Nam Định: Khó lấy nước đổ ải do xâm nhập mặn

2020.01.20 - 2151 lượt xem

Theo báo cáo của các Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi thuộc tỉnh Nam Định và công tác kiểm tra, rà soát thực địa của Sở NN-PTNT tỉnh thì tổng diện tích dự kiến sẽ bị khó khăn về nước tưới khoảng 23.980ha.

Ngày 17/1, tại Nam Định, Tổng cục Thủy lợi phối hợp với các cơ quan liên quan đã tổ chức kiểm tra tình hình chuẩn bị lấy nước phục vụ gieo cấy lúa Đông Xuân 2019-2020 của tỉnh Nam Định.
 

 

Đoàn tiến hành kiểm tra tình hình chuẩn bị lấy nước phục vụ gieo cấy lúa Đông Xuân tại huyện Vụ Bản.

Tại buổi làm việc, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Nam Định Trần Đức Việt cho biết: Căn cứ lịch thời vụ của các địa phương, các Công ty TNHH MTV KTCTTL đã xây dựng kế hoạch lấy nước phù hợp với các đợt xả nước hồ thủy điện. Đồng thời để chủ động lấy nước và tiết kiệm nước trong các đợt xả hồ chứa, Sở đã chỉ đạo các Công ty KTCTTL trong tỉnh và các địa phương tranh thủ triều cường lấy nước trước đợt xả hồ chứa 2 đợt (đợt 1 từ ngày 23/12/2019 đến ngày 01/01/2020 lấy nước vào để thay tháo nước trong hệ thống kênh mương, thau chua, rửa mặn đợt 2 từ ngày 08/1 đến 18/1/2020).

Từ sau 18/01/2020 sẽ tập trung lấy nước làm đất, gieo cấy trong 2 đợt xả nước đầu; đợt xả nước thứ 3 sẽ lấy nước để phục vụ tưới dưỡng và nhập nước sông chìm để dự trữ nguồn nước.

Cũng theo ông Việt, trên địa bàn tỉnh có 4 con sông chính là sông Hồng, sông Đào, sông Đáy và sông Ninh Cơ với nguồn nước tương đối dồi dào, tuy nhiên do ảnh hưởng của thủy triều nên vào mùa kiệt hàng năm mặn thường xâm nhập sâu vào cửa sông gây khó khăn cho công tác lấy nước phục vụ sản xuất gieo cấy, đặc biệt năm 2010 mặn đã xâm nhập sâu tới ngã ba sông Ninh Cơ – Sông Hồng tại Mom Rô gây ra tình trạng hạn hán nghiêm trọng.

Và từ năm 2010 tới năm nay mới xuất hiện lại tình trạng nhiễm mặn này. Theo báo cáo của các Công ty TNHH MTV KTCTTL thuộc tỉnh và kiểm tra, rà soát thực địa của Sở thì tổng diện tích dự kiến sẽ bị khó khăn về nước tưới là khoảng 23.980ha.

Đại diện các Cty TNHH MTV KTCTTL Nam Ninh, Xuân Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng đều cho biết: Vụ Đông Xuân năm 2019-2020 mặn xâm nhập sâu hơn vụ Đông Xuân năm 2018-2019 gây rất nhiều khó khăn cho công tác lấy nước. Trên triền sông Hồng mặn lên tới qua cống Số 7 (cách biển 28km, gần ngã ba sông Ninh Cơ- sông Hồng và đây là cống xa biển nhất của hệ thống thủy nông Xuân Thủy trên triền sông Hồng) với độ mặn lớn nhất đo được ngày 13/01 là 3,75 ‰, vượt ngưỡng cho phép lấy vào trong đồng là 2,75 ‰; đã có thời gian mặn xâm nhập qua Mon Rô xuống triền sông Ninh Cơ.

