Quy hoạch Thủy lợi tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2011 – 2020

2015.09.08 - 5041 lượt xem

Lạng Sơn là một tỉnh miền núi phía Bắc, gồm 11 đơn vị hành chính là: huyện Tràng Định, Bình Gia, Văn Lãng, Cao Lộc, Văn Quan, Bắc Sơn, Hữu Lũng, Chi Lăng, Đình Lập, Lộc Bình và thành phố Lạng Sơn.

Dân số năm 2010 là 735,56 nghìn người, mật độ dân số 88 người/km2, chủ yếu dân cư sống ở vùng nông thôn chiếm trên 80%.Tổng diện tích tự nhiên 832.076 ha, Trong đó:

- Diện tích đất sản xuất nông nghiệp: 106.691ha.

+ Đất canh tác: 75.746ha

+ Đất trồng lúa: 41.979ha

- Đất lâm nghiệp: 559.173ha

- Đất phi nông nghiệp: 43.875ha.

Qua nhiều năm đầu tư và phát triển đến nay Lạng Sơn đã xây dựng được nhiều công trình thủy lợi lớn nhỏ chủ yếu cấp nước cho sản xuất nông nghiệp kết hợp cấp nước cho dân sinh như: hồ Cao Lan, hồ Bản Nùng, hồ Tà Keo, hệ thống trạm bơm xã Tân Mỹ, cụm công trình thủy lợi Chấn Yên - Hưng Vũ, cụm công trình thủy lợi biên giới huyện Cao Lộc… Hiện tại có 1.059 công trình thuỷ lợi gồm 271 hồ chứa, 692 đập dâng, 96 trạm bơm bơm thủy luân và 2.340 công trình tiểu thủy nông, diện tích thực tưới vụ đông xuân 10.952 ha đạt 71% so với diện tích yêu cầu tưới; vụ mùa diện tích thực tưới 23.800 ha 70% so với diện tích yêu cầu tưới; tưới màu và cây lâu năm 11.730ha. Tỷ lệ người được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 75,1% tổng dân số toàn tỉnh.

Trong những năm qua, các công trình thuỷ lợi phục vụ tưới chủ yếu tập trung cho tưới lúa và màu, các công trình kết hợp tưới cây công nghiệp, cây ăn quả còn hạn chế. Vấn đề sạt lở bờ sông suối đang ngày càng nghiêm trọng do hiện tượng biến đổi bất thường của thời tiết, đặc biệt các khu vực bờ sông giáp biên giới Việt-Trung đang bị sạt lở cần gia cố, cải tạo. Vấn đề quản lý còn nhiều tồn tại vì vậy việc xây dựng bộ máy quản lý, khai thác công trình thủy lợi hoàn chỉnh từ tỉnh đến xã, bản là yêu cầu cấp bách. 

 “Quy hoạch thủy lợi tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2011-2020” đã đề xuất phương án và giải pháp kỹ thuật cấp nước cho nông nghiệp, công nghiệp, đô thị, phòng chống lũ giảm nhẹ thiên tai, đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ 2011-2020 của tỉnh Lạng Sơn. Cụ thể như sau:

1. Cấp nước cho nông nghiệp 

 Sau quy hoạch toàn tỉnh cần nâng cấp 314 công trình, xây mới 334 công trình giải quyết tưới cho 15.500ha lúa đông xuân, 34.000ha lúa mùa, 17.371ha màu, cây lâu năm và cấp nước sinh hoạt 122.000 người.

Hệ thống kênh mương của tỉnh đến năm 2020 có khoảng 2.122km kênh các loại hiện trạng số km kênh đã kiên cố hoá là 949km, dự kiến đến năm 2015 đưa km kênh đã kiên cố kênh lên 1.698km đạt 80%, dự kiến đến năm 2020 đưa km kênh đã kiên cố kênh lên 2.122km đạt 100%. 

