2023.02.27 - 3662 lượt xem
Vùng Đồng bằng Bắc Bộ có 11 tỉnh, thành phố trong đó có 29 đô thị gồm có 1 đô thị loại đặc biệt: Hà Nội; 1 thành phố là đô thị loại I trực thuộc trung ương: Hải Phòng; 4 thành phố là đô thị loại I trực thuộc tỉnh: Nam Định, Bắc Ninh, Hải Dương, Hạ Long; 7 thành phố là đô thị loại II: Thái Bình, Vĩnh Yên, Ninh Bình, Phủ Lý, Cẩm Phả, Uông Bí, Móng Cái; 6 đô thị loại III gồm 5 thành phố trực thuộc tỉnh: Hưng Yên, Tam Điệp, Phúc Yên, Chí Linh, Từ Sơn và 1 thị xã: Sơn Tây; 10 đô thị loại IV gồm 5 thị xã: Mỹ Hào, Kinh Môn, Duy Tiên, Quảng Yên, Đông Triều; 1 huyện: Thuận Thành và 4 thị trấn: Thịnh Long, Diêm Điền, Như Quỳnh, Phố Mới.
Ngập lụt ở Đồng bằng Bắc bộ (ĐBBB) chủ yếu do mưa không được tiêu thoát kịp thời. Mặt khác, do đặc điểm địa hình trũng, thấp được hệ thống đê bao bọc, vào mùa lũ mực nước trong đồng đều thấp hơn mực nước lũ ngoài sông ở mức báo động III từ 2 đến 4m, nên có mưa là ngập lụt. Úng ngập ở các tỉnh vùng ĐBBB có hai đặc điểm cơ bản: không theo chu kỳ nhất định và úng ngập tức thời ở diện rộng.
Một số trận mưa điển hình gây ngập úng ở đồng bằng sông Hồng
- Trận mưa gây ngập úng cuối tháng 10, đầu tháng 11 năm 2008 trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh lân cận. Nguyên nhân do ảnh hưởng của đới gió đông kết hợp với không khí lạnh tăng cường từ ngày 30/10 tới 3/11 trên lưu vực sông Nhuệ, Đáy đã xảy ra mưa đặc biệt lớn gây gập úng nghiêm trong trên diện rộng thuộc địa bàn ĐBBB và trên địa bàn thành phố Hà Nội. Lượng mưa 1 ngày lớn nhất đạt ngày 31/10 đạt từ 300 tới 550 mm khiến cho 100.000 ha bị ngập.
- Đợt lũ 10/2017 diện tích bị ngập úng lên tới 85.000 ha xuất hiện ở hầu hết các tỉnh trên lưu vực. Lưu vực Hoàng Long - Ninh Bình và Tích Bùi - Hà Nội lũ lớn gây tràn đê Hữu Hoàng Long và Tả - Hữu Bùi.
- Tháng 7/2018 đã xảy ra mưa lớn gây ngập úng cho diện tích canh tác của một số tỉnh, thành phố thuộc lưu vực sông Đáy như Hòa Bình, Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình với diện tích ngập úng. Ninh Bình 6.660ha; Nam Định 27.526ha; Hà Nội 11.151 ha.
- Đợt mưa từ 2/8/2019 đến 6/8/2019 trên toàn vùng Bắc Bộ đã xảy ra mưa lớn gây ngập úng sâu nước cho các diện tích canh tác của một số tỉnh, thành phố. Thành phố Hà Nội có diện tích ngập úng, sâu nước lớn hơn 5.200 ha (6/8/2019), Hải Dương 1.835 ha (ngày 4/8/2019), Bắc Ninh 247ha (4/8/2019), Vĩnh Phúc 239ha (4/8/2019), Bắc Giang 364 ha (5/8/2019).
- Từ ngày 1/8 đến ngày 6/8/2020 và từ ngày 12-19/8/2020. Lượng mưa phổ biến trong tháng phổ biến từ 330-540mm đặc biệt ở các tỉnh: Chi Nê (Hòa Bình) 696 mm, Hòa Bình 538 mm, Móng Cái (Quảng Ninh) 851 mm, Tam Đảo (Vĩnh Phúc) 826 mm, Hòn Dấu (Hải Phòng) 659 mm. Do ảnh hưởng của mưa lớn, đã xảy ra tình trạng ngập úng ở một số tỉnh như: Hà Nội 984ha (20/8/20220), Hải Dương 280ha (7/8/2020), Vĩnh Phúc 563ha (7-20/8/2020).
- Từ ngày 14-16/10/2020 đã xảy ra mưa lớn trên vùng Đồng bằng Bắc Bộ từ 100÷240 mm. Lượng mưa phổ biến trong tháng từ 200÷250 mm, cao hơn TBNN từ 50-70%. Trong đó, vùng Trung du phổ biến từ 140÷180 mm, cao hơn TBNN từ 20-40%; vùng Đồng bằng từ 220÷260 mm, cao hơn TBNN từ 60-70%. Một số trạm có mưa lũy tích lớn trong tháng gồm: Tam Đảo (Vĩnh Phúc) 466mm, Đông Quý (Thái Bình) 398mm, Nam Định 393mm, Thái Bình 366mm. Do ảnh hưởng của mưa lớn đã ngập úng lúc cao nhất vào ngày 16/10/2020 là hơn 8.800ha tại các tỉnh Nam Định (1.760ha), Thái Bình (4.729ha), Ninh Bình (371ha), Hải Dương (1.962ha).
