Thủ tướng đốc thúc triển khai hiệu quả hơn Nghị quyết ‘thuận thiên’

2019.02.25 - 787 lượt xem

Sau hơn một năm triển khai thực hiện Nghị quyết về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu theo tinh thần “thuận thiên” là chính với tư duy đột phá, dự kiến Thủ tướng sẽ ban hành Chương trình hành động tổng thể thực hiện Nghị quyết này.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm các cánh đồng mẫu, trồng các giống lúa mới của một trung tâm nghiên cứu nông nghiệp tại An Giang, ngày 14/3/2017. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

 

Chiều 19/2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nghe các Bộ, cơ quan liên quan báo cáo về công tác chuẩn bị sơ kết Nghị quyết 120 ngày 17/11/2017 của Chính phủ về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu.

Điều này tiếp tục cho thấy sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ và Người đứng đầu Chính phủ với vùng đất đầy tiềm năng nhưng phát triển chưa tương xứng này. Ngay trước đó, cũng trong chiều 19/2, Thủ tướng đã có cuộc họp về thu mua tạm trữ gạo tại ĐBSCL, trước tình hình giá gạo khu vực này sụt giảm trong thời gian qua.

Cách đây hơn một năm, Nghị quyết 120 được Chính phủ ban hành sau Hội nghị quy mô lớn về chuyển đổi mô hình phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu với tầm nhìn tới năm 2100, diễn ra cuối tháng 9/2017 tại Cần Thơ.

Khi đó, hàng loạt yêu cầu đã được Thủ tướng đặt ra với Hội nghị này, như phải đưa ra được quyết sách mới, có tính hệ thống, chiến lược, đột phá về quan điểm phát triển, định hướng ưu tiên, quy hoạch phân vùng lãnh thổ, đề xuất được các cơ chế chính sách phù hợp để huy động sự tham gia của các bên.

Hội nghị được tổ chức trong bối cảnh nhiều thách thức  ngày càng gay gắt, ảnh hưởng đến sự phát triển của ĐBSCL đòi hỏi cần có nghiên cứu, đánh giá một cách toàn diện, khoa học, biện chứng để có định hướng chiến lược tổng thể, lâu dài, những giải pháp đồng bộ, cấp bách, những cơ chế, chính sách mới mang tính đột phá với phương châm “giữ đất, giữ nước, giữ người”, chuyển hóa các thách thức, tận dụng cơ hội để phát triển nhanh và bền vững.

Kết quả, Nghị quyết số 120/NQ-CP đã đưa ra định hướng chiến lược phát triển ĐBSCL theo hướng tiếp cận tổng thể, tích hợp phát triển kinh tế - xã hội toàn vùng với tầm nhìn dài hạn; tăng cường hợp tác liên kết phát triển giữa các địa phương trong vùng có sự điều phối thống nhất, bảo đảm tính liên vùng, liên ngành, có trọng tâm, trọng điểm.

Như quan điểm được Thủ tướng nhấn mạnh là ĐBSCL phải phát triển theo hướng “thuận thiên” là chính, tôn trọng quy luật tự nhiên, phù hợp với điều kiện thực tế, tránh can thiệp thô bạo vào tự nhiên, Nghị quyết 120 đã thực sự tạo ra bước đột phá về đổi mới tư duy tiếp cận trong phát triển ĐBSCL.

Theo tổng hợp của Bộ Tài nguyên và Môi trường, sau hơn một năm triển khai thực hiện Nghị quyết, các Bộ, ngành và các địa phương trong vùng đã xây dựng và ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP, đồng thời đã tích cực triển khai các nhiệm vụ, giải pháp.

Kế hoạch bố trí khoảng 18.000 tỷ đồng thực hiện Nghị quyết

Cụ thể, đẩy nhanh tiến độ xây dựng và ban hành một số cơ chế chính sách đột phá như khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn (Nghị định số 57/2018/NĐ-CP); khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp (Nghị định số 98/2018/NĐ-CP)…

Triển khai xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo hướng tích hợp thống nhất các quy hoạch ngành, địa phương và sản phẩm chủ lực nhằm phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế so sánh của vùng, biến thách thức thành cơ hội trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, đáp ứng các mục tiêu phát triển đồng bộ kinh tế, xã hội và môi trường.

