2019.03.13 - 764 lượt xem
Bước vào đầu mùa khô, Đà Nẵng đã phải trải qua hơn nửa tháng nước nhiễm mặn nặng. Mực nước trên hầu hết các hồ thủy điện đều ở mức thấp hơn so với cùng kỳ nhiều năm…Trước nguy cơ thiếu nước ngày càng gay gắt và nghiêm trọng, TP. Đà Nẵng đã tính đến nhiều phương án, cả cấp bách và lâu dài để tạo nguồn nước cũng như khai thác, sử dụng có hiệu quả nguồn nước.
* Sử dụng hiệu quả tài nguyên nước mặt
Cuối năm 2018, Sở TN&MT thành phố đã xây dựng đề án Tài nguyên nước mặt thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, nhằm tạo cơ sở cho các ngành, địa phương trên địa bàn thành phố điều chỉnh các quy hoạch, kế hoạch có hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước mặt.
Theo đó, trước mắt, Sở TN&MT thành phố duy trì và phát huy năng lực hiện có của 12 công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn, khi có điều kiện sẽ cải tạo nâng cấp các công trình ở vùng sâu vùng xa và thay thế các công trình đã có tại các khu dân cư tập trung bằng các công trình mới và phát triển mạng lưới cấp nước đô thị để cấp nước cho các khu dân cư phụ cận đô thị.
Về lâu dài, Đề án đã đưa ra các giải pháp phát triển nguồn nước, cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới các công trình cấp nước phi nông nghiệp.
Tín hiệu vui là kết quả khảo sát đánh giá hiện trạng trữ lượng tài nguyên nước mặt cho thấy lượng dòng chảy đến Đà Nẵng tương đối dồi dào, đủ đáp ứng nhu cầu dùng nước của thành phố.
* Bảo vệ nguồn nước ngầm
Theo kết quả đề án “Điều tra, đánh giá mực nước dưới đất, khoanh định khu vực phải đăng ký công trình khai thác nước dưới đất trên địa bàn thành phố Đà Nẵng” năm 2016 - 2018 do Sở TN&MT thực hiện, trữ lượng tiềm năng nước dưới đất hiện nay khoảng 342.437m3/ngày đêm.Nguồn nước dưới đất tồn tại trong các tầng chứa nước lỗ hổng và tầng chứa nước khe nứt.
Cũng theo kết quả điều tra, trữ lượng nước dưới đất có thể khai thác được trên địa bàn thành phố khoảng 73.898m3/ngày đêm, chiếm 21,6% so với trữ lượng tiềm năng nước dưới đất. Từ kết quả cho thấy, trữ lượng nước ngầm hiện nay khá dồi dào. Công suất khai thác nước ngầm chiếm khoảng 1/4 trữ lượng hiện có.
“Xin hãy tắt vòi nước để sử dụng tiết kiệm nước” được gắn khắp các vòi tắm để tuyên truyền người dân, du khách chung tay bảo vệ nước ngầm.
Khi nguồn nước mặt đang đối mặt với nguy cơ suy giảm về số lượng, việc khai thác và sử dụng nguồn nước ngầm là vấn đề tất yếu.Sở TN&MT đã tham mưu UBND thành phố xây dựng các quy định về quản lý, bảo vệ tài nguyên nước phù hợp với thực tế và đáp ứng yêu cầu công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên nước trong giai đoạn hiện nay. Sở TN&MT cũng tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật về tài nguyên nước dưới đất và có chế tài xử phạt nghiêm khắc đối với các trường hợp khai thác nước ngầm không phép, quá mức quy định. Sở cũng phối hợp chặt chẽ với UBND các quận, huyện, xã, phường trong công tác cấp phép, thanh tra, kiểm tra và thu thuế, phí khai thác nước ngầm, thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải từ nguồn tự khai thác.
Cuối năm 2018, UBND thành phố đã ban hành Quyết định về việc phân cấp cho các địa phương đăng ký khai thác nước dưới đất đối với các giếng quy mô nhỏ. Với quyết định này, các giếng khoan với quy mô khai thác không quá 10m3/ngày đêm và chiều sâu giếng lớn hơn 20m phải thực hiện đăng ký đầy đủ.Sở TN&MT cũng vận động các đơn vị, doanh nghiệp thực hiện tái sử dụng nước thải để giảm thiểu khai thác nước ngầm.
* Xây hồ đập, nhà máy nước mới
Để đáp ứng nhu cầu sử dụng nước cho thành phố Đà Nẵng đến các năm 2020, 2025, 2030, 2035, tầm nhìn đến năm 2045 và giảm tỉ lệ phụ thuộc nguồn nước sông Vu Gia từ 30-40%, bên cạnh xây dựng thêm đập Nam Mỹ, hồ Sông Bắc và nhà máy nước (NMN) Hòa Liên, Hòa Trung, thành phố Đà Nẵng đang nghiên cứu xây dựng thêm các NMN khai thác nước thô từ đập Bàu Nít, hồ Đồng Nghệ…
Ngoài ra, thành phố Đà Nẵng cũng đang tính đến phát triển các nguồn nước khác; chỉ đạo các đơn vị khai thác và sử dụng hợp lý nguồn nước hiện có…
Nguồn:monre.gov.vn