Nghiên cứu giải pháp nguồn nước, hạ tầng thủy lợi cấp thoát nước cho xây dựng quy hoạch phát triển thủy sản bền vững vùng Duyên hải Nam Trung Bộ

2018.11.21 - 2067 lượt xem

Ngày 16/11/2018 tại TP. Hà Nội, Viện Quy hoạch Thủy lợi đã tổ chức hội thảo khoa học cuối kỳ đề tài cấp Bộ: “Nghiên cứu giải pháp nguồn nước, hạ tầng thủy lợi cấp thoát nước cho xây dựng quy hoạch phát triển thủy sản bền vững vùng Duyên hải Nam Trung Bộ”. Đề tài do Ths Đặng Thị Kim Nhung làm chủ nhiệm. Viện Quy hoạch Thủy lợi là cơ quan chủ trì thực hiện đề tài.

Vùng Duyên hải Nam Trung Bộ bao gồm 8 tỉnh, thành phố là: Thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà, Ninh Thuận và Bình Thuận có đường bờ biển dài trên 800 km và 12 đầm phá ven biển với tổng diện tích mặt nước hơn 40.000 ha (đầm Nại, Cù Mông, Thị Nại…) là điều kiện thuận lợi để phát triển nuôi tôm nước lợ. Dọc theo ven biển là vùng đất cát có diện tích khoảng 84.000 ha, trong đó một phần diện tích rất phù hợp cho phát triển hình thức nuôi công nghệ cao trên cát. Từ thực tiễn của công tác nuôi tôm hiện nay cơ sở hạ tầng cấp, thoát và xử lý nước thải không đảm bảo dẫn đến tình trạng ô nhiễm nguồn nước và dịch bệnh lây lan khó kiểm soát trong vùng Nam Trung Bộ thấy rằng việc nghiên cứu đề tài này là yêu cầu cấp bách.

Mục tiêu chính của đề tài là:

1. Phân vùng nuôi trồng thủy sản theo nguồn nước ngọt từ hệ thống thủy lợi cho một số vùng tập trung, cấp nước ngọt cho một số vùng nhỏ lẻ, phân tán đảm bảo chủ động nước sản xuất.

2. Đề xuất giải pháp về nguồn nước, cơ sở hạ tầng thủy lợi cấp thoát nước cho xây dựng quy hoạch phát triển thủy sản bền vững vùng Duyên hải Nam Trung Bộ.

Mục tiêu chính của hội thảo cuối kỳ: Thông báo những kết quả chính của đề tài gồm:

1. Đánh giá thực trạng và tiềm năng nguồn nước mặt, nước ngầm; hạ tầng kỹ thuật cấp, thoát và xử lý nước trong nuôi trồng thủy sản vùng ven biển Nam Trung Bộ;

2. Phân vùng nuôi trồng thủy sản theo khả năng nguồn nước và đề xuất quy hoạch khu nuôi trồng thủy sản phù hợp đảm bảo chủ động nước sản xuất;

3. Nghiên cứu đề xuất giải pháp tạo nguồn, cấp nước từ hệ thống thủy lợi, khai thác nước ngầm bền vững phục vụ nuôi trồng thủy sản cho các vùng điển hình;

4. Giải pháp, công nghệ hạ tầng kỹ thuật thủy lợi cấp, thoát nước và xử lý nước thải nhằm giảm thiểu rủi ro và bảo vệ môi trường;

5. Thiết  kế mẫu hai mô hình cấp thoát nước và xử lý nước thải: Ứng dụng cho một khu nuôi tôm giống tập trung và một khu nuôi tôm thương phẩm phân tán vùng Nam Trung Bộ;

Tham dự hội thảo có 40 đại biểu đến từ Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường; Tổng cục Thủy lợi; Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam; Trường Đại học Thủy lợi; đại biểu các tỉnh vùng Nam Trung Bộ đã đóng góp ý kiến để hoàn thiện kết quả nghiên cứu của đề tài. Kết quả nghiên cứu của nhóm tác giả thực hiện đề tài, cơ quan chủ trì đã được đánh giá rất cao vì những nội dung nghiên cứu có tính mới và gắn liền với thực tiễn đang được các địa phương quan tâm.

Một số hình ảnh tại Hội thảo: 

Ths Đặng Thị Kim Nhung - Trưởng phòng Quy hoạch Thủy lợi Nam Trung Bộ và Tây Nguyên báo cáo đề tài

 

Đại biểu tham gia đóng góp ý kiến cho đề tài

 

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

 

Tin cùng loại