Cùng với đó, xây dựng các phương án quy hoạch sử dụng đất, tài nguyên nước, giao thông vận tải vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu; Quy hoạch thủy lợi phòng chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vùng ĐBSCL theo hướng chuyển từ “sống chung với lũ” sang “chủ động sống chung với lũ, ngập, nước lợ, nước mặn” và khai thác hợp lý tiềm năng tài nguyên nước lợ, nước mặn ở vùng ven biển phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Đến nay, đã hình thành được các vùng sinh thái nuôi tôm nước lợ, phát triển giống lúa có khả năng chịu mặn cao, phát triển giống cây ăn quả thích ứng với hạn hán, phát triển các giống cá nước ngọt chất lượng cao, phù hợp với đặc điểm của từng vùng sinh thái, đồng thời tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá, mở rộng, phát triển thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu đối với mặt hàng trọng điểm của vùng ĐBSCL.

Triển khai mô hình chuyển đổi nông nghiệp bền vững, theo hướng đảm bảo cơ cấu sản xuất thủy sản - cây ăn quả - lúa gắn với các tiểu vùng sinh thái và triển khai hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn các tỉnh như Long An, Bến Tre, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau đẩy mạnh ứng dụng máy móc thiết bị tiến tiến trong sản xuất các sản phẩm thuộc ngành nghề chế biến nông, thủy sản theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Các Bộ, ngành, các địa phương trong vùng đã bước đầu đề xuất, xây dựng, triển khai các dự án ưu tiên, có quy mô vùng, có tính lan tỏa và đảm bảo tính bền vững như Dự án chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững với sự tham gia trực tiếp của 9 tỉnh vùng ĐBSCL; Dự án Hệ thống thủy lợi sông Cái Lớn - Cái Bé, nhằm hạn chế nước biển dâng, kiểm soát mặn cho 05 tỉnh vùng ĐBSCL; Dự án hồ trữ lũ và cấp nước ngọt Trà Sư - Tri Tôn (một phần của khu vực trữ lũ của Tứ giác Long Xuyên) nhằm kiểm soát lũ vào mùa mưa, trữ nước trong mùa khô, phục vụ sinh hoạt và sản xuất, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất lúa, nuôi trồng thủy sản ở các địa phương thuộc tiểu vùng Tứ giác Long Xuyên.

Bên cạnh đó, quá trình thực hiện Nghị quyết 120 trong hơn một năm qua cũng bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc.

Theo đó, việc thực hiện tại một số cơ quan chưa thực sự đổi mới theo tinh thần Nghị quyết, vẫn còn trông chờ vào hướng dẫn và nguồn lực hỗ trợ từ trung ương. Cách tiếp cận dựa vào nội lực chưa được đề cao, chưa huy động được sự tham gia chủ động và rộng rãi của các tổ chức, doanh nghiệp, người dân.

Việc hoàn thiện thể chế, chính sách triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo Nghị quyết số 120/NQ-CP vẫn còn chậm, đặc biệt là các chính sách đẩy mạnh sự phát triển của các ngành, lĩnh vực then chốt tại ĐBSCL. Một số chính sách đã được ban hành nhưng chưa đi vào cuộc sống vì chưa đồng bộ với nguồn lực thực hiện.

Ngoài ra, xu thế hỗ trợ từ các nước phát triển chỉ tập trung cho các nước kém phát triển và các quốc đảo nhỏ, do đó hỗ trợ tài chính cho các hoạt động ứng phó với BĐKH ở các nước như Việt Nam sẽ giảm. Đây sẽ là thách thức lớn cho việc huy động nguồn lực quốc tế hỗ trợ cho ứng phó với biến đổi khí hậu tại ĐBSCL.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng về báo cáo xây dựng Chương trình hành động tổng thể thực hiện Nghị quyết số 120, đến nay Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các Bộ, ngành rà soát, hoàn thiện Chương trình theo hướng tinh gọn, tập trung vào các nhiệm vụ thực sự cần thiết, có tính khả thi cao để trình Thủ tướng Chính phủ.

 

Theo số liệu báo cáo của các cơ quan Trung ương và địa phương, đến nay đã có kế hoạch bố trí vốn khoảng 18.000 tỷ đồng để triển khai các chương trình, dự án, nhiệm vụ thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết./.

Nguồn: baochinhphu.vn