Giải quyết dứt điểm tình trạng vi phạm công trình thủy lợi

2022.06.27 - 1960 lượt xem

Trên cả nước hiện có 51.827 vụ vi phạm bảo vệ công trình thủy lợi, nhưng tỷ lệ xử lý rất thấp. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp, cũng như nguy cơ mất an toàn cho các công trình thủy lợi trước những diễn biến bất thường của thời tiết.

Đoạn kênh thủy lợi Kim Sơn đi qua thị trấn Sặt, huyện Bình Giang (Hải Dương) bị xâm phạm làm ảnh hưởng đến dòng chảy của hệ thống. (Ảnh VŨ SINH)

Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố thuộc Trung ương về việc xử lý vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi. Văn bản thể hiện kết quả xử lý vi phạm còn thấp và hiệu quả chưa cao, chủ yếu do sự chỉ đạo, phối hợp và chia sẻ thông tin giữa chính quyền địa phương và các đơn vị quản lý chuyên ngành, các cơ quan quản lý nhà nước còn hạn chế, chưa kịp thời và thiếu đồng bộ.

Vi phạm nhiều kiểu, nhiều nơi

Tuyến kênh tả Đại thủy nông Nậm Rốm, đi qua khu vực đội 10, xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên là đoạn kênh đắp nổi; được kiên cố bằng các tấm đan bê-tông đúc sẵn. Trên đoạn bờ kênh này có hành lang kênh nhưng cũng là đường giao thông liên xã, khu vực đông dân cư sinh sống, mật độ người và phương tiện giao thông lớn gây biến dạng mặt cắt kênh, mất an toàn cho tuyến kênh. Để bảo vệ tuyến kênh này, đơn vị quản lý đã nhiều lần phối hợp chính quyền địa phương tuyên truyền, chôn cột mốc bảo vệ bờ kênh cấm xe tải trọng lớn đi qua nhưng do đây là tuyến giao thông chính kết nối đến các khu dân cư cho nên việc xử lý vi phạm gặp nhiều khó khăn.

Giám đốc Công ty TNHH Quản lý thủy nông Điện Biên, Lê Văn Thi cho biết: Công ty được giao nhiệm vụ quản lý, khai thác và bảo vệ 34 công trình thủy lợi trên địa bàn 6 huyện, thành phố. Các công trình thủy lợi chủ yếu nằm ở vùng sâu, vùng xa, ý thức người dân trong công tác bảo vệ công trình thủy lợi chưa cao. Kinh phí cấp bù thủy lợi phí của công ty thấp cho nên không có kinh phí trong việc cắm mốc bảo vệ công trình thủy lợi. Mặt khác trong những năm gần đây, tốc độ đô thị hóa nhanh, công tác cắm mốc hành lang bảo vệ công trình thủy lợi còn hạn chế, dẫn tới khó khăn trong công tác bảo vệ công trình thủy lợi.

Ngoài ra, ông Lê Văn Thi còn chia sẻ thêm: Một số công trình thủy lợi sau khi được cắm mốc mới phát hiện nhiều nhà dân, cơ quan, doanh nghiệp đã nằm trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, do các hộ dân đã sinh sống trong lòng hồ từ trước khi xây dựng các công trình thủy lợi; thời điểm xây dựng, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng chưa được giải quyết dứt điểm, tồn đọng. Do đó, việc xử lý đối với những vi phạm này gặp rất nhiều khó khăn.

Hay như việc các cơ sở sản xuất dong riềng ở xã Nà Tấu, thành phố Điện Biên Phủ xả thải tại khu vực đầu nguồn chảy xuống kênh Đại thủy nông Nậm Rốm làm ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng đến việc gieo cấy và nuôi trồng thủy sản khu vực thành phố Điện Biên Phủ và huyện Điện Biên.

Trên địa bàn tỉnh Hưng Yên, theo thống kê mới nhất, vẫn còn khoảng 2.057 trường hợp vi phạm công trình thủy lợi; trong đó, có 602 trường hợp vi phạm công trình thủy lợi trước khi có quy định về hành lang bảo vệ công trình thủy lợi và 1.455 trường hợp vi phạm công trình thủy lợi sau khi có quy định về hành lang bảo vệ công trình thủy lợi. Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Hưng Yên, Bùi Văn Sao cho biết: Hiện vẫn còn nhiều công trình chưa thể giải tỏa, tháo dỡ phần lớn là các công trình xây dựng nhà, công trình phụ vi phạm công trình thủy lợi trước khi có chỉ thị và kế hoạch 93A của tỉnh Hưng Yên, đây là vấn đề nhức nhối khó có thể giải quyết một sớm một chiều, bởi thiếu kinh phí hỗ trợ, đền bù, giải tỏa...

