Nghiên cứu định hướng tiêu thoát nước quận Hà Đông giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030

2015.10.27 - 4797 lượt xem

Hà Đông có diện tích 4.833ha, dân số trên địa bàn là 198.700 người. Diện tích đất nông nghiệp là 1.390ha, đất phi nông nghiệp 3410ha.

 

Nằm trong khu vực vành đai 4 của thủ đô, Hà Đông trong những năm gần đây có tốc độ phát triển và đô thị hoá rất mạnh. Rất nhiều dự án, khu đô thị, công nghiệp được đầu tư trên địa bàn quận. Trong quá trình đô thị hoá đã phát sinh những mâu thuẫn cho công tác tiêu nước trên địa bàn quận Hà Đông như:

  • Các khu đô thị xây dựng mới có cao độ san nền cao hơn khu dân cư hiện tại, có nơi cao hơn 1 m, nên khi mưa to, nước chảy tràn vào khu dân cư gây bức xúc cho nhân dân trong vùng. Việc đấu nối hệ thống tiêu thoát nước trong các khu đô thị và khu dân cư với hệ thống thoát nước thuỷ lợi còn nhiều bất cập.
  • Công trình đầu mối và hệ thống kênh tiêu trên địa bàn quận, chỉ đáp ứng yêu cầu tiêu cho nông nghiệp, đến nay kết hợp tiêu cho đô thị không đáp ứng yêu cầu, gây nên tình trạng ngập úng thường xuyên trên diện rộng (như khu vực Ba La, Phú Lương, Đồng Mai, Mậu Lương, Học viện Quân Y, Khu Ao Sen, Trường Kiến Trúc...).

Vì vậy, việc nghiên cứu định hướng tiêu thoát nước cho quận Hà Đông để xác định lại nhiệm vụ cấp nước, tiêu nước của các công trình thủy lợi, đấu nối với tiêu nước khu đô thị mới và các khu dân cư hiện tại đồng thời xác định quỹ đất cần thiết để xây dựng hạ tầng thủy lợi là nhiệm vụ cấp bách hiện nay của quận Hà Đông.

 Mục tiêu của nghiên cứu: Nghiên cứu giải pháp tiêu nước cho 4.833ha diện tích tự nhiên của quận Hà Đông, với tiêu chuẩn tính toán tiêu nước như sau: lượng mưa thiết kế ứng với tần suất P=10% trong 48 giờ lớn nhất với tổng lượng mưa là 350mm

Nội dung nghiên cứu:

1. Phân vùng tiêu nước

Vùng nghiên cứu được chia làm 4 vùng: Vùng phía Đông sông Nhuệ: Bao gồm phường Mộ Lao, Văn Quán và Phúc La, có diện tích tự nhiên 400,7ha; Vùng Bắc đường 6 – Tây sông Nhuệ: Có tổng diện tích 1.643,7ha, gồm các phường Dương Nội, Vạn Phúc, La Khê, Yết Kiêu, một phần Quang Trung, Hà Cầu và Yên Nghĩa; Vùng Nam đường 6 – Tây sông Nhuệ: Có tổng diện tích là 2.229ha gồm địa phận các phường: Kiến Hưng, Nguyễn Trãi, Phú Lương, Phú La, Phú Lãm một phần các phường Quang Trung, Hà Cầu, Đồng Mai, Yên Nghĩa; Vùng bãi sông Đáy: Có diện tích 709ha gồm địa phận các phường: Biên Giang, vùng bãi phường Yên Nghĩa, Đồng Mai.

2.  Xây dựng mô hình tính toán tiêu nước cho quận Hà Đông

1. Thiết lập mô hình tiêu nước

- Vạch tuyến mạng lưới thoát nước mưa  của quận Hà Đông và các khu vực có liên quan như Từ Liêm, Hoài Đức, Thanh Xuân, Thanh Trì và Thanh Oai với tổng số 111 lưu vực nhỏ tổng số diện tích 5.671ha. Các đặc tính của lưu vực bao gồm: Diện tích lưu vực; Cửa xả của lưu vực; Tên trạm mưa dùng để tính toán của lưu vực; Độ dốc của lưu vực: Phụ thuộc vào điều kiện địa hình, cao độ nền; Tỷ lệ diện tích không thấm (%), phụ thuộc vào đặc tính của lưu vực.

