Tình hình ngập lụt các đô thị vùng Đồng bằng Bắc Bộ - thực trạng và giải pháp

2023.02.27 - 3492 lượt xem

Vùng Đồng bằng Bắc Bộ có 11 tỉnh, thành phố trong đó có 29 đô thị gồm có 1 đô thị loại đặc biệt: Hà Nội; 1 thành phố là đô thị loại I trực thuộc trung ương: Hải Phòng; 4 thành phố là đô thị loại I trực thuộc tỉnh: Nam Định, Bắc Ninh, Hải Dương, Hạ Long; 7 thành phố là đô thị loại II: Thái Bình, Vĩnh Yên, Ninh Bình, Phủ Lý, Cẩm Phả, Uông Bí, Móng Cái; 6 đô thị loại III gồm 5 thành phố trực thuộc tỉnh: Hưng Yên, Tam Điệp, Phúc Yên, Chí Linh, Từ Sơn và 1 thị xã: Sơn Tây; 10 đô thị loại IV gồm 5 thị xã: Mỹ Hào, Kinh Môn, Duy Tiên, Quảng Yên, Đông Triều; 1 huyện: Thuận Thành và 4 thị trấn: Thịnh Long, Diêm Điền, Như Quỳnh, Phố Mới.

Ngập lụt ở Đồng bằng Bắc bộ (ĐBBB) chủ yếu do mưa không được tiêu thoát kịp thời. Mặt khác, do đặc điểm địa hình trũng, thấp được hệ thống đê bao bọc, vào mùa lũ mực nước trong đồng đều thấp hơn mực nước lũ ngoài sông ở mức báo động III từ 2 đến 4m, nên có mưa là ngập lụt. Úng ngập ở các tỉnh vùng ĐBBB có hai đặc điểm cơ bản: không theo chu kỳ nhất định và úng ngập tức thời ở diện rộng. 

Một số trận mưa điển hình gây ngập úng ở đồng bằng sông Hồng

- Trận mưa gây ngập úng cuối tháng 10, đầu tháng 11 năm 2008 trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh lân cận. Nguyên nhân do ảnh hưởng của đới gió đông kết hợp với không khí lạnh tăng cường từ ngày 30/10 tới 3/11 trên lưu vực sông Nhuệ, Đáy đã xảy ra mưa đặc biệt lớn gây gập úng nghiêm trong trên diện rộng thuộc địa bàn ĐBBB và trên địa bàn thành phố Hà Nội. Lượng mưa 1 ngày lớn nhất đạt ngày 31/10 đạt từ 300 tới 550 mm khiến cho 100.000 ha bị ngập.

- Đợt lũ 10/2017 diện tích bị ngập úng lên tới 85.000 ha xuất hiện ở hầu hết các tỉnh trên lưu vực. Lưu vực Hoàng Long - Ninh Bình và Tích Bùi - Hà Nội lũ lớn gây tràn đê Hữu Hoàng Long và Tả - Hữu Bùi.

- Tháng 7/2018 đã xảy ra mưa lớn gây ngập úng cho diện tích canh tác của một số tỉnh, thành phố thuộc lưu vực sông Đáy như Hòa Bình, Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình với diện tích ngập úng. Ninh Bình 6.660ha; Nam Định 27.526ha; Hà Nội 11.151 ha.

- Đợt mưa từ 2/8/2019 đến 6/8/2019 trên toàn vùng Bắc Bộ đã xảy ra mưa lớn gây ngập úng sâu nước cho các diện tích canh tác của một số tỉnh, thành phố. Thành phố Hà Nội có diện tích ngập úng, sâu nước lớn hơn 5.200 ha (6/8/2019), Hải Dương 1.835 ha (ngày 4/8/2019), Bắc Ninh 247ha (4/8/2019), Vĩnh Phúc 239ha (4/8/2019), Bắc Giang 364 ha (5/8/2019).

