Đánh giá các biến động về sử dụng đất, sử dụng nước trong phạm vi phục vụ của công trình thuỷ lợi Núi Cốc giai đoạn từ 2015-2022

2023.02.27 - 1025 lượt xem

Trong giai đoạn từ năm 2015 đến thời điểm năm 2022, có biến động rất lớn về sử dụng đất trong khu vực hưởng lợi công trình hồ Núi Cốc, cụ thể: Phát triển mở rộng đô thị của 03 thành phố: Thái Nguyên, Sông Công, Phổ Yên diện tích đất ở đã tăng thêm khoảng 660 ha; Diện tích các Khu công nghiệp, Cụm công nghiệp tăng thêm 690 ha; Các loại đất hạ tầng, phi nông nghiệp khác tăng khoảng 1.600 ha; Trong cơ cấu đất phi nông nghiệp cũng có sự biến động giảm từ các đối tượng đất sản xuất kinh doanh, đất mặt nước ao hồ... chuyển thành đất công nghiệp, phát triển hạ tầng và các khu dân cư.

Tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp giai đoạn từ năm 2015 đến năm 2022 giảm gần 1.400 ha, trong đó đất trồng lúa và cây hàng năm khác giảm 1.766 ha do chuyển đổi sang mục đích sử dụng đất phi nông nghiệp và chuyển cơ cấu sang phát triển các loại cây trồng, vật nuôi khác. Có thể thấy diễn biến sử dụng đất tại khu vực điều tra đã và sẽ tiếp tục thay đổi theo xu thế giảm diện tích sản xuất nông nghiêp để chuyển sang sử dụng cho các mục đich phi nông nghiệp và phụ thuộc vào tiến độ phát triển các khu công nghiệp, đô thị.

Bảng : Tổng hợp diễn biến sử dụng đất giai đoạn 2015 – 2022 . Đơn vị: ha

TT

Loại đất

Năm 2015

Hiện tại (2022)

Tăng giảm

*

Tổng diện tích tự nhiên

34073

34073

 

1

Đất sản xuất nông nghiệp

24917

23541

-1376

2

Đất phi nông nghiệp

9073

10502

1430

3

Đất chưa sử dụng

83

30

-53

Nguồn: Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên

Biến động về thực tế tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp

Theo số liệu thống kê của Công ty TNHH MTV KTCTTL tỉnh Thái Nguyên cho đến năm 2015 diện tích sản suất nông nghiệp về cơ bản vẫn được duy trì vụ lớn nhất trong năm từ 13.000 đến gần 14.000 ha. Tuy nhiên từ năm 2015 đến nay diện tích thực tưới giảm dần, đặc biệt đến năm 2022 tổng diện tích tưới vụ lớn nhất chỉ còn 10.898 ha, giảm so với năm 2015 là 3.043 ha, trong đó diện tích lúa vụ mùa giảm 1.946 ha, màu giảm 1.096 ha. Diện tích canh tác giảm cũng phản ảnh đúng thực tế về chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất khu vực nghiên cứu trong giai đoạn vừa qua.

Bảng: Diễn biến diện tích tưới từ năm 2015 đến nay. Đơn vị: ha

Năm

Tổng cả năm

Vụ Đông Xuân

Vụ Mùa

Vụ Đông (Màu)

Lúa

Màu

Lúa

Màu

2015

32.075

7.763

4.422

10.328

3.612

5.950

2016

31.315

7.766

4.405

10.305

3.546

5.293

2017

31.120

7.846

4.278

10.161

3.594

5.242

2018

31.038

7.801

4.276

10.126

3.594

5.242

2019

30.697

7.723

4.203

9.992

3.569

5.210

2020

30.349

7.631

4.159

9.858

3.546

5.155

2021

29.924

7.519

4.075

9.767

3.479

5.084

Hiện tại (2022)

26.221

6.697

3.704

8.382

2.516

4.923

Nguồn: Công ty TNHH MTV KTCTTL tỉnh Thái Nguyên

Nhu cầu nước cấp cho sản xuất nông nghiệp: Nhu cầu nước cho sản xuất nông nghiệp hiện nay của hồ Núi Cốc về lý thuyết đã giảm khoảng gần 20% so với giai đoạn trước đây.

