Đề xuất giải pháp phòng chống ngập lụt, úng cho lưu vực sông Bùi và phụ cận

2023.06.19 - 5442 lượt xem

Ngày 16/6/2023, tại Hà Nội, sau hơn 3 năm thực hiện, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tổ chức hội đồng nghiệm thu đề tài khoa học cấp quốc gia “Nghiên cứu đề xuất giải pháp phòng chống ngập lụt, úng cho lưu vực sông Bùi và vùng phụ cận” do PGS.TS Bùi Nam Sách chủ nhiệm.

Tham gia hội đồng có sự góp mặt của GS.TS Trần Viết Ổn - Hội Thủy lợi Việt Nam – Chủ tịch Hội đồng; PGS.TS Nguyễn Quang Trung – Hội đập lớn và phát triển nguồn nước Việt Nam – P. Chủ tịch Hội đồng; PGS.TS Nguyễn Tiền Giang – Đại học Quốc gia Hà Nội – Ủy viên phản biện; PGS.TS Phạm Thị Hương Lan – Trường Đại học Thủy lợi - Ủy viên phản biện, Chuyên gia độc lập TS. Tô Văn Trường. Buổi nghiệm thu cũng có sự góp mặt của đại diện các đơn vị Viện Khoa học Thủy lợi, Vụ KHCN&MT- Bộ NN và PTNT; Lãnh đạo Viện Quy hoạch Thủy lợi; Vụ KH&CN các ngành kinh tế - kĩ thuật, Văn phòng các Chương trình trọng điểm cấp Nhà nước, Vụ Kế hoạch – Tài Chính thuộc bộ Khoa học và Công nghệ.

Hội đồng nghiệm thu đề tài cấp quốc gia “Nghiên cứu đề xuất giải pháp phòng chống ngập lụt, úng cho lưu vực sông Bùi và vùng phụ cận”

PGS.TS Bùi Nam Sách – Chủ nhiệm đề tài giới thiệu tóm tắt mở đầu cho đề tài

TS. Lê Viết Sơn – Thư kí khoa học đề tài thay mặt ban chủ nhiệm trình bày kết quả nghiên cứu của đề tài

Bản đồ lưu vực sông Bùi và vùng phụ cận

Kết quả đề tài đã đề nghiên cứu, xuất các giải pháp phòng chống lũ, ngập lụt cho lưu vực sông Bùi và vùng phụ cận.

Nhóm giải pháp về quản lý:

- Căn cứ vào bản đồ ngập lụt tương ứng với tiêu chuẩn phòng chống lũ được lựa chọn, tiến hành điều chỉnh quy hoạch phát triển đô thị, quy hoạch sử dụng đất: Không quy hoạch phát triển các khu đô thị, dân cư, công nghiệp, chăn nuôi tập trung ở khu vực có nguy cơ ngập lũ.

- Căn cứ vào dự báo mưa, dự báo lũ để có kế hoạch ứng phó trước.

- Chấp nhận sự xuất hiện của lũ và chuẩn bị các vật tư, phương tiện để ứng phó khi có lũ.

- Chuyển đổi mô hình sản xuất ở khu vực ngập lũ: Chuyển khoảng 400ha khu vực úng trũng sang nuôi trồng thủy sản.

Nhóm giải pháp công trình:

- Khả năng xây dựng hồ chứa thượng lưu để cắt giảm lũ.

- Hướng cách ly lũ núi.

- Đê liền tuyến bảo vệ toàn vùng hay bảo vệ cục bộ.

- Cải tạo lòng dẫn sông Tích, sông Bùi, sông Đáy.

- Trạm bơm tiêu úng triệt để hay bơm vợi.

- Khu vực hạn chế phát triển.

Sau phần trình bày của Ban chủ nhiệm đề tài, các thành viên Hội đồng đã đưa ra các ý kiến nhận xét về những vấn đề cần bổ sung và hoàn thiện của đề tài và đánh giá toàn diện việc thực hiện đề tài. Hầu hết các ý kiến đều đánh giá đề tài được thực hiện một cách kỳ công, chi tiết. Đây là đề tài có giá trị to lớn về mặt thực tiễn trong việc phòng chống lũ, ngập úng cho lưu vực sông Bùi và vùng phụ cận. Ngoài ra, kết quả nghiên cứu của đề tài đã được báo cáo và đã có sự đồng thuận của Sở Nông nghiệp và PTNT và UBND thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, chủ tịch hội đồng, các thành viên tham gia cũng đã thảo luận và đưa ra một số góp ý cụ thể để đề tài có thể giải trình, chỉnh sửa, bổ sung và hoàn thiện hơn.

GS.TS Trần Viết Ổn - Hội Thủy lợi Việt Nam – Chủ tịch Hội đồng trình bày kết luận của hội đồng

Phát biểu kết luận buổi nghiệm thu, GS.TS. Trần Viết Ổn - Chủ tịch Hội ghi nhận những nỗ lực, cố gắng của Ban chủ nhiệm đề tài. Hội đồng nghiệm thu đã nhất trí thông qua đề tài và đánh giá mức Đạt; đồng thời đề nghị Viện Quy hoạch Thủy lợi – tổ chức chủ trì đề tài tổ chức tiếp thu chỉnh sửa theo góp ý của Hội đồng và chuyển giao sản phẩm cho các đơn vị có liên quan để ứng dụng sản phẩm của đề tài./.

Tin cùng loại