2019.01.07 - 852 lượt xem
Đợt áp thấp kết hợp với không khí lạnh tăng cường mạnh, mưa lớn ở các tỉnh Nam Trung bộ đã nhấn chìm hàng vạn ha lúa ĐX mới gieo sạ, không thể phục hồi.
Nông dân Phú Yên than vãn nhiều diện tích lúa sạ đi sạ lại nhiều lần |
Ghi nhận PV từ chiều 2/1 đến ngày 3/1, tại các tỉnh miền Trung, mưa bắt đầu giảm, nông dân đồng loạt ra đồng thực hiện tiêu úng, chuẩn bị gieo sạ lại lần 2, thậm chí lần 3, vì nhiều diện tích lúa ĐX 2018-2019 mới gieo sạ đã bị những cơn mưa kéo dài vừa qua gây ngập lụt trôi giống, hư hại không thể phục hồi.
Theo Chi cục Trồng trọt - BVTV Phú Yên, đợt mưa lũ này đã gây thiệt hại lớn về sản xuất trên địa bàn tỉnh Phú Yên, với hàng ngàn hecta lúa, rau màu, hoa... bị hư hại nghiêm trọng. Đặc biệt, đợt mưa này lại trùng thời điểm khung thời vụ sản xuất vụ ĐX nên đã có 7.831 ha/26.500 ha lúa ĐX bị thiệt hại, trong đó 5.059 ha bị thiệt hại trên 70% và hơn 811 ha bị thiệt hại từ 30-70%. Bên cạnh đó, lúa giống đã ngâm ủ chưa gieo sạ là 2.119 ha, tương ứng 339 tấn lúa giống không thể gieo sạ được.
Tại Khánh Hòa, bà Lương Kim Ngân, Chi cục phó Chi cục BVTV cho biết, hiện chưa thống kê hết thiệt hại sản xuất nông nghiệp trong đợt mưa lũ này. Tuy nhiên ước tính ban đầu có khoảng 3.680 ha lúa, trong đó 1.770 ha lúa vụ mùa bị đổ ngã giai đoạn sắp thu hoạch và gần 2.000 ha lúa ĐX bị ảnh hưởng tập trung chủ yếu tại các huyện Diên Khánh, Cam Lâm và TP Nha Trang... Trong đó, 825 ha lúa phải gieo sạ lại do bị trôi giống và hư hỏng do ngập úng.
Tại Bình Định, toàn tỉnh có 11.310 ha lúa ĐX mới gieo sạ bị ngập nước, nhiều diện tích nguy cơ hư hỏng giống. Trước tình hình này, ngành nông nghiệp Bình Định đang khẩn trương hỗ trợ giống cho nông dân tái sản xuất.
Theo ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, trong số diện tích lúa bị ngập nước nói trên, nguy cơ mất giống chỉ xảy ra đối với chân ruộng SX 2 vụ/năm, vì những diện tích này mới được gieo sạ chỉ vài ba ngày và chân ruộng này hầu hết nằm ở vùng trũng, còn chân ruộng 3 vụ đều nằm ở những vùng cao, lại đã gieo sạ được 10 – 15 ngày rồi, cây mạ đã lớn, ít có nguy cơ hư hỏng.
Nhiều cánh đồng lúa ở miền Trung vẫn đang ngập trắng xóa |
Sau khi nước lũ rút, Sở NN-PTNT đã tích cực phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố kiểm tra những diện tích ruộng bị ngập, chỉ đạo các địa phương chủ động mua lúa giống hỗ trợ kịp thời cho nông dân tái SX. “Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm không để nông dân thiếu lúa giống, lúa giống phải đảm bảo chất lượng và đúng với cơ cấu của tỉnh, đặc biệt không để nông dân dùng lúa thịt để gieo sạ, nước rút đến đâu phải vận động nông dân gieo sạ lại đến đó”, ông Hổ nói...
Tại Phú Yên, ông Nguyễn Trọng Tùng, GĐ Sở NN-PTNT cho biết đã có văn bản hướng dẫn các địa phương theo dõi tình hình diễn biến thời tiết, dịch thời vụ để tránh đợt mưa này, nhằm giảm thiệt hại thấp nhất. Đồng thời Sở cũng đã chỉ đạo các địa phương rà soát những diện tích đã sản xuất, ngâm ủ giống bị hư hại, chủ động xuất quỹ dự phòng mua giống hỗ trợ bà con. Bên cạnh đó, đề xuất Bộ NN-PTNT xem xét hỗ trợ Phú Yên hơn 100 tấn giống.
Khuyến cáo Trước tình hình mưa lũ trái mùa, giải pháp khắc phục, đối với diện tích lúa mới gieo sạ, nông dân kiểm tra ruộng có số bụi trên 25 bụi/m2 thì không nên phá bỏ để gieo sạ lại mà tiếp tục chăm sóc. Đối với diện tích lúa chưa gieo sạ, khắc phục sa bồi, thủy phá và tiến hành gieo sạ xong trước ngày 10/1. Trước mắt địa phương chủ động hướng dẫn nông dân liên hệ một số nơi cung úng giống lúa phù hợp để khắc phục thiệt hại, sử dụng giống ngắn ngày và tập trung gieo sạ đồng loạt. Với rau màu, trong thời gian chờ kết thúc mưa, làm đất gieo ươm cây con trong khay, bầu hoặc ở những nơi cao ráo nhằm rút ngắn thời gian sinh trưởng của cây rau ngoài đồng ruộng. (Ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT Phú Yên) |
Nguồn: nongnghiep.vn