2015.09.08 - 3290 lượt xem
Phú Thọ là một tỉnh miền núi phía Bắc thuộc lưu vực sông Hồng – Thái Bình, có tiềm năng tự nhiên phong phú thuận lợi cho phát triển công nghiệp, du lịch-dịch vụ, nông-lâm nghiệp và thuỷ sản.
Tổng diện tích tự nhiên của tỉnh là 3.528,40 km2, trong đó diện tích sản xuất nông nghiệp là 98.816ha. Dân số 1.326.813 người, chủ yếu dân nông thôn (chiếm 84,3%), GDP bình quân đầu người đạt 5,25 triệu đồng/người (năm 2005). Những năm gần đây Phú Thọ đã đạt được những bước tăng trưởng kinh tế khá cao nhờ thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng vật nuôi, thay đổi cơ cấu mùa vụ và phát triển các khu công nghiệp - đô thị.
Dự án “Quy hoạch thuỷ lợi tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2006-2015 và định hướng đến năm 2020” do Viện Quy hoạch Thuỷ lợi phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Phú Thọ thực hiện, đã được UBND tỉnh Phú Thọ phê duyệt theo quyết định số 439/2008/QĐ-UBND, ngày 25/2//2008. Quy hoạch này đề xuất các phương án và giải pháp kỹ thuật cấp nước chủ yếu là cấp nước cho nông nghiệp kết hợp nghiên cứu cấp nước cho cây vùng đồi, công nghiệp, thuỷ sản và du lịch đến năm 2020. Ngoài ra dự án còn đề xuất các phương án về tiêu nước, phòng chống lũ và giảm nhẹ thiên tai cho từng vùng, từng khu vực đảm bảo an ninh quốc phòng. Những nội dung chính của quy hoạch như sau:
1. Cấp nước cho nông nghiệp: Theo quy hoạch toàn tỉnh Phú Thọ đến năm 2020 cần cải tạo, nâng cấp 474 công trình và xây dựng mới 330 công trình thủy lợi phục vụ tưới để đảm bảo tưới diện tích đất trồng cây hàng năm là 52.400ha (trong đó: lúa chiêm xuân 33.300ha, lúa mùa 32.400ha và 19.100ha rau, màu, đất trồng cỏ và cây hàng năm khác); kết hợp tạo nguồn tưới cho 11.800ha/36.265ha đất cây dài ngày và cây lâu năm.
2. Cấp nước cho công nghiệp: Công nghiệp ở Phú Thọ khá phát triển với các mũi nhọn là dệt may, chế biến nông sản và khai thác khoáng sản. Lưu lượng yêu cầu cho phát triển công nghiệp đến năm 2015 là 223,168 triệu m3/năm, định hướng đến năm 2020 là 285,139 triệu m3/năm và sẽ được đáp ứng bằng nguồn nước mặt đưa vào các bể trữ có dung tích từ 500-700m3.
3. Tiêu úng: Đến năm 2020, tỉnh Phú Thọ cần cải tạo, nâng cấp 30 trạm bơm tiêu; nạo vét hệ thống kênh tiêu hiện có; cải tạo, nâng cấp 71 cống tiêu tự chảy; xây dựng mới 18 trạm bơm tiêu, giải quyết tiêu cho 31.787ha úng ngập (11.644ha tiêu động lực, 20.143ha tiêu tự chảy).
4. Phòng chống lũ:
- Đối với đê:Đảm bảo chống lũ an toàn ở mực nước thiết kế; cải tạo, nâng cấp và hoàn thiện hệ thống đê kết hợp đường giao thông, nâng cấp một số tuyến đê từ cấp IV lên cấp III. Cụ thể: tu bổ, nâng cấp hơn 300 km các tuyến đê sông Đà, Thao, Lô, Chảy và Lâm Hạc, và nâng cấp hơn 79km đê bao chống lũ nội đồng, kết hợp sơ tán dân vùng lũ quét, sạt lở đất.
- Đối với kè:Bảo vệ ổn định bờ, vở sông, công trình đê điều, khu dân cư và góp phần chỉnh trị dòng, chống sạt lở lâu dài toàn tuyến. Tu sửa những kè bị hư hỏng, bong xô, làm mới một số kè trên các tuyến sông. Tổng các tuyến kè cần đầu tư là 89,8km cho các tuyến đê tả Thao, hữu Thao, tả Đà, và hữu Lô.
- Đối với cống: Nâng cấp, tu sửa 50 cống, xây dựng lại 21 cống để đảm bảo tiêu úng, ngăn nước sông xâm nhập vào trong đồng, an toàn trong mùa lũ; tại các vị trí điều kiện cho phép thì kết hợp lấy nước phù sa để cải tạo đồng ruộng, lắp hệ thống đóng mở bằng điện cho các cống lớn chưa có hệ thống đóng mở bằng điện.
- Xây dựng các điếm canh đê: cần 83 điếm canh đê để đảm bảo ở các vị trí xung yếu, trọng điểm chống lụt bão.
5. Quy hoạch thuỷ lợi kết hợp với thuỷ điện: Theo quy hoạch, đến năm 2020 toàn tỉnh dự kiến cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới 28 công trình (nâng cấp, tu bổ 12 công trình; xây mới 16 công trình) với diện tích tưới thiết kế 1.787 ha và công suất phát điện 1,230MW.
Các công trình thuỷ lợi được xây dựng theo quy hoạch này sẽ cấp, thoát nước ổn định cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và du lịch dịch vụ, phòng chống và giảm nhẹ thiên tai góp phần ổn định đời sống nhân dân vùng sâu vùng xa vùng đồng bào đặc biệt khó khăn, và đảm bảo an ninh quốc phòng cho tỉnh Phú Thọ.
Thanh Tú (Theo RRBO)