Bảng: Tổng hợp nhu cầu dùng nước cho SXNN qua các năm. Đơn vị: triệu m3

Đối tượng

2015

2016

2017

2018

2019

2020

2021

Hiện tại (2022)

Tổng NN

121,1

120,0

119,7

119,2

117,8

116,3

114,9

101,3

Lúa Xuân

55,7

55,7

56,3

56,0

55,4

54,8

53,9

48,0

Màu Xuân

0,8

0,8

0,8

0,8

0,8

0,8

0,7

0,7

Lúa Mùa

54,8

54,7

53,9

53,7

53,0

52,3

51,8

44,5

Màu Mùa

0,2

0,2

0,2

0,2

0,2

0,2

0,1

0,1

Vụ Đông Màu

9,7

8,6

8,5

8,5

8,5

8,4

8,3

8,0

Tổng hợp lượng nước tưới thực tế theo vận hành hồ: Lượng nước qua hồ vào hệ thống kênh tưới trong những năm gần đây cũng có xu thế giảm, thể hiện ở bảng sau

Bảng: Tổng hợp lượng nước qua hồ theo thực tế. Đơn vị: triệu m3

Năm

Tổng

Qua cống

Xả qua tràn

Tổng qua cống

Tưới (K0+280)

Xả qua kênh (K0+180)

2015

385

373

212

161

12

2016

508

403

218

185

105

2017

801

435

206

229

366

2018

705

440

184

256

265

2019

584

468

173

294

116

2020

541

417

117

299

125

2021

288

270

113

158

17

2022

565

270

108

162

295

Nguồn: Công ty TNHH MTV KTCTTL tỉnh Thái Nguyên

Biến động sử dụng nước cấp cho đô thị - công nghiệp

Theo nhiệm vụ ban đầu hồ Núi Cốc có nhiệm vụ cấp nước cho ĐT-CN là 7,2 m3/s. Hiện nay, đã có 03 nhà máy nước tập trung khai thác nguồn nước từ hồ Núi Cốc để phục vụ nhu cầu sử dụng nước cho công nghiệp và đô thị (Nhà máy nước Tích Lương 30.000 m3/ngày.đêm, năm 2015; Nhà máy nước ĐT- CN Yên Bình 75.000 m3/ngày.đêm, năm 2020; Nhà máy nước Voi Phun 50.000 m3/ngày.đêm, năm 2022). Tổng công suất các nhà máy nước khai thác từ hồ Núi Cốc đến thời điểm hiện tại là 155.000 m3/ngày.đêm. Theo đó tổng nhu cầu nước khai thác tối đa bằng các nhà máy nước tập trung từ hồ Núi Cốc từ 11 triệu m3/năm tại thời điểm năm 2015, đến năm 2022 đã tăng lên 56,6 triệu m3/năm.

Biến động sử dụng nước cấp cho các đối tượng sử dụng nước khác

a. Phát triển dân cư: Tổng số dân trong phạm vi hưởng lợi của hồ Núi Cốc hiện nay khoảng 580 nghìn người, trong đó tỷ lệ dân thành thị chiếm khoảng 40%. Cùng với sự kiện thành phố Phổ Yên mới được thành lập và dự báo phát triển kinh tế xã hội trong tương lai dự kiến trong giai đoạn tới sẽ có sự gia tăng đáng kể về quy mô dân số và gia tăng tỷ lệ đô thị hóa trong vùng. Nhu cầu dùng nước sẽ tiếp tục gia tăng.

b. Phát triển chăn nuôi: Theo số liệu thống kê năm 2020, tổng đàn gia súc của toàn vùng khoảng 39.000 con, đàn lợn 705.000 con, đàn gia cầm trên 2,6 triệu con. Hiện đang được duy trì, chăn nuôi theo mô hình trang trại tập trung đang phát triển khá nhanh, cấp nước cho chăn nuôi mặc dù nhu cầu không lớn nhưng vẫn là đối tượng cần được bảo đảm phục vụ trong tương lai.