2- Vạch tuyến mạng cống thoát nước đường phố:

- Xác định các cửa tiêu nước cho từng khu vực dựa vào đặc điểm mạng lưới sông ngòi, thủy thế của quận Hà Đông. Hướng tiêu chính cho quận Hà Đông bao gồm:

+ Tiêu ra sông Nhuệ

+ Tiêu ra sông La Khê

+ Tiêu ra sông Đáy

- Nguyên tắc chung trong việc thiết kế xác định mạng lưới tiêu thoát nước chính trên địa bàn quận Hà Đông như sau:

+ Ở những khu vực nội đô nơi có mạng lưới cống thoát nước đã được xây dựng qua nhiều thời kỳ và những khu đô thị đã xây dưng hoàn chỉnh (Văn Quán, Mỗ Lao, Văn Phú): Kế thừa mạng lưới đã có đến mức tối đa, bổ sung, hoàn thiện cho những khu vực mà hệ thống tiêu chưa hoàn chỉnh. Do đó mạng lưới cống thoát nước cho những khu vực nội đô cơ bản là trùng khớp với hệ thống tiêu hiện trạng.

+ Ở những khu vực đô thị mới đang xây dựng: Tính toán, xác định lại nhiệm vụ của những hệ thống cống ngầm đã được xây dựng, nếu quy mô cống ngầm nhỏ hơn yêu cầu tiêu thoát từ các khu đô thị thì thứ tự ưu tiên trong giải pháp tiêu như sau:

(1) Giảm bớt nhiệm vụ tiêu của cống ngầm (cắt diện tích lưu vực, chuyển sang cho hệ thống tiêu lân cận được xây dựng theo quy hoạch mới).

(2) Nếu giải pháp (1) không khả thi thì đề xuất mở rộng quy mô cống tiêu.

+ Ở những khu đô thị đang nằm trong quy hoạch cần hạn chế việc thay đổi hướng tiêu ở trong từng khu vực một cách tối đa để tránh việc tạo ra mâu thuẫn đối với những hệ thống đã xây dựng và những hệ thống chưa được xây dựng.

Từ nguyên tắc tiến hành vạch tuyến thoát nước cho từng khu vực trên địa bàn quận Hà Đông:

+ Những khu vực nội đô: Tuyến quy hoạch cơ bản trùng với tuyến hiện trạng (có bổ sung).

+ Những khu vực đô thị đang ở giai đoạn quy hoạch: Tuyến thoát nước cần phù hợp với định hướng phát triển không gian, định hướng giao thông, nhưng hạn chế tối đa việc nắn chỉnh so với hệ thống tiêu hiện trạng.

+ Những khu vực dân cư hiện hữu thường có cao độ nền thấp hơn cao độ các khu đô thị mới, cần xây dựng hệ thống tiêu cục bộ.

Tổng cộng có 151 đoạn cống, tổng chiều dài đưa và tính toán là 99.566m, trong đó có các tuyến chính như:

- Tuyến dọc 2 bên đường vành đai 4

- Tuyến trục trạm bơm Hà Trì, Đa Sĩ.

- Tuyến kênh T4

- Trục tiêu Nam QL6

- Tuyến trục tiêu Ba La

- Tuyến trục tiêu Cầu Khâu

- Tuyến trục tiêu Thanh Niên

- Tuyến trục tiêu dọc theo kênh tưới La Khê

- Tuyến trục tiêu của trạm bơm Khê Tang.

3- Xác định các công trình trên hệ thống: trạm bơm, hồ điều hòa, cống điều tiết...