Trên triền sông Ninh Cơ mặn lên tới cống Trệ (cách biển 29km) với độ mặn lớn nhất đo được ngày 14/01 là 3 ‰, vượt ngưỡng cho phép lấy vào trong đồng là 2 ‰, Trên triền sông Đáy mặn lên tới cống Tam Tòa (cách biển 35km) với độ mặn lớn nhất đo được vào ngày 14/01 là 2 ‰, vượt ngưỡng cho phép lấy vào trong đồng là 1‰.

Do mặn xâm nhập sâu như vậy nên số cống có thể mở lấy nước và số giờ mở cống lấy nước bình quân rất thấp, có cống chỉ tranh thủ mở lấy nước được từ 15-30 phút. Hơn nữa thời điểm có thể mở lấy nước được hầu hết là thời điểm mực nước triều còn thấp do đó hiệu quả lấy nước không cao, các đơn vị, địa phương phải tổ chức bơm tát mới lấy được nước vào ruộng.

Tính đến hết ngày 16/01, tổng diện tích có nước trên địa bàn tỉnh Nam Định đạt 39,9% diện tích gieo cấy. Trong đó, các đơn vị có tiến độ lấy nước nhanh như huyện Trực Ninh đạt 80%, huyện Hải Hậu đạt 82,2%. Và khó khăn nhất nhất trong việc lấy nước là tại huyện Xuân Thủy và Nghĩa Hưng.

 

Do mặn xâm nhập sâu như vậy nên số cống có thể mở lấy nước và số giờ mở cống lấy nước bình quân rất thấp, có cống chỉ tranh thủ mở lấy nước được từ 15-30 phút.

 Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi Nguyễn Văn Tỉnh nhận định: “Năm nay là năm đặc biệt khó khăn trong việc lấy nước cho vụ Đông Xuân của khu vực Trung du và Đồng bằng sông Hồng. Đặc biệt, mực nước tại Hà Nội qua tính toán sẽ không đạt được từ 2,2m trở lên.

Chính vì vậy, chúng tôi đã bàn rất kỹ với Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các đơn vị liên quan, các địa phương để xây dựng một kế hoạch lấy nước phù hợp.

 

Chúng tôi đã xây dựng kịch bản 3 đợt lấy nước, trong đó thì các đợt có mực nước thấp hơn nhiều so với những năm trước. Tuy nhiên, các đợt đều tính toán để đảm bảo các địa phương đều có thể lấy được nước”.

 

Qua kiểm tra công tác chỉ đạo tại Nam Định, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi đánh giá tỉnh là địa phương rất tích cực và chủ động trong công tác chuẩn bị lấy nước gieo cấy.

 

Nhưng trước những diễn biến của thời tiết khí hậu, đặc biệt là việc thiếu nước bao nhiêu năm nay, Tổng cục trưởng đề nghị các địa phương chỉ đạo thật sự quyết liệt, tổ chức lấy nước ngay khi mà có điều kiện để chúng ta tích trữ vào những vùng trũng, ao đầm và hệ thống kênh mương. Đồng thời, có biện pháp đưa nước lên ruộng, cày bừa thật kỹ để đảm bảo giữ được nước không bị thấm ở trên ruộng.

 

Cùng đó, tiếp tục rà soát hệ thống các công trình thủy lợi đặc biệt là những phần về thiết bị cơ khí và các hệ thống về cửa van, nếu mà có hư hỏng cần tu sửa ngay. Và cần tiếp tục lắp đặt thêm các trạm bơm dã chiến ở những vùng không đảm bảo lấy nước chủ động ở những công trình chính. Tiến hành nạo, vét hệ thống kênh, mượng, các cửa lấy nước, rà soát lại tất cả vị trí có thể xảy ra ách tắc dòng chảy.

 

Các địa phương cũng cần tiến hành khơi thông để khi mà nước về thì dòng chảy sẽ đảm bảo được thông thoáng để đưa lên ruộng. Phải tiết kiệm được lượng nước để mà phục vụ phát điện trong thời gian tới. Hướng tới mục đích cuối cùng là đảm bảo 100% diện tích đủ nước gieo cấy trong khung thời vụ tốt nhất.

 
Nguồn: nongnghiep.vn