2019.01.07 - 902 lượt xem
Nguồn tài nguyên nước ngầm trước đây dồi dào, hiện đứng trước nguy cơ cạn kiệt, suy thoái. Làm thế nào để giải quyết thực trạng này? Trách nhiệm nặng nề đặt lên vai cơ quan quản lý tài nguyên nước - Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ TN&MT).
Xây dựng hệ thống văn bản pháp luật đủ mạnh
Năm 2018, Cục Quản lý tài nguyên nước đã quán triệt, tập trung theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Bộ, Cục đã chủ động trả lời kiến nghị của các Bộ, ngành địa phương, giải quyết các thủ tục hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước; chỉ đạo giải quyết và phân công nhiệm vụ cụ thể đến từng đơn vị, cán bộ trong công tác chỉ đạo điều hành, tập trung vào những vấn đề trọng tâm, trọng điểm như: Xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, kiểm tra, cấp phép thăm dò, khai thác, sử dụng và xả nước thải vào nguồn nước…
Đối với các Đề án trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Cục đã triển khai, cố gắng bám sát thời hạn đã đăng ký, bảo đảm tiến độ, chất lượng. Cụ thể là: Cục Quản lý tài nguyên nước được giao 12 nhiệm vụ công tác, trong đó, xây dựng 1 Nghị định, 2 Thông tư và 3 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Đến nay, Cục đã hoàn thiện Nghị định quy định việc hạn chế khai thác nước dưới đất và ngày 29/6/2018, đã trình Bộ trình Chính phủ Dự thảo Nghị định theo đúng tiến độ quy định. Bộ TN&MT đã hoàn thiện Dự thảo theo ý kiến của các thành viên Chính phủ. Cục đã hoàn thiện Thông tư quy định nội dung, biểu mẫu, báo cáo trong lĩnh vực tài nguyên nước, Thông tư quy định về điều tra, đánh giá tài nguyên nước dưới đất, 3 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Quy trình vận hành liên hồ chứa trên các lưu vực sông Ba, Kôn - Hà Thanh, Trà Khúc đã được Cục trình Bộ trình Chính phủ đúng thời hạn và đã được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành.
Các nhiệm vụ khác đã được Cục tích cực triển khai: Cục phối hợp với Vụ Pháp chế để hoàn thành việc triển khai xây dựng các nội dung của lĩnh vực tài nguyên nước trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch. Cục phối hợp với Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam xây dựng Nghị định quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông bảo vệ lòng bờ bãi sông. Quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước toàn quốc. Quy hoạch tài nguyên nước chung cả nước đến năm 2025, định hướng đến năm 2035: Cục đang thực hiện rà soát, thu thập quy hoạch tài nguyên nước của các Bộ, ngành, địa phương phục vụ việc xây dựng quy hoạch tài nguyên nước chung của cả nước đến năm 2025, định hướng đến năm 2035.
Cục Quản lý Tài nguyên nước hiện đang triển khai thực hiện Dự án "Xây dựng hệ thống quan trắc, giám sát nguồn nước xuyên biên giới - giai đoạn 1: Xây dựng hệ thống quan trắc, giám sát nguồn nước xuyên biên giới Việt Nam - Trung Quốc”. Dự án đang vào giai đoạn cuối chuẩn bị bàn giao và đi vào vận hành 7 trạm quan trắc tài nguyên nước mặt trong Quyết định số 90/QĐ-TTg gồm: Bình Nghi, Phục Hòa, Ngọc Côn, Thanh Thủy, Tả Gia Khâu, Ma Ly Pho; Ka Lăng (Pắc Ma).
Đẩy mạnh quản lý ở địa phương
Ông Hoàng Văn Bẩy - Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước cho biết: Trong năm 2018, Sở TN&MT các tỉnh, thành phố cũng đã tích cực tham mưu cho UBND cấp tỉnh ban hành 73 văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo điều hành để tăng cường công tác quản lý tài nguyên nước trên địa bàn, chủ yếu phê duyệt danh mục nguồn nước nội tỉnh; danh mục nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ trên địa bàn tỉnh; phê duyệt vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất và danh mục các khu vực phải đăng ký khai thác nước dưới đất; công tác quy hoạch tài nguyên nước; cấp phép, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước và bảo vệ nước dưới đất; phê duyệt danh mục hành lang bảo vệ nguồn nước trên địa bàn tỉnh,...
Cán bộ Trung tâm Quan trắc lấy mẫu nước
Các Sở TN&MT đã tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện có hiệu quả công tác cấp phép tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh theo thẩm quyền. Thống kê sơ bộ, năm 2018, các địa phương đã cấp được 2.921 Giấy phép tài nguyên nước các loại (trong đó: cấp mới 80%; gia hạn, điều chỉnh 20%), trong đó, cấp phép xả nước thải vào nguồn nước 1.194 Giấy phép (chiếm 40,8%), khai thác sử dụng nước mặt 180 Giấy phép (chiếm 6,1%), thăm dò nước dưới đất 196 Giấy phép (chiếm 6,7%), khai thác sử dụng nước dưới đất 756 Giấy phép (chiếm 25,8%), hành nghề khoan nước dưới đất 26 Giấy phép (chiếm 0,89%).
Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tài nguyên nước đã được đẩy mạnh để nâng cao nhận thức của người dân. 85% các Sở TN&MT trong cả nước đã tổ chức Hội nghị phổ biến, tuyên truyền pháp luật về tài nguyên nước; tổ chức tập huấn nghiệp vụ quản lý Nhà nước về tài nguyên nước....
Theo số liệu thống kê, có tổng số 273 đoàn thanh tra, kiểm tra đối với 1.829 cơ sở. Tổng số tiền phạt thu về cho ngân sách nhà nước gần 6.618 triệu đồng. Một số địa phương đã triển khai thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra như: TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Hưng Yên, Yên Bái, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Sóc Trăng.
Ông Châu Trần Vĩnh - Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước cho hay: Việc thực hiện tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước đã đạt được kết quả cao. Tính đến ngày 15/12/2018, đã có 48 tỉnh thực hiện phê duyệt tiền cấp quyền tính tiền khai thác tài nguyên nước đối với tổng số 2.000 chủ giấy phép, với tổng số tiền phải thu là 1.666 tỷ đồng, trong đó, năm 2017, đã thu được số tiền là 51.998 tỷ đồng, số tiền dự kiến thu trong năm 2018 là 335.839 tỷ đồng. Các địa phương còn lại đang thực hiện hướng dẫn các tổ chức, cá nhân để tiến hành kê khai tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, một số địa phương đã tổng hợp tổ chức cá nhân phải nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước để trình UBND tỉnh phê duyệt.
Về kết quả phê duyệt danh mục hành lang bảo vệ tài nguyên nước: Theo số liệu thống kê, năm 2018, cả nước có 21 tỉnh, thành phố đã thực hiện xây dựng danh mục hành lang bảo vệ tài nguyên nước, trong đó, 15 tỉnh đã được UBND tỉnh phê duyệt danh mục hành lang bảo vệ tài nguyên nước (TP. Hải Phòng, Bắc Ninh, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Điện Biên, Sơn La, Thanh Hóa, Quảng Nam, Khánh Hòa, Gia Lai, Tây Ninh, Tiền Giang, Đồng Tháp và Bạc Liêu); 3 tỉnh đã xây dựng và hoàn thiện đang trình UBND tỉnh phê duyệt (Bình Thuận, Yên Bái và Đắk Lắk); 2 tỉnh đang xây dựng Đề cương (Cần Thơ, Sóc Trăng).
Nguồn: monre.gov.vn