Trên hệ thống xác định 8 hồ điều hoà với tổng diện tích mặt hồ 1.287.700 m2,  dung tích điều hoà với cột nước trữ xấp xỉ 2m là 1,9 triệu m3. Như vậy với diện tích hồ điều hoà như trên thì  tỷ lệ hồ điều hoà trong hệ thống mới chỉ đạt khoảng 1,2% diện tích tiêu.

4- Lập bản đồ MLTN nước chính cho quận Hà Đông và vùng liên quan

- Bản đồ về mạng lưới thoát nước Hà Đông bao gồm các công trình như sau: các lưu vực, tiểu lưu vực, các nút tính toán, các cống ngầm, kênh hở, các công trình trên kênh, các hồ điều hòa, các trạm bơm tiêu nước được thể hiện trên hình 9.2.

 - Về biên ngoài hệ thống

    + TB Yên Nghĩa

   + TB Khê Tang

    + TB Cao Viên

- Về mực nước tiêu biên ngoài tại: Hà Đông H=+4,5m

5. Quy trình xác định kích thước của mạng lưới cống thoát nước

 (1) Kích thước của cống được ước lượng dựa trên các cơ sở như sau: Các tuyến cống ở những khu vực nội đô hoặc những khu vực đô thị đã xây dựng hoàn chỉnh thì lấy bằng kích thước hiện có; Các tuyến cống ở những khu vực đô thị đang ở giai đoạn quy hoạch thì được sơ bộ lấy bằng kích thước dự kiến từ các quy hoạch liên quan (nếu có), khi không có dữ liệu thì được sơ bộ ước tính.

(2) Cao độ nút đầu, nút cuối được ước tính dựa vào cao độ nền.

- Đối với những nút độc lập được tính toán như sau:

+ Cao độ nút đầu = Cao độ nền – 1m – độ cao (đường kính) cống       (a)

+ Cao độ nút cuối = cao độ đầu – chiều dài x độ dốc (Độ dốc của các tuyến cống lấy bằng 1/D đối với cống tròn và 1/H đối với các loại cống khác                           (b)

- Đối với những nút phụ thuộc (vừa là nút cuối của đoạn trước, vừa là nút đầu của đoạn sau) thì chọn giá trị nhỏ hơn trong 2 giá trị tính theo công thức a và b.

- Sơ đồ tính toán xác định kích thước cống ngầm như sau:

Hình 1. Sơ đồ tính toán xác định kích thước cống ngầm

6. Xây dựng điều kiện biên và tính toán quá trình tiêu nước

- Biên khí tượng: Lượng mưa tiêu ứng với tần suất P=10%, trong 48h có đường quá trình phân bố lượng mưa tiêu như sau:

Hình 2. Đường quá trình lượng mưa tiêu thiết kế trong 48h (mm).

- Biên thủy văn: Là mực nước tại các cửa ra của các cống trên sông Nhuệ, sông Đáy. Trong trường hợp này được chọn Hbiên =4,5m (là mực nước cao nhât tại Hà Đông trên sông Nhuệ theo dự án Cải tạo hệ thống tiêu nước phía Tây Hà Nội).

- Từ các điều kiện thực tế về phân chia lưu vực, hệ thống công trình tiêu thoát nước, điều kiện biên đã được mô hình hóa trong SWMM, vận hành mô hình để xác định các chỉ số về thủy lực trong hệ thống bao gồm:

+ Đối với lưu vực: Dòng chảy sinh ra từ lưu vực.

+ Đối với các nút: Phân bố mực nước, lưu lượng đến nút, mức độ ngập úng (lưu lượng chảy ngược).

+ Đối với các cống, kênh: Lưu lượng, độ sâu nước, vận tốc, năng lực vận chuyển theo thời gian.

4. Kết quả nghiên cứu 

Nghiên cứu ứng dụng mô hình tính toán tiêu nước đô thị SWMM.

