2018.11.01 - 859 lượt xem
Ngày 16/10, tại thành phố Vinh, Bộ NN-PTNT phối hợp cùng UBND tỉnh Nghệ An tổ chức hội nghị trao đổi kinh nghiệm phát động phong trào toàn dân ra quân làm Thủy lợi. Đây cũng là dịp nhìn nhận, đánh giá vai trò của thủy lợi trong nhiệm vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp hiện nay.
Nhìn lại chặng đường oanh liệt, vẻ vang trong bão dông và lửa đạn qua hai cuộc kháng chiến, với nhiều quyết sách quan trọng phù hợp bối cảnh Thủy lợi thời chiến. Ngành Thủy lợi Nghệ An đã đảm trách tốt vai trò phục vụ sản xuất nông nghiệp, đảm bảo tự túc lương thực và hậu cần mọi mặt cho kháng chiến thắng lợi.
Đất nước thống nhất, được sự quan tâm to lớn của Trung ương, của Bộ Thủy lợi trước đây và nay là Bộ NN-PTNT và các bộ, ngành liên quan, Đảng bộ và nhân dân Nghệ An đã tập trung cao độ cho đầu tư phát triển thủy lợi. Đến nay Nghệ An đã có được cơ sở vật chất kỹ thuật thủy lợi đồ sộ, trải khắp mọi miền trong tỉnh, phục vụ tốt sản xuất nông nghiệp nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội nói chung của tỉnh.
Quá trình thực hiện công cuộc đổi mới, Đảng và Nhà nước có nhiều chủ trương, chính sách phát triển nông nghiệp, trong đó Nghị quyết số 26 NQ/TW là một Nghị quyết toàn diện về nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Kết quả đến nay ở Nghệ An nhiều vùng nông thôn được đổi thay như hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu được xây dựng, tu sửa, nâng cấp. Đời sống đa số nông dân được cải thiện, nhiều nét văn hóa được phát huy… Trong thành công đó có sự đóng góp của ngành nông nghiệp nói chung và vai trò của ngành thủy lợi nói riêng.
Tuy vậy, so với yêu cầu tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, thích ứng với biến đổi khí hậu trong điều kiện hội nhập quốc tế thì có thể nói những kết quả đạt được chỉ là bước đầu do chưa tạo được sự bền vững. Thực trạng hạn hán, xâm nhập mặn vẫn còn đe dọa, tình hình được mùa rớt giá, vệ sinh an toàn thực phẩm chưa được kiểm soát vẫn còn phổ biến.
Thực trạng nêu trên đòi hỏi tái cơ cấu ngành nông nghiệp Nghệ An phải phấn đấu vượt bậc đáp ứng nhu cầu trong tỉnh và mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và quốc tế. Tái có cấu nông nghiệp Nghệ An đòi hỏi Thủy lợi phải đáp ứng được mục tiêu đảm bảo tưới tiêu khoa học, để ổn định sản xuất lúa, thủy lợi cho cây công nghiệp, cây ăn quả, cây màu và phục vụ nuôi trồng thủy sản, cung cấp nước cho các cơ sở sản xuất công nghiệp, làng nghề nông thôn, nước sạch cho cư dân nông thôn. Vấn đề xử lý nước thải từ các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung và nước cho bảo vệ môi trường sinh thái. Hệ thống đê sông, đê biển phải được an toàn trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng để bảo vệ dân cư và bảo vệ sản xuất.
Bối cảnh hiện nay cho thấy để tái cơ cấu thành công, nông nghiệp Nghệ An còn phải đương đầu với nhiều khó khăn, thách thức đó là: Trình độ phát triển nhiều vùng trong nước và các nước mà Việt Nam có quan hệ thương mại đã sẵn sàng bước vào một nền công nghiệp thứ tư, một số sản phẩm nông nghiệp của họ đã ở vị trí hàng đầu khu vực và thế giới. Trong khi đó cơ sở vật chất kỹ thuật, tổ chức sản xuất cho một nền nông nghiệp theo hướng công nghệ cao ở Nghệ An chưa được đáp ứng. Kết quả sản xuất nông nghiệp vừa qua (bao gồm cây ăn quả, chăn nuổi…) phát triển chưa ổn định.
Quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp đòi hỏi tiềm lực kinh phí lớn trong điều kiện Nghệ An đang cần được trung ương hỗ trợ ngân sách.
Hệ thống công trình Thủy lợi Nghệ An vừa qua tuy đáp ứng được phát triển trồng trọt, chăn nuôi. Song bước sang một nền nông nghiệp có trình độ cao thì cơ sở thủy lợi hiện có chưa thể đáp ứng được. Nói một cách khác là hệ thống thủy lợi hiện nay còn mang tính tạo nguồn nước, chưa thực sự là hệ thống cấp nước và tiêu nước có chất lượng cao, đáp ứng tiêu chuẩn của một nền nông nghiệp sạch, giá trị gia tăng cao.
Để vươn lên làm tròn vai trò thủy lợi, tái cơ cấu thủy lợi phải được bổ sung nhiều, không chỉ dừng lại ở đáp ứng cho trồng trọt, chăn nuôi mà còn phải đáp ứng những lĩnh vực khác như chăn nuôi gia súc, gia cầm, ngành nghề nông thôn, du lịch sinh thái, nước sạch cho người dân…
Như vậy, mọi tiêu chuẩn từ quy hoạch, thiết kế, thi công và quản lý dự án thủy lợi, phục vụ sản xuất nông nghiệp trong tương lai phải được bổ sung ở trình độ cao, ngang tầm với phát triển nông nghiệp.
Để làm tròn vai trò Thủy lợi trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp thì thủy lợi không chỉ dừng lại ở tiêu chí “Kiên cố hóa kênh mương” như chương trình xây dựng nông thôn mới mà cần xây dựng thành các dự án đầu tư với phân công rõ ràng trách nhiệm về tài chính giữa nhà nước, tổ chức của nông dân và doanh nghiệp. Mọi phương án phát triển sản phẩm nông nghiệp đều phải xoay quanh khả năng đáp ứng của hệ thống công trình thủy lợi, đây là yêu cầu cao hơn với chương trình xây dựng nông thôn mới.
Không chỉ dừng lại ở kiên cố hóa kênh mương mà trên một cánh đồng đa dạng hóa cây trồng, theo hình thức luân canh 2 - 3 vụ phải có đủ công trình thủy lợi như kênh hở, kênh chìm, trục cấp nước, mạng điện phục vụ trạm bơm cho thiết bị tưới phun, tưới nhỏ giọt. Trên kênh có các công trình điều tiết nước đảm bảo cấp nước theo vòng tròn khép kín nhằm tiết kiệm nước, tiêu nước kịp thời khi mưa lớn, tưới đúng