c. Bổ sung nguồn cho hệ thống thủy lợi Sông Cầu: Theo thiết kế ban đầu hồ Núi Cốc có nhiệm vụ bổ sung nguồn cho hệ thống thủy lợi Sông Cầu lượng nước 20 triệu m3/năm, thực tế chỉ có những năm dòng chảy trên sông Cầu đến Thác Huống đầu vụ Đông Xuân bị cạn kiệt thì mới sử dụng nguồn bổ sung từ Núi Cốc. Theo số liệu thống kê thực tế vận hành trong những năm gần đây lượng nước bổ sung cho hệ thống thủy lợi Sông Cầu hàng năm từ 4 đến 15 triệu m3.

d. Khai thác thủy năng: Việc vận hành thủy điện chủ yếu tận dụng lượng nước thừa của hồ Núi Cốc và tận dụng thủy năng sau cống khi tưới, do vậy không được tính là đối tượng sử dụng nước tiêu hao của hồ Núi Cốc. Nhà máy thủy điện Núi Cốc do Công ty TNHH MTV KTCTTL tỉnh Thái Nguyên trực tiếp quản lý và vận hành với công xuất thu được 10 triệu kw/giờ/năm.

e. Nuôi trồng thủy sản: Nuôi trồng thủy sản trong hồ hiện nay là tận dụng phần mặt nước hồ để chăn, thả một cách tự nhiên, tạo ra nguồn lợi thủy sản phong phú, phục vụ nhu cầu của người dân địa phương. Hiện tại, hàng năm Công ty TNHH MTV KTCTTL tỉnh Thái Nguyên đã thả từ 5 ÷ 10 tấn cá giống xuống hồ nhằm duy trì nguồn lợi thủy sản, môi sinh, môi trường cũng như bảo vệ tính đa dạng sinh học của hệ sinh thái khu vực hồ Núi Cốc; mỗi năm sản lượng thu hoạch 60 - 80 tấn cá thịt và các sản phẩm từ nguồn lợi thủy sản khác.

f. Phát triển du lịch: Ngành Du lịch thuộc đối tượng sử dụng không tiêu hao nguồn nước, tuy nhiên để duy trì cảnh quan mực nước hồ Núi Cốc luôn được yêu cầu duy trì ở mức cao dẫn đến khả năng xung đột với yêu cầu dùng nước của các ngành trong tương lai hoặc khi xảy ra tình huống dòng chảy đến hồ bị suy giảm.

Đánh giá các tác động của biến động về sử dụng đất, sử dụng nước đến nhiệm vụ của công trình thủy lợi Núi Cốc

Hiện nay, nhu cầu nước cho sản xuất nông nghiệp đang có xu thế giảm; ngược lại nhu cầu nước cho sản xuất công nghiệp và đô thị đang gia tăng nhanh.

Các kịch bản tính toán: Với nhiệm vụ sử dụng hồ Núi Cốc phục vụ đa mục tiêu gồm cấp nước cho đô thị, công nghiệp, sinh hoạt, nông nghiệp, kết hợp phục vụ du lịch, phòng chống lũ và phát điện, việc cân bảng nước hồ Núi Cốc được tính toán theo các kịch bản như sau:

TT

Kịch bản

Cao trình mực nước thấp nhất (m)

MNDBT (m)

Nhu cầu sử dụng nước

hàng năm (106m3)

1

Kịch bản MC34

+34,0

+46,2

249,6

2

Kịch bản MN38

+38,0

+46,2

249,6

3

Kịch bản MN40

+40,0

+46,2

249,6

 

Kết quả tính toán cân bằng nước với chuỗi số liệu toàn liệt năm thủy văn từ năm 1961 đến năm 2019 theo các kịch bản về mực nước chết như sau:

TT

Kịch bản

Cao trình (m)

Số năm đủ nước

Số năm thiếu nước

Lượng nước thiếu BQ (106 m3)

Lượng nước thiếu Max năm

(106 m3)

Tần suất đảm bảo cấp nước (%)

1

Kịch bản MN34

+34,0

53

5

15,4

50,3

91

2

Kịch bản MN38

+38,0

50

8

24,8

77,8

86

3

Kịch bản MN40

+40,0

35

23

17,0

95,6

60

 

Qua kết quả tính toán cân bằng nước toàn liệt 58 năm theo các kịch bản về mực nước thấp nhất duy trì nhận thấy:

- Kịch bản mực nước thấp nhất duy trì ở cao trình MNC +34: Trong 58 năm tính toán có 5 năm thiếu nước, đảm bảo tần suất cấp nước là 91%. Tổng lượng nước thiếu bình quân 15,4.106 m3/năm, lượng nước thiếu lớn nhất 50,3.106 m3/năm.

- Kịch bản mực nước thấp nhất duy trì ở cao trình +38: Trong 58 năm tính toán có 8 năm thiếu nước, đảm bảo tần suất cấp nước là 86%. Tổng lượng nước thiếu bình quân 24,8.106 m3/năm, lượng nước thiếu lớn nhất 77,8.106 m3/năm.

- Kịch bản mực nước thấp nhất duy trì ở cao trình +40: Trong 58 năm tính toán có 23 năm thiếu nước, đảm bảo tần suất cấp nước là 60%. Tổng lượng nước thiếu bình quân 17,0.106 m3/năm, lượng nước thiếu lớn nhất 95,6.106 m3/năm.

Nhận định về xu thế nhu cầu dùng nước trong tương lai

Từ thực tế và tính toán diễn biến nhu cầu dùng nước trong quá khứ cho thấy nhu cầu dùng nước cho sản xuất nông nghiệp đang có xu hướng giảm dần, ngược lại nhu cầu dùng nước phi nông nghiệp lại gia tăng, đặc biệt là nhu cầu dùng nước cho sản xuất công nghiệp và phát triển đô thị. Theo phương án phát triển KTXH của Quy hoạch tỉnh cho thấy thời kỳ 2021-2030, có thể khẳng định tình trạng này tiếp tục diễn biến theo xu thế nhưng sẽ ở mức độ cao hơn.

+ Tổng nhu cầu nước hàng năm sẽ có xu hướng tăng so với hiện tại, sơ bộ ước tính đến năm 2030 nhu cầu nước cả năm khai thác từ hồ Núi Cốc sẽ tăng thêm khoảng 10 đến 15% so với hiện tại. Nhu cầu nước có sự biến động khác nhau theo các tháng trong năm, nhu cầu dùng nước các tháng mùa khô thay đổi không nhiều do diện tích lúa Đông Xuân sẽ tiếp tục giảm để chuyển sang phát triển đô thị, công nghiệp.

+ Tỷ trọng nước cấp cho sinh hoạt, công nghiệp trong cơ cấu dùng nước sẽ tiếp tục gia tăng, đây là các đối tượng cần được ưu tiên bảo đảm cấp nước cả về chất và lượng đều ở mức cao hơn so với cấp nước sản xuất nông nghiệp.

+ Ngoài ra để đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch khu vực lòng hồ Núi Cốc, việc duy trì mực nước hồ ở mức cao cũng là vấn đề cần được xem xét trong điều kiện cụ thể trong giai đoạn tới.

Do vậy việc vận hành khai thác, sử dùng nguồn nước hồ Núi Cốc cần đáp ứng phục vụ đa mục tiêu, đáp ứng phục vụ tối ưu đối trong phân phối nguồn nước cho các ngành, bảo đảm yêu cầu phát triển bền vững cho các khu vực hưởng lợi.

Nguồn: Phòng Quy hoạch Thuỷ lợi Bắc Bộ – Viện Quy hoạch Thuỷ lợi