- Từ ngày 1/8 đến ngày 6/8/2020 và từ ngày 12-19/8/2020. Lượng mưa phổ biến trong tháng phổ biến từ 330-540mm đặc biệt ở các tỉnh: Chi Nê (Hòa Bình) 696 mm, Hòa Bình 538 mm, Móng Cái (Quảng Ninh) 851 mm, Tam Đảo (Vĩnh Phúc) 826 mm, Hòn Dấu (Hải Phòng) 659 mm. Do ảnh hưởng của mưa lớn, đã xảy ra tình trạng ngập úng ở một số tỉnh như: Hà Nội 984ha (20/8/20220), Hải Dương 280ha (7/8/2020), Vĩnh Phúc 563ha (7-20/8/2020).

- Từ ngày 14-16/10/2020 đã xảy ra mưa lớn trên vùng Đồng bằng Bắc Bộ từ 100÷240 mm. Lượng mưa phổ biến trong tháng từ 200÷250 mm, cao hơn TBNN từ 50-70%. Trong đó, vùng Trung du phổ biến từ 140÷180 mm, cao hơn TBNN từ 20-40%; vùng Đồng bằng từ 220÷260 mm, cao hơn TBNN từ 60-70%. Một số trạm có mưa lũy tích lớn trong tháng gồm: Tam Đảo (Vĩnh Phúc) 466mm, Đông Quý (Thái Bình) 398mm, Nam Định 393mm, Thái Bình 366mm. Do ảnh hưởng của mưa lớn đã ngập úng lúc cao nhất vào ngày 16/10/2020 là hơn 8.800ha  tại các tỉnh Nam Định (1.760ha), Thái Bình (4.729ha), Ninh Bình (371ha), Hải Dương (1.962ha).

- Trong tháng 7/2021 đã xảy ra 2 đợt mưa lớn từ 7-10/7/2021 và từ 23-26/7/2021. Cụ thể: Đợt 7/7–10/7 đã gây ngập úng tại các tỉnh Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình. Diện tích ngập úng, sâu nước cao nhất là vào ngày 8/7: 33.619ha (Nam Định 22.819ha, Ninh Bình 500ha, Thái Bình 300ha). Đợt mưa lớn ngày 23-26/7/2021 đã gây ra ngập úng tại Nam Định, Thái Bình, Hải Dương. Diện tích ngập úng, sâu nước lớn nhất vào ngày 24/7: 4.786,9ha (Nam Định 4.207,9ha, Ninh Bình 579ha).

  • Từ ngày 21-25/5/2022, tuy không có dông bão nhưng ở Bắc Bộ nhiều nơi mưa to, có nơi mưa rất to, như Tam Đảo (Vĩnh Phúc) 808mm, Phúc Thọ (Hà Nội) lượng mưa khoảng 390mm...  đã gây ngập úng trên diện rộng. Chỉ tính riêng huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) có hơn 1.200ha diện tích cây trồng bị ảnh hưởng, với gần 800ha lúa bị ngập, 330ha diện tích rau màu bị ngập và giập nát.
  • Từ ngày 25-26/8/2022, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, khu vực Bắc Bộ có mưa to đến rất to và dông kèm gió giật mạnh, tổng lượng mưa tích lũy phổ biến 100-200mm, có nơi trên 250mm gây ngập sâu hơn 0,5m trên nhiều tuyến phố của thành phố Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình, Nam Định.
  • Ngày 9/9/2022, mưa lớn từ 150-350mm gây ngập úng ở Hà Nội, Hòa Bình, Ninh Bình... Tổng diện tích bị ngập úng khu vực Bắc Bộ là 11.889 ha.