- Trong tháng 7/2021 đã xảy ra 2 đợt mưa lớn từ 7-10/7/2021 và từ 23-26/7/2021. Cụ thể: Đợt 7/7–10/7 đã gây ngập úng tại các tỉnh Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình. Diện tích ngập úng, sâu nước cao nhất là vào ngày 8/7: 33.619ha (Nam Định 22.819ha, Ninh Bình 500ha, Thái Bình 300ha). Đợt mưa lớn ngày 23-26/7/2021 đã gây ra ngập úng tại Nam Định, Thái Bình, Hải Dương. Diện tích ngập úng, sâu nước lớn nhất vào ngày 24/7: 4.786,9ha (Nam Định 4.207,9ha, Ninh Bình 579ha).
Nguyên nhân cơ bản của ngập lụt
Biến đổi khí hậu được coi là nguyên nhân dẫn đến các trận mưa cực đoan. Hiện nay lượng mưa ngày càng gia tăng, mưa có cường độ lớn, thời gian mưa dài trên một diện rộng và có những ngày có những cơn mưa có vũ lượng cao gấp đôi thậm chí gấp 3-4 lần vượt cường độ thiết kế của hệ thống thoát nước và những trận mưa này xuất hiện ngày càng nhiều hơn làm cho mức độ ngập lụt ngày càng sâu hơn, cứ mưa là ngập. Trong thời gian gần đây (thời kỳ từ 2011-2019) lượng mưa mùa mưa tăng ở đa số các trạm vùng Đồng bằng Bắc Bộ với lượng tăng từ 1-11% so với TBNN của lượng mưa mùa mưa.
Giải pháp công trình: (1) Rà soát các dự án thoát nước tại các thành phố, đô thị. Các dự án đầu tư xây dựng mới phải đồng bộ (hệ thống thoát nước, đê bao, hồ điều hòa, công trình ngăn triều, hệ thống bơm hỗ trợ) có tính đến biến đổi khí hậu cho từng lưu vực thoát nước phù hợp với khả năng nguồn vốn. (2) Lồng ghép chức năng điều tiết nước mưa vào các hồ hiện hữu, lồng ghép chức năng thoát nước vào trong các dự án phát triển đô thị, khu dân cư. Bổ sung quy chuẩn với các công trình công cộng, thương mại chiếm dụng diện tích lớn phải xây dựng bể ngầm chứa nước.(3) Ưu tiên vốn để cải tạo, sửa chữa hệ thống thoát nước cũ; tăng cường công tác duy tu, duy trì hệ thống thoát nước; nạo vét bùn lắng trong lòng cống, nạo vét kênh, mương, khơi thông dòng chảy, giải tỏa nhà ổ chuột trên sông, kênh; (4) Dành không gian để chứa nước khi có mưa lớn xảy ra: hồ điều hòa, các khu vực cây xanh, công viên, trong đó có nhiệm vụ bảo vệ các không gian thoát nước, chứa nước hiện có (sông, hồ, ao). Hạn chế hoặc nghiêm cấm san lấp hồ ao, sông kênh với các mục đích khác nhau. Cấm xả rác xả rác, xây dựng trái phép, lấn chiếm dòng sông và các công trình thoát nước.
Kết luận và Kiến nghị: Biến đổi khí hậu hiện đang diễn ra, đây là nguyên nhân gây ra những trận mưa với lượng mưa lớn tập trung trong thời gian ngắn gây ra tình trạng ngập lụt, úng. Đô thị hóa là tất yếu, khách quan, là động lực phát triển quan trọng, yêu cầu cần phải lồng ghép quy hoạch tiêu thoát nước, chống ngập lụt vào trong quy hoạch phát triển. Hiện nay, công tác giải quyết vấn đề ngập lụt đô thị chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra, do đó cần triển khai đồng bộ quy hoạch đô thị, đầu tư và quản lý hạ tầng tiêu thoát nước. Vấn đề hiện đại hóa hạ tầng tiêu thoát nước đô thị rất tốn kém kinh phí, cần huy động các nguồn lực trong xã hội để triển khai thực hiện. Giải quyết ngập lụt cần có phải có những giải pháp đồng bộ, có lộ trình cụ thể, cần có sự quyết tâm chính trị của chính quyền các cấp, của các Bộ, ngành Trung ương và vào cuộc của các tầng lớp nhân dân.
Cần rà soát và hoàn thiện Quy hoạch hệ thống thoát nước các đô thị trong Quy hoạch tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng Bắc Bộ; Quy hoạch phòng chống thiên tai và thủy lợi quốc gia từ nay đến 2030, tầm nhìn đến 2050 đã đề xuất các giải pháp tiêu mang tính định hướng lớn, đề nghị các địa phương cập nhật các danh mục công trình cần ưu tiên đầu tư vào Quy hoạch tỉnh, thành phố; Trong kế hoạch đầu tư trung hạn từ nay đến năm 2030, đề nghị Chính phủ, các Bộ, Ngành, địa phương ưu tiên, bố trí đủ kinh phí cho đầu tư hạ tầng tiêu thoát nước một cách đồng bộ; Cần tăng cường công tác quản lý hệ thống tiêu thoát nước, đặc biệt là kênh mương để đảm bảo năng lực tiêu thoát, áp dụng quản lý hệ thống tiêu thoát nước thông minh, hiện đại.
Nguồn: Phòng Quy hoạch Thuỷ lợi Bắc Bộ – Viện Quy hoạch Thuỷ lợi