Kết quả nghiên cứu đã đề xuất được giải pháp tiêu thoát nước cho từng khu vực của quận Hà Đông như sau:

a) Vùng phía Đông sông Nhuệ

- Xây dựng cống hộp có chiều dài khoảng 1.450m; kích thước 1600x1800mm dọc đường Thanh Bình để tiêu cho khoảng 49ha phường Mỗ Lao ra sông Nhuệ.

- Cống hoá 150m cuối kênh Yên Phúc 2000x2000mm, cải tạo cống tiêu Yên Phúc trên QL70 đổ ra sông Nhuệ để tiêu nước cho phường.

- Xây dựng tuyến tiêu dọc theo đường Lê Hữu Trác (sau học viện Quân Y) nối đường 430 với sông Nhuệ, kích thước 600x800mm đổ ra sông Nhuệ.

- Cải tạo tuyến tiêu dọc đường Chiến Thắng nối từ đường Nguyễn Trãi ra nối với kênh Yên Phúc, có chiều dài khoảng 1.450m, quy mô 1500x2000mm để tiêu  nước từ khu vực học viện An Ninh, Viện tư vấn thiết kế mỏ và Công nghiệp.

hadong1.jpg

Hình 3. Bản đồ quy hoạch tiêu thoát nước quận Hà Đông

b) Vùng Bắc đường 6 – Tây sông Nhuệ

- Khu dân cư phường Vạn Phúc: Tiếp tục hoàn thiện việc xây dựng tuyến cống dọc theo đường làng Vạn Phúc từ đường 430 đến sông Nhuệ (cống C59), dài khoảng 720m, kích thước D1000mm. Xây dựng mới tuyến cống nối từ làng nghề Vạn Phúc với cống C59, chiều dài 300m, kích thước D800. Xây dựng trạm bơm tiêu mới Đồng Sen thay thế trạm bơm cũ để tiêu cho khu vực phía Bắc phường Vạn Phúc.

- Khu dân cư mới Vạn Phúc, trường Chính trị, khu dân cư phía Bắc sông La Khê của phường Quang Trung và khu dân cư cũ Vạn Phúc nằm phía Tây đường 430 được tiêu vào các trục chính dọc đường Ngô Thì Nhậm kéo dài có kích thước là 2x(1000x1000mm) và cống dọc theo đường quy hoạch nối đường Lê Văn Lương với đường Ngô Quyền, kích thước 1600x1800mm (C53). Xây dựng tuyến cống nối từ cống C53 đến cống đường 430 rồi nối với kênh tiêu của trạm bơm Cầu Am, dài  300m, kích thước D1200mm.

- Xây dựng trạm bơm tiêu cục bộ quy mô 2x540m3/h để tiêu nước cho các khu dân cư ven ven quốc lộ 6 thuộc phường La Khê.

- Cải tạo kênh tiêu T4 tiêu nước cho phường Dương Nội, chiều dài 2.400m. Đoạn đầu từ góc phía Nam thôn La Cả đến hết thôn La Nội tuyến kênh cơ bản theo tuyến hiện trạng. Đoạn hạ lưu chảy qua đô thị Nam Cường được nắn chỉnh theo tuyến đường 40m, sau đó chạy cắt ngang qua đô thị An Hưng và đổ ra sông La Khê. Hình thức là cống hộp, kích thước 5000x3000mm.

- Xây dựng hệ thống cống tiêu Yên Lộ theo trục kênh của trạm bơm Con Rồng cũ chiều dài 1.000m, tiêu nước cho thôn Yên Lộ, kích thước 1000x1000mm, tiêu ra sông La Khê.

- Xây dựng cống tiêu dọc đường vành đai 4 tiêu nước cho thôn Do Lộ, Nghĩa Lộ, một phần khu C đô thị Nam Cường, kích thước 7000x3000mm, dài khoảng 2.300m, hướng dốc về kênh La Khê, điểm đầu tại nút giao thông giữa quốc lộ 6 và vành đai 4, điểm cuối là sông La Khê.