Nguyên nhân cơ bản của ngập lụt

1.1Nguyên nhân khách quan

Biến đổi khí hậu được coi là nguyên nhân dẫn đến các trận mưa cực đoan. Hiện nay lượng mưa ngày càng gia tăng, mưa có cường độ lớn, thời gian mưa dài trên một diện rộng và có những ngày có những cơn mưa có vũ lượng cao gấp đôi thậm chí gấp 3-4 lần vượt cường độ thiết kế của hệ thống thoát nước và những trận mưa này xuất hiện ngày càng nhiều hơn làm cho mức độ ngập lụt ngày càng sâu hơn, cứ mưa là ngập. Trong thời gian gần đây (thời kỳ từ 2011-2019) lượng mưa mùa mưa tăng ở đa số các trạm vùng Đồng bằng Bắc Bộ với lượng tăng từ 1-11% so với TBNN của lượng mưa mùa mưa.

1.2Nguyên nhân chủ quan

a) Phát triển đô thị và hạ tầng tiêu thoát chưa hợp lý: Việc xây dựng đô thị với mật độ cao tại vùng ven đô là nguyên nhân chính dẫn tới ngập lụt. Trong đô thị diện tích hồ, ao và kênh, rạch bị san lấp tăng lên khiến cho khả năng chứa nước tại chỗ của khu vực này giảm xuống. Việc gia tăng diện tích bề mặt bị bê tông hóa tại các khu vực đô thị không chỉ làm gia tăng lượng nước mưa chảy trên bề mặt vì không thể thấm xuống lòng đất, làm tăng hệ số tiêu gây áp lực cho hệ thống thoát nước.

b) Kết nối hạ tầng tiêu thoát nước chưa đáp ứng yêu cầu: Hệ số tiêu trong thời gian qua tăng khá lớn nhưng nguồn lực cho đầu tư công trình tiêu vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu. Hệ số tiêu hỗn hợp cho cả các khu dân cư, đô thị, công nghiệp và các đối tượng phi nông nghiệp khác trong hệ thống thủy lợi hiện tại khoảng 13,5÷15,0 l/s/ha, tăng lên đến 16,0÷18,0 l/s/ha năm 2030 và 18,0÷20,0 l/s/ha năm 2050 đối với các kịch bản kịch bản phát triển nhanh, bền vững; trong trường hợp cực đoan có thể tăng lên đến 25,0÷30,0 l/s/ha vào năm 2050. Việc xây dựng hệ thống thoát nước trong nhiều khu đô thị mới thiếu đồng bộ, kết nối giữa hệ thống thoát nước mới và cũ còn nhiều bất cập, kết nối liên thông giữa hệ thống thoát nước đô thị với hệ thống tiêu thoát nước của thủy lợi còn nhiều hạn chế, trong khi hệ thống tiêu thoát nước cho nông nghiệp đã được đầu tư từ lâu, hiện cũng đang bị xuống cấp và không đảm bảo tiêu thoát nước.

c) Nguồn lực đầu tư cho tiêu thoát nước còn hạn chế: Tổ chức triển khai thực hiện quy hoạch đô thị đặc biệt quy hoạch thoát nước chậm và chưa đáp ứng yêu cầu, phần lớn là do thiếu nguồn kinh phí cho đầu tư hệ thống tiêu thoát nước; Công tác duy tu, sửa chữa, nạo vét hệ thống thoát nước chưa đạt hiệu quả. Nguồn vốn để xây dựng mới, cải tạo và nâng cấp hệ thống tiêu thoát nước là rất lớn và cần được đầu tư đồng bộ. Nhưng, thực tế cho thấy nguồn vốn rất hạn chế và chủ yếu dựa vào vốn vay ODA. Sự phối hợp giữa đầu tư xây các công trình hạ tầng kỹ thuật với các công trình thoát nước chưa chặt chẽ. Nhiều quy định về quản lý thoát nước chậm đổi mới; nhiều tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế, kỹ thuật, đơn giá..đã ban hành đã lạc hậu, chưa phù hợp với sự thay đổi về công nghệ, quản lý… đặc biệt tác động của biến đổi khí hậu chậm nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện: Năng lực quản lý tiêu thoát nước chưa hiệu quả, còn nhiều lúng túng trong việc xây dựng các phương án tiêu thoát nước.

d) Do ý thức của cộng đồng dân cư: Xây dựng nhà trái phép, san lấp, lấn chiếm sông, kênh, rạch, ao hồ. Khai thác nước ngầm quá mức. Xả rác bừa bãi xuống hố ga, kênh, cống và ra đường dẫn đến bít đường ống tiêu thoát nước làm cho tình trạng tiêu thoát nước càng kém hiệu quả.