Phó Trưởng phòng Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hưng Yên, Ngô Xuân Hiếu cho biết: Phần lớn lượng nước thải dân sinh, chăn nuôi và làng nghề chưa được kiểm soát, không được xử lý hoặc xử lý không đạt xả thải trực tiếp vào các sông, kênh, mương; còn lượng nước thải công nghiệp cơ bản đã được kiểm soát thu gom, xử lý trước khi xả thải ra môi trường, tuy nhiên có lúc, có nơi nước thải xử lý vẫn chưa đạt yêu cầu đã bị các cơ quan chức năng phát hiện xử phạt nghiêm.

Những vi phạm nêu trên ở Hưng Yên và Điện Biên chỉ là hai thí dụ trong tổng số 51.827 vụ vi phạm thuộc lĩnh vực thủy lợi đã được phát hiện trên cả nước, chủ yếu liên quan đến xây dựng công trình, lập bến bãi tập kết vật liệu, đào, lấp, xả rác thải, nước thải vào công trình thủy lợi. Tỷ lệ các vụ vi phạm đã được xử lý chưa cao: 34.395/51.827 vụ vi phạm, chiếm hơn 66%; còn tồn đọng 17.432 vụ, chiếm tỷ lệ 33,63%.

Công nhân Công ty TNHH Quản lý thủy nông Điện Biên gia cố bờ kênh tả Đại thủy nông Nậm Rốm đi qua khu vực đội 10, xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên.

Đẩy mạnh công tác phối hợp

Trước thực trạng trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có Văn bản số 2734/BNN-TCTL, ngày 4/5/2022, gửi UBND các tỉnh, thành phố thuộc Trung ương về việc xử lý vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi. Trong đó, đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các ngành, các đơn vị khai thác công trình thủy lợi tăng cường thanh tra, kiểm tra, đánh giá và xử lý các vi phạm trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi thuộc địa bàn được giao phụ trách; kiên quyết xử lý dứt điểm, đúng quy định của pháp luật các vụ việc tồn đọng, đặc biệt các vụ việc vi phạm nghiêm trọng ảnh hưởng đến an toàn công trình thủy lợi, gây bức xúc trong dư luận.

Đồng thời, các tỉnh tăng cường giám sát, kiểm tra trách nhiệm người đứng đầu các cấp, các ngành trong việc bảo vệ, xử lý vi phạm công trình thủy lợi theo quy định; tiếp tục triển khai thực hiện việc cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi và bàn giao mốc chỉ giới cho UBND cấp xã nơi có công trình để phối hợp quản lý, bảo vệ. Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh phối hợp Phòng Cảnh sát Môi trường thuộc công an các tỉnh, thành phố trong công tác phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh, xử lý vi phạm công trình thủy lợi; tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện việc cấp, cấp lại, gia hạn, điều chỉnh, thu hồi giấy phép hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi; tổ chức kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm về các nội dung được cấp phép theo quy định của pháp luật về thủy lợi.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lương Văn Anh cho biết: Quá trình triển khai, các địa phương đã có nhiều cố gắng trong phát hiện và xử lý những vi phạm. Tuy vậy, tình hình vi phạm vẫn diễn biến phức tạp, nhiều vụ vi phạm chưa được phát hiện và xử lý kịp thời làm ảnh hưởng đến việc vận hành, làm ô nhiễm nguồn nước trong hệ thống thủy lợi, đặc biệt là đe dọa đến an toàn các công trình trong khi thời tiết có nhiều diễn biến bất thường như hiện nay. Do đó, cần sự vào cuộc, phối hợp tốt hơn nữa của các cơ quan chức năng trong việc giải quyết những tồn đọng trong vi phạm, để bảo đảm an toàn cho các công trình trên phạm vi cả nước.

Tính đến ngày 31/12/2021, cả nước đã phát hiện 51.827 vụ vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, giảm 1.190 vụ so với năm 2020. Các vi phạm tập trung chủ yếu ở khu vực gồm: Đồng bằng sông Cửu Long với 26.119 vụ, chiếm 50,39% trên tổng số vụ vi phạm cả nước; trong đó, An Giang chiếm gần 97% số vụ vi phạm tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Tiếp đến là đồng bằng sông Hồng với 10.084 vụ vi phạm, chiếm tỷ lệ 19,46% trên tổng số vụ vi phạm trên cả nước; Bắc Trung Bộ với 9.525 vụ, chiếm 18,38%; các khu vực còn lại, tình hình vi phạm ở mức từ 2,2% đến 5,9%. Ba tỉnh không có vi phạm gồm: Lai Châu, Đà Nẵng, Vĩnh Long.

Nguồn: nhandan.vn