tai - Viện Quy hoạch Thủy lợi