Bàn giao công trình đầu mối thủy lợi Cửa Đạt và kênh chính về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý

2019.02.14 - 1669 lượt xem

Hồ chứa nước Cửa Đạt là một trong những công trình thủy lợi - thủy điện lớn nhất nước, nằm ở xã Xuân Mỹ, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Trước kia UBND tỉnh Thanh Hóa mà trực tiếp là Công ty TNHH một thành viên Sông Chu trực tiếp quản lý công trình thủy lợi đầu mối Cửa Đạt. Từ ngày 01/02/2019, Bộ NN-PTNT tiếp nhận quản lý công trình đầu mối thủy lợi Cửa Đạt và kênh chính từ UBND Thanh Hóa.

Công trình hồ chứa nước Cửa Đạt

Công trình Hồ chứa nước Cửa Đạt được khởi công xây dựng từ 02/2/2004 và đến tháng 11/2010 bắt đầu đưa vào khai thác và sử dụng. Sau khi đi vào hoạt động được 2 năm, ngày 13/12/2012, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đã ra Quyết định số 3119/QĐ-BNN-TCCB bàn giao công trình thủy lợi đầu mối Cửa Đạt và Trung tâm quản lý, khai thác công trình thủy lợi Cửa Đạt cho UBND tỉnh Thanh Hóa quản lý. Ngày 26/12/2012 Bộ NN&PTNT đã tổ chức bàn giao cho UBND tỉnh Thanh Hóa tiếp nhận quản lý. Ngày 20/12/2012 UBND tỉnh đã ra Quyết định 4333/QĐ-UBND giao cho Công ty TNHH một thành viên Sông Chu (Cty Sông Chu) trực tiếp quản lý.

Ngày 24/12/2018, Bộ NN&PTNT có công văn số 10030/BNN-TCTL và ngày 28/12/2018 UBND tỉnh Thanh Hóa có công văn số 16474/UBND-NN về việc phân cấp quản lý, khai thác công trình đầu mối thủy lợi Cửa Đạt.

Ngày 24/01/2019, tại thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa, Bộ NN&PTNT và UBND tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức bàn giao công trình đầu mối thủy lợi Cửa Đạt và kênh chính từ UBND tỉnh Thanh Hóa về Bộ NN&PTNT quản lý. Sau khi tiếp nhận công trình, ngày 30/01/2019, Bộ NN&PTNT đã ban hành Quyết định số 450/QĐ-BNN-TCCB giao nhiệm vụ quản lý, khai thác công trình đầu mối và kênh chính thuộc hệ thống thủy lợi Cửa Đạt.

Theo đó, Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 3 thực hiện nhiệm vụ quản lý, khai thác công trình đầu mối và kênh chính Cửa Đạt để cung ứng sản phẩm, dịch vụ thủy lợi phục vụ sản xuất, dân sinh đến khi hoàn thành thủ tục thành lập, bàn giao cho tổ chức quản lý, khai thác công trình theo quy định của Luật Thủy lợi và pháp luật có liên quan.

Tổng cục Thủy lợi thực hiện nhiệm vụ Chủ quản lý công trình theo quy định của Luật Thủy lợi. Tổng cục có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 3: Quản lý, khai thác công trình đầu mối và kênh chính Cửa Đạt phát huy nhiệm vụ thiết kế công trình, đảm bảo an toàn; xây dựng dự toán kinh phí cho công tác quản lý, khai thác, vận hành đảm bảo an toàn; xây dựng phương án giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi trình Bộ NN&PTNT theo quy định.

Vụ Tài chính, Vụ Kế hoạch, Vụ Tổ chức cán bộ, Cục Quản lý xây dựng công trình căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao hướng dẫn, kiểm tra Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 3 thực hiện nhiệm vụ quản lý, khai thác công trình theo quy định của pháp luật.

Vụ Quản lý doanh nghiệp chủ trì, phối hợp Vụ Tổ chức cán bộ, Tổng cục Thủy lợi hướng dẫn Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 3 xây dựng đề án thành lập doanh nghiệp quản lý khai thác công trình thủy lợi Cửa Đạt/Tổ chức quản lý, khai thác công trình thủy lợi Cửa Đạt; hoàn thiện hồ sơ, trình Bộ trưởng báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định của Luật Thủy lợi và pháp luật liên quan.

Các tổ chức sử dụng sản phẩm, dịch vụ thủy lợi từ hồ chứa nước Cửa Đạt: Tuân thủ các quy định pháp luật về quản lý an toàn công trình, đập, hồ chứa nước; ký hợp đồng và chi trả tiền sử dụng dịch vụ thủy lợi với Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 3 và các quy định của pháp luật hiện hành.

Công trình Hồ chứa nước Cửa Đạt đã được khởi công xây dựng từ 02/2/2004 và đến tháng 11/2010 bắt đầu đưa vào khai thác và sử dụng. Công trình được xây dựng trên thượng nguồn sông Chu – cách đập Bái Thượng khoảng 17km với dung tích 1,5 tỉ mét khối nước, tạo nguồn nước tưới ổn định cho 86.862 ha đất canh tác, cấp nước công nghiệp và sinh hoạt cho 7 huyện miền Thanh Hóa, kết hợp phát điện với công suất 97MW bổ sung nguồn cung cấp cho lưới điện quốc gia trung bình khoảng 430 triệu kWh mỗi năm. Đồng thời công trình còn có nhiệm vụ bổ sung nước mùa kiệt cho hạ lưu sông Mã để đẩy mặn, cải tạo môi trường sinh thái, cắt giảm lũ cho vùng hạ du với tần suất P= 1%.

Cụm công trình đầu mối Cửa Đạt gồm các hạng mục quan trọng: Đập chính, Tràn xả lũ, Tuy nen TN2, các Đập phụ Hón Can, Dốc Cáy và Bản Trác.

Đập chính là đập đá đổ bê tông bản mặt lớn nhất ở Việt Nam với chiều dài gần 1km, chiều cao 118,5m.

Tràn xả lũ có 5 cửa xả có kích thước (11×17)m, chiều rộng thông thủy 55m, xả lũ với tần suất P=0,1% là 8200m3/s.

Nhà máy thủy điện có Tuynen lấy nước dài 620m, đường kính 7,5m. Khu đập phụ Dốc Cáy: cách khu đầu mối đập chính 20km, gồm có đập đất cao trình đỉnh đập là +122,30m; chiều dài đập 220,4 m; kênh dẫn bằng bê tông dài 1,4km. Tuynen lấy nước có đường kính 3m, dài 505,4m bao gồm cả đoạn chuyển tiếp và kênh hở. Khu đập phụ Hón Can cách khu đầu mối 18km, là đập đất, cao trình đỉnh đập là +122,50m, chiều dài đập 357m./. 

Nguồn: tongcucthuyloi.gov.vn