 - Trong đó ưu tiên đầu tư 12 cụm công trình:

 Các công trình đợt đầu gồm 11 cụm công trình và hồ chứa Bản Lải, sau khi hoàn thành sẽ đảm bảo cấp nước tưới cho 3.410ha lúa đông xuân, lúa mùa 6.542ha, 3.441ha màu, cây lâu năm, cấp nước sinh hoạt cho 122.000 người. Tổng vốn đầu tư các công trình đợt đầu là 3.262,638 tỷ đồng. Cụ thể như sau:

1. Cụm CTTL Đình Lập, tổng kinh phí 41,242 tỷ đồng.

2. Cụm CTTL Lộc Bình, tổng kinh phí 28,72 tỷ đồng.

3. Cụm CTTL Chi Lăng, tổng kinh phí 20,60 tỷ đồng.

4. Cụm CTTL Cao Lộc, tổng kinh phí 67,914 tỷ đồng.

5. Cụm CTTL Hữu Lũng, tổng kinh phí 123,525 tỷ đồng.

6. Cụm CTTL Văn Quan, tổng kinh phí 33,498 tỷ đồng.

7. Cụm CTTL Bình Gia, tổng kinh phí 15,833 tỷ đồng.

8. Cụm CTTL Văn Lãng, tổng kinh phí 19,047 tỷ đồng.

9. Cụm CTTL Bắc Sơn, tổng kinh phí 38,269 tỷ đồng.

10. Cụm CTTL Tràng Định, tổng kinh phí 73,151 tỷ đồng.

11. Cụm CTTL TP. Lạng Sơn, tổng kinh phí 27,300 tỷ đồng.

12. Công trình hồ chứa Bản Lải, tổng kinh phí 2.773,54 tỷ đồng.

2. Cấp nước cho sinh hoạt  

a. Quy hoạch cấp nước đô thị

Để đáp ứng nhu cầu sử dụng nước của tỉnh đến năm 2020 là 100-110 ngàn m3/ngày.đêm, trong đó riêng thành phố Lạng Sơn khoảng 42-44 ngàn m3/ngày.đêm; Tiếp tục đầu tư nhà máy xử lý nước mặt sông Kỳ Cùng (công suất 20.000 m3/ngày-đêm); trước mắt đảm bảo cung ứng đủ nước cho khu vực thành phố Lạng Sơn, các khu công nghiệp và các hoạt động dịch vụ. Thực hiện có hiệu quả dự án cấp nước sạch thị trấn Đình Lập do JICA tài trợ.

b. Quy hoạch cấp nước nông thôn 

Dự báo đến năm 2015 có 85%, năm 2020 có 95% dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh. Các loại hình cấp nước chính: Cấp nước tập trung, cấp nước tự chảy bằng máng lần, cấp nước bằng giếng đào, giếng khoan.

3. Phòng chống lũ 

a. Giải pháp chống lũ cho Thành phố Lạng Sơn

Dự kiến xây dựng hồ Bản Lải trên sông Kỳ Cùng (huyện Lộc Bình), dung tích toàn bộ hồ Vtb=241,1x106m3 với nhiệm vụ chính là cắt giảm lũ cho hạ du, đặc biệt là cho thành phố Lạng Sơn đảm bảo mực nước tại TP. Lạng Sơn 257m, kết hợp tưới cho lúa và tạo nguồn tưới ẩm cho màu và công nghiệp, cấp nước cho các khu công nghiệp ở hạ lưu sông Kỳ  Cùng với lưu lượng 2m3/s, kết hợp phát điện, xả nước xuống sông Kỳ Cùng các tháng mùa khô hàng năm với lưu lượng 1m3/s để duy trì dòng chảy cơ bản trên sông Kỳ Cùng.

b. Xây dựng kè chống xói lở trên các sông suối

Về mùa lũ trên các sông suối trong tỉnh có độ dốc lớn, gặp mưa lớn thường gây hiện tượng sạt lở đất làm ảnh hưởng đến dân cư, đất sản xuất nông nghiệp và các sở hạ tầng. Do vậy dự kiến một số vị trí chính cần xây dựng các kè để bảo vệ các sông suối như: kè bờ sông Kỳ Cùng (đoạn thị trấn Lộc Bình, thị trấn Na Sầm-huyện Văn Lãng); Sông Thương, sông Trung (Đoạn qua thị trấn Mẹt huyện Hữu Lũng, thị trấn Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng); kè biên giới huyện Tràng Định. 

4. Dự án hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu 

 - Kè bảo vệ bờ sông Kỳ Cùng TP. Lạng Sơn, tổng kinh phí 1.700 tỷ đồng.

- Cắt lũ, chống ngập lụt khu: Đề Thám, Đại Đồng, Hùng Sơn, TT Thất Khê, , tổng kinh phí 1.274 tỷ đồng.

- Thoát lũ chống úng ngập xã Quỳnh Sơn, Long Đống và TT Bắc Sơn, tổng kinh phí 566 tỷ đồng.

Ths. Phạm Tuyết Mai (Theo Phòng Bắc Bộ - Viện QHTL)

Tin cùng loại