2021.02.05 - 5445 lượt xem
Tỉnh Hưng Yên có diện tích 930,22km2, dân số khoảng 1,179 triệu người, có hai con sông lớn chảy qua là sông Hồng và sông Luộc. Tỉnh Hưng Yên được xem là địa phương có hệ thống công trình phòng chống lụt bão khá hoàn thiện, với tổng số 86,7km đê trong đó đê tả sông Hồng là tuyến đê cấp I với tổng chiều dài 59,006 km; đê tả sông Luộc là đê cấp II với tổng chiều dài là 20,7km. Toàn tỉnh có 13 kè lát mái, 15 cống qua đê, 2 cửa khầu. Hệ thống đê tả sông Hồng đi qua địa bàn của 4/10 huyện, thành phố; đê tả sông Luộc đi qua 2/10 huyện, thành phố ven đê.
Quy hoạch phòng chống lũ sông Hồng sông Luộc trên địa bàn tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2030 định hướng đến 2050 được triển khai trên cơ sở xem xét sự ràng buộc với các quy hoạch có liên quan như Quy hoạch chung xây dựng tỉnh Hưng Yên; Quy hoạch sử dụng đất; Quy hoạch giao thông và các quy hoạch khác; phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh.
Qua việc khảo sát điều tra tình hình phân bố dân cư trên các bãi sông cho thấy, số lượng dân cư sống ở bãi sông là rất lớn, mật độ dân cư vùng bãi sông cũng tương đối cao. Từ kết quả khảo sát địa hình bình đồ vùng bãi sông cho thấy hầu hết các khu dân cư vùng bãi hiện nay đều sinh sống ở các khu vực có địa hình cao, đảm bảo chống được lũ xấp xỉ báo động 2, một số khu vực đảm bảo chống được báo động 3. Thực hiện quyết định 257/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, quy hoạch đã xác định được quy mô các khu dân cư vùng bãi được tồn tại, phát triển trên địa bàn từng xã, phường có diện tích ngoài đê.
Quy hoạch đã ứng dụng công nghệ tính toàn dòng chảy 2 chiều trên bãi sông để phân tích trường vận tốc dòng chảy trên các khu vực bãi sông, làm cơ sở cho việc xác định các khu vực có vận tốc dòng lớn, uy hiếp đến sự an toàn của các khu dân cư và kiến nghị phương án di dời cho từng khu dân cư trên các xã, phường. Tổng số hộ dân cần phải sơ tán trên hệ thống sông Hồng, sông Luộc 403hộ là các hộ nằm trong các khu vực nguy hiểm có nguy cơ sạt lở, ngập lụt khi gặp lũ lớn.
Kết quả tính toán thủy lực cho thấy vận tốc dòng chảy lũ ở các bãi sông được phép xây dựng và được nghiên cứu xây dựng đều thấp, đáp ứng được tiêu chí v<0,2m/s theo quy định tại quyết định 257. Với mật độ xây dựng thấp như kiến nghị, sẽ không làm tăng mực nước lũ trên các tuyến sông.
Quy hoạch đã xác định cụ thể diện tích các khu vực bãi sông được phép nghiên cứu xây dựng là 8 bãi thuộc sông Hồng là Văn Giang, Thắng Lợi, Mễ Sở, Khoái Châu, Đức Hợp, Lam Sơn, Phú Hùng Cường và Quảng Châu.
Đối với hệ thống đê điều, từ việc đánh giá chi tiết hiện trạng hệ thống công trình phòng chống lũ trên địa bàn tỉnh cho thấy: hệ thống đê điều cơ bản đã đủ cao trình chống lũ thiết kế, tuy nhiên chất lượng thân đê vẫn còn nhiều tồn tại. Cần phải có giải pháp để phát hiện ẩn và xử lý ẩn họa trong đê; khoan phụt vữa gia cố thân đê để tạo màng chống thấm, chống thẩm lậu… để tăng cường chất lượng thân đê; nghiên cứu áp dụng giải pháp kỹ thuật mới để xử lý triệt một số đoạn đê có địa chất nền yếu nhằm đảm bảo an toàn cho đê khi lũ cao. Quy hoạch đề xuất nâng cấp phần còn lại của sông Hồng và toàn bộ đê sông Luộc trên địa bàn tỉnh Hưng Yên kết hợp đường giao thông, đề xuất xử lý khoan phụt vữa xử lý thấm, xử lý tổ mối thân đê; giếng giảm áp; trồng tre bảo vệ bờ sông, mái đê; Lấp, xử lý đầm, ao, hồ ven đê để tăng ổn định cho đê; đắp tầng phủ nhằm kéo dài đường thấm, chống trượt, chống lún, sụt những khu vực thường xuyên bị sủi.
Về nhiệm vụ giao thông: Toàn bộ hệ thống đê đều có nhiệm vụ giao thông, tận dụng tối đa quỹ đất hiện có của các tuyến đê để phát triển giao thông, hạn chế tối đa vấn đề di dân tái định cư, điều chỉnh tuyến tại các đoạn cong gấp cục bộ tạo thuận lợi cho giao thông. Cải tạo mặt đê sông Hồng, sông Luộc thành đường giao thông liên tỉnh; cải tạo mặt các đê bối (không nâng tôn cao mặt đê) kết hợp thành đường giao thông liên huyện.
Nguồn: Phòng QHTL Bắc Bộ - Viện Quy hoạch Thủy lợi