Giải pháp đề xuất:

Một số bài học kinh nghiệp trên thế giới: Tăng tỷ lệ diện tích cây xanh, không gian mặt nước giảm mức độ bê-tông hóa bề mặt, tăng cường khả năng tham gia tự điều tiết của hệ thống sinh thái tự nhiên, thích nghi để sống chung hòa bình và thân thiện với tự nhiên; Ở Hà Lan, Room for the River là một kế hoạch thiết kế của Chính phủ nhằm giải quyết vấn đề lũ, ngập lụt, tạo cảnh quan tổng thể và cải thiện điều kiện môi trường ở các khu vực xung quanh các con sông của Hà Lan, dự án hoạt động từ năm 2006–2015; Nhằm giúp Thủ đô Tokyo không bị ngập lụt mỗi khi mùa mưa đến, Chính phủ Nhật Bản đã xây dựng một trong những hệ thống ngầm chống ngập lớn nhất thế giới. Hệ thống đường hầm có tên Kênh xả ngầm bên ngoài khu vực đô thị (G-cans) của Nhật Bản được ví như một chiếc phễu, hứng nước từ các khu vực chung quanh rồi đổ ra sông Edogawa qua một đường hầm dài 6,3km, nằm sâu 50m dưới lòng đất; Ngoài các giải pháp công trình thì hiện nay trên thế giới đang áp dụng nhiều giải pháp phi công trình khác trong giải quyết bài toán ngập lụt, úng đô thị.

Giải pháp phi công trình: (1) Rà soát, lập mới, điều chỉnh quy hoạch đô thị theo hướng lợi dụng ưu thế tự nhiên để tăng mức độ thích nghi, giảm bớt rủi ro, tôn trọng không gian dành cho nước; quy hoạch thoát nước đô thị cần kết hợp với quy hoạch tiêu thoát nước nông nghiệp theo hướng thoát nước bền vững thích ứng biến đổi khí hậu. (2) Phân lưu vực tiêu thoát nước hợp lý có tính đến yếu tố liên kết vùng, đề xuất các khu vực không ngập lụt để có các giải pháp bảo vệ, đầu tư đồng bộ hệ thống thoát nước; các khu vực chấp nhận việc sống chung với ngập lụt để có giải pháp cảnh báo cho người dân khu vực này phòng tránh an toàn và hiệu quả.(3) Xây dựng bản đồ hiện trạng ngập lụt, bản đồ dự báo ngập lụt đô thị tương ứng với giai đoạn quy hoạch. Lập bản đồ cao độ nền toàn đô thị để quản lý xây dựng. Không quy hoạch phát triển đô thị ở những khu vực trũng thấp, các rốn nước của thành phố. (4) Nâng cao năng lực của chính quyền đô thị, đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý trong việc vận hành công trình tiêu thoát có năng lực chuyên môn, có tầm nhìn, có khả năng dự báo và có khả năng giải quyết hiệu quả các công việc cụ thể xảy ra. (5) Rà soát, sửa đổi bổ sung, thay thế, ban hành mới các quy định có liên quan đến quản lý thoát nước; các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, các định mức, dự toán … có tính đến tác động của biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai. (6) Tuyên truyền nâng cao ý thức của cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường và quản lý hệ thống tiêu thoát nước.

 Giải pháp công trình: (1) Rà soát các dự án thoát nước tại các thành phố, đô thị. Các dự án đầu tư xây dựng mới phải đồng bộ (hệ thống thoát nước, đê bao, hồ điều hòa, công trình ngăn triều, hệ thống bơm hỗ trợ) có tính đến biến đổi khí hậu cho từng lưu vực thoát nước phù hợp với khả năng nguồn vốn. (2) Lồng ghép chức năng điều tiết nước mưa vào các hồ hiện hữu, lồng ghép chức năng thoát nước vào trong các dự án phát triển đô thị, khu dân cư. Bổ sung quy chuẩn với các công trình công cộng, thương mại chiếm dụng diện tích lớn phải xây dựng bể ngầm chứa nước.(3) Ưu tiên vốn để cải tạo, sửa chữa hệ thống thoát nước cũ; tăng cường công tác duy tu, duy trì hệ thống thoát nước; nạo vét bùn lắng trong lòng cống, nạo vét kênh, mương, khơi thông dòng chảy, giải tỏa nhà ổ chuột trên sông, kênh; (4) Dành không gian để chứa nước khi có mưa lớn xảy ra: hồ điều hòa, các khu vực cây xanh, công viên, trong đó có nhiệm vụ bảo vệ các không gian thoát nước, chứa nước hiện có (sông, hồ, ao). Hạn chế hoặc nghiêm cấm san lấp hồ ao, sông kênh với các mục đích khác nhau. Cấm xả rác xả rác, xây dựng trái phép, lấn chiếm dòng sông và các công trình thoát nước.

Kết luận và Kiến nghị: Biến đổi khí hậu hiện đang diễn ra, đây là nguyên nhân gây ra những trận mưa với lượng mưa lớn tập trung trong thời gian ngắn gây ra tình trạng ngập lụt, úng. Đô thị hóa là tất yếu, khách quan, là động lực phát triển quan trọng, yêu cầu cần phải lồng ghép quy hoạch tiêu thoát nước, chống ngập lụt vào trong quy hoạch phát triển. Hiện nay, công tác giải quyết vấn đề ngập lụt đô thị chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra, do đó cần triển khai đồng bộ quy hoạch đô thị, đầu tư và quản lý hạ tầng tiêu thoát nước. Vấn đề hiện đại hóa hạ tầng tiêu thoát nước đô thị rất tốn kém kinh phí, cần huy động các nguồn lực trong xã hội để triển khai thực hiện. Giải quyết ngập lụt cần có phải có những giải pháp đồng bộ, có lộ trình cụ thể, cần có sự quyết tâm chính trị của chính quyền các cấp, của các Bộ, ngành Trung ương và vào cuộc của các tầng lớp nhân dân.

Cần rà soát và hoàn thiện Quy hoạch hệ thống thoát nước các đô thị trong Quy hoạch tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng Bắc Bộ; Quy hoạch phòng chống thiên tai và thủy lợi quốc gia từ nay đến 2030, tầm nhìn đến 2050 đã đề xuất các giải pháp tiêu mang tính định hướng lớn, đề nghị các địa phương cập nhật các danh mục công trình cần ưu tiên đầu tư vào Quy hoạch tỉnh, thành phố; Trong kế hoạch đầu tư trung hạn từ nay đến năm 2030, đề nghị Chính phủ, các Bộ, Ngành, địa phương ưu tiên, bố trí đủ kinh phí cho đầu tư hạ tầng tiêu thoát nước một cách đồng bộ; Cần tăng cường công tác quản lý hệ thống tiêu thoát nước, đặc biệt là kênh mương để đảm bảo năng lực tiêu thoát, áp dụng quản lý hệ thống tiêu thoát nước thông minh, hiện đại.

Nguồn: Phòng Quy hoạch Thuỷ lợi Bắc Bộ – Viện Quy hoạch Thuỷ lợi

Tin cùng loại