- Cải tạo kênh tưới La Khê thành trục tiêu để tiêu nước cho vùng kẹp giữa quốc lộ 6 và kênh tưới La Khê, đoạn từ trạm bơm La Khê đến đường vành đai 4 dài khoảng 2.300m, có hình thức là kênh hở 7000x4000mm, hướng tiêu là tiêu về sông La Khê.

c) Vùng Nam đường 6 – Tây sông Nhuệ

- Cống hoá kênh Diễn (kênh Nam đường 6) và nắn chỉnh hướng tiêu về Kiến Hưng  với quy mô như sau: Nối thông kênh Ba La với kênh Diễn, đoạn đầu dài 200m, kích thước 2000x2000mm. Đoạn tiếp theo đi theo tuyến kênh Diễn như hiện trạng đến hết đô thị Văn La, dài 530m, kích thước 3000x2000mm, hình thức là cống hộp. Đoạn từ đô thị Văn La đến điểm giao cắt Lê Trọng Tấn và vành đai 3,5 dài 980m chạy dọc theo đường bao của đô thị Văn Phú, sau đó cắt ngang qua đường Lê Trọng Tấn sang đến công viên trung tâm, kích thước 2x(3500x3000mm). Đoạn dọc theo dải cây xanh của đường Lê Trọng Tấn kéo dài đến kênh Mậu Lương dài 1140m, quy mô 3x(3500x3000mm).

- Xây dựng tuyến kênh tiêu trùng với kênh Mậu Lương hiện nay, hình thức cống hóa để kết hợp giao thông, kích thước 3x(3500x3000mm), hướng tiêu ra sông Nhuệ.

- Cải tạo kênh tiêu Đa Sĩ để kết hợp giao thông, hình thức cống hộp, kích thước 10.000x3000mm, chiều dài 470m.

- Xây dựng tuyến cống hộp xuất phát từ kênh tiêu Hà Trì chạy dọc theo đường ven công viên trung tâm rồi đổ vào kênh Diễn, kích thước cống là  2000x2000mm.

- Xây dựng cống chạy dọc theo đường dự kiến ven hồ công viên dài 550m, kích thước 2000x2000mm nối từ cống Hà Trì đến đầu cống của kênh tiêu của trạm bơm Đa Sỹ để hỗ trợ tiêu nước cho khu trung tâm của Hà Đông.

- Cải tạo nắn chỉnh tuyến kênh tiêu dọc đường trục phía Nam của Hà Đông, tuyến mới chạy ven đường trục phía Nam từ điểm giao cắt giữa đường trục phía Nam với đường Lê Trọng Tấn kéo dài đến hồ Thanh Hà B, dài 2.050m, kích thước 3x(3500x3000mm).

- Xây dựng hệ thống mương thoát nước ven thôn Đa Sĩ, Mậu Lương rồi tiêu cưỡng bức ra sông Nhuệ.

- Cải tạo kênh Ba La: Đoạn 1: từ QL6 đến cống qua đường sắt giữ nguyên hướng tuyến như hiện nay, quy mô 4000x3000mm, dài khoảng 860m. Đoạn 2: Từ đường sắt vào khu vực thuộc ga Hà Đông, tuyến kênh được nắn chỉnh chạy dọc theo hành lang cây xanh của tuyến đường quy hoạch đến điểm tiếp giáp với khu đô thị Thanh Hà, chiều dài khoảng 1.500m, hình thức là cống hộp 10.000x3000mm. Đoạn 3: Từ đường bao ngoài của đô thị Thanh Hà đến hồ điều hòa khu A, tuyến kênh cơ bản đi theo tuyến hiện trạng, hình thức là cống hộp, kích thước 10.000x3000mm. Đoạn 4: Từ hồ điều hòa khu A đô thị Thanh Hà đến hết địa phận Hà Đông, dài khoảng 600m, hình thức kênh tiêu là hình thang, hệ số mái dốc 0,75, bề rộng kênh B=15m, độ sâu 4m.

- Cải tạo kênh Cầu Khâu được nắn theo tuyến mới để phù hợp với quy hoạch đô thị, tuyến kênh điều chỉnh nằm trong hành lang cây xanh cách ly của đường vành đai 4, dài 3.330m, từ quốc lộ 6 đến kênh Khê Tang. Đoạn 1: Bắt đầu từ nút giao ngã tư đường vành đai 4 với QL6 tới điểm giao cắt với hành lang lưới điện dài khoảng 1.100m, tiết diện 7000x4000mm, hình thức là cống hộp. Đoạn 2: Tiếp nối đoạn 1 theo hành lang xanh đường vành đai 4 đến đường 21, tiết diện 10.000x4000mm, hình thức cống hộp, chiều dài 810m. Đoạn 3: Từ đường 21 đến Ba Trụ, chiều dài 920m, tiết diện 1000x4000. Đoạn 4: Từ Ba Trụ đến hết địa phận Hà Đông, chiều dài khoảng 500m, tiết diện 1500x4000mm.

- Xây dựng tuyến cống tiêu nối hồ điều hòa Thanh Hà A với kênh tiêu Cầu Khâu, chiều dài 1870m, kích thước 5000x3000mm, đảm nhận tiêu nước cho phường Phú Lương.

- Xây dựng tuyến cống chạy dọc theo hành lang cây xanh từ QL6 đến đường vành đai 4 (cống Thanh Lãm), dài khoảng 2000m, hình thức tuyến kênh đề xuât là cống hộp, kích thước là 7000x3000mm.

- Xây dựng tuyến cống tiêu Đồng Mai chạy dọc theo hành lang cây xanh phía Tây của đô thị Đồng Mai, dài khoàng 2.550m, từ phía Bắc của khu vực đến hết khu đất dịch vụ số 3 của Đồng Mai, kích thước 10.000x3000mm, sau đó nối với kênh Thanh Niên. Hình thức các cống là cống hộp.

- Kênh Thanh Niên, đoạn thượng lưu được nắn chỉnh thành hồ điều hòa, đoạn hạ lưu (từ điểm nối với cống Đồng Mai đến hết địa phận Hà Đông) dài khoảng 680m, hướng tuyến giữ nguyên như hiện trạng, hình thức kênh hở, bề rộng B=15m.

- Cải tạo kênh tưới La Khê đoạn từ QL6 đến hết địa phận Hà Đông dài 3.700m thành trục tiêu chính, hình thức cống hộp 7000x3000mm, kết hợp với giao thông. Tuyến kênh đi theo tuyến hiện nay. Xây dựng tuyến cống tiêu nối kênh tiêu La Khê với kênh tiêu Thanh Niên dài 990m, kích thước 7000x4000mm.

d) Vùng bãi sông Đáy

Phường Biên Giang: Cải tạo hệ thống mương Yên Phúc dài 630m, Giang Lẻ dài 410m, Đoàn Kết dài 340m, Hoà Bình dài 410m, Rạng Đông dài 730m. Xây mới hệ thống mương đoạn từ tổ dân phố An Thắng đến ao chung Chương Mỹ - Hà Đông, dài khoảng 250m. Xây mới tuyến thoát nước dọc theo trục đường quy hoạch 18m nối từ Yên Phúc đổ ra đầm dài 980m. Xây dựng trạm bơm An Thắng tiêu ra đầm, quy mô 2x1000m3/h.

Phường Yên Nghĩa: Cải tạo và khai thông kênh tiêu dọc đê Yên Nghĩa- Đồng Mai dài 520m. Xây dựng cống tiêu Cổ Bản tiêu cho khu vực mới được bảo vệ khi cắt đê hữu Đáy. Xây dựng kênh tiêu bao thôn Hoà Bình dài 1.510m.

Phường Đồng Mai: Cải tạo kênh tiêu và hồ điều hoà khu Trại Mít.

 

Nguồn: TS. Lê Viết Sơn - Trưởng phòng - Phòng QHTL các LVS Bắc Bộ - Viện QHTL

 

 

Tin cùng loại