Quản lý nguồn thải vào hệ thống thủy lợi Bắc Đuống

2018.12.20 - 843 lượt xem

Trước tình hình ô nhiễm trên hệ thống thủy lợi Bắc Đuống ngày càng có diễn biến bất lợi, đồng thời thực hiện nhiệm vụ của Tổng cục Thủy lợi, Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường đã tiến hành điều tra đánh giá các hiện trạng các nguồn thải trước khi xả vào hệ thống.

Từ đó, Viện đưa đề xuất một số giải pháp để giảm thiểu ô nhiễm nước trong hệ thống Bắc Đuống nhằm phục vụ sản xuất nông nghiệp bền vững…

Tình trạng ô nhiễm trên sông Ngũ Huyện Khê tại cống Đặng Xá

 

ThS Vũ Quốc Chính, Chủ nhiệm nhiệm vụ “Giám sát, dự báo chất lượng nước trong hệ thống công trình thủy lợi Bắc Đuống, phục vụ lấy nước sản xuất nông nghiệp” của Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường cho biết: Sau quá trình điều tra đánh giá các hiện trạng các nguồn thải trước khi xả vào hệ thống, chúng tôi đã đề xuất một số giải pháp để giảm thiểu ô nhiễm nước trong hệ thống Bắc Đuống phục vụ sản xuất nông nghiệp bền vững.

Đầu tiên là phải có giải pháp về quản lý các nguồn xả thải. Chúng ta cần thực hiện khoanh vùng cấm xả thải, vùng ô nhiễm đối với hệ thống thủy lợi Bắc Đuống. Tiếp đó, tăng cường quản lý nguồn thải và cấp phép xả thải vào hệ thống thủy lợi, thực hiện các biện pháp chế tài đối với chủ nguồn thải gây ô nhiễm môi trường. Tăng cường cán bộ chuyên môn kiểm tra, giám sát ô nhiễm nước trong hệ thống thủy lợi Bắc Đuống.

Bên cạnh giải pháp xử lý các nguồn thải đạt TCCP trước khi xả vào sông thì cần phải có biện pháp nạo vét dòng sông để khơi thông dòng chảy cũng là một biện pháp để giảm thiểu ô nhiễm nước sông. Cty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi Bắc Đuống, Cty thủy nông cấp tỉnh, XN thủy nông cấp huyện hàng năm cần xây dựng kế hoạch nạo vét dòng chảy, duy tu, bảo dưỡng các công trình trên kênh.

Cần tập trung vào cải tạo dòng chảy cải thiện chất lượng nước hạ lưu sông Ngũ Huyện Khê. Cùng đó, để giảm thiểu ô nhiễm nước tại hạ lưu sông Ngũ Huyện Khê vào mùa khô cần thiết phải xây dựng qui trình xả nước hạ lưu từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau. Khi nước chân triều sông Cầu thấp, tháo nước sông Ngũ Huyện Khê qua cống Đặng Xá. Tháo một phần hoặc tháo hết sau đó đóng cống Đặng Xá lại. Trạm bơm Yên Hậu, Lương Tân hoạt động để bơm tưới cho khu vực Yên Phong, nước tràn về kênh tiêu đường 16, mở cống 3 cửa để nước chảy sang hạ lưu sông Ngũ Huyện Khê.

Ngoài ra, cần tính toán lại chiều cao đập để khi xả nước hồ thượng nguồn, nước sông Thiềp tràn về khi mở cống Cổ Loa hoặc có mưa sớm vào tháng 3, 4, nước tràn qua đập để có thể cải tạo dòng chảy cải thiện nguồn nước tại hạ lưu sông Ngũ Huyện Khê.

Công tác lấy mẫu tại một trong những điểm ô nhiễm do nước thải làng nghề trên hệ thống

Còn đối với trạm bơm Vũ Ninh có nhiệm vụ tưới tiêu cho 200ha đất canh tác và tiêu thoát nước đô thị thành phố Bắc Ninh. Những năm gần đây, nước tại trạm bơm Vũ Ninh thường xuyên ô nhiễm trầm trong vào mùa khô, để đảm bảo chất lượng nguồn nước tưới cho khu vực thành phố Bắc Ninh, đề nghị nâng cấp trạm bơm Tri Phương để tạo nguồn nước chảy về kênh Kim Đôi nhằm làm giảm ô nhiễm do nước thải TP. Bắc Ninh, trạm bơm Vũ Ninh bơm cấp nước tưới cho khu vực, đồng thời sẽ đủ nước để tưới cho toàn bộ diện tích phía kênh chính Nam và huyện Tiên Du.

Bên cạnh đó, cần tiến hành nâng cấp trạm bơm Gò Sành lấy nước sông Cầu thay nhiệm vụ tưới cho trạm bơm Xuân Viên. Chất lượng nước sông Cầu tốt hơn nhiều so với chất lượng nước sông Ngũ Huyện Khê và nguồn nước lấy từ sông trục ngoài cũng dồi dào hơn so với nguồn nước sông trục nội đồng nên việc nâng cấp trạm bơm Gò Sành là hoàn toàn phù hợp với thực tế hiện nay.

ThS Vũ Quốc Chính cho biết thêm: Để giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước trong hệ thống, vào mùa khô cần rút nước, kiểm tra, tu sửa, nạo vét cửa cống và kênh dẫn cũng như thay nước nhằm giảm thiểu ô nhiễm. Đi đôi với việc rút nước cần phải bảo đảm đủ nước để tưới cho mạ vụ chiêm, cây vụ đông và giao thông thủy, tạo dòng chảy duy trì môi trường. Cụ thể việc vận hành đối với từng nguồn nước như sau: Đối với nguồn nước sông Đuống, đây là nguồn cấp nước chủ yếu cho hệ thống. Những năm gần đây mực nước trên sông Đuống hạ thấp vào mùa kiệt, gặp rất nhiều khó khăn cho các trạm bơm vận hành, đặc biệt vào thời kỳ đổ ải.

Kết quả khảo sát cũng cho thấy, chính quyền địa phương cũng đã có những chính sách mạnh mẽ, quyết liệt trong việc giải quyết các vấn đề môi trường trên địa bàn, góp phần cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường chung, trong đó có bảo vệ và cải thiện nguồn nước trong hệ thống CTTL Bắc Đuống”, PGS.TS Nguyễn Tùng Phong, Phó giám đốc Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam thông tin. 


Nguồn: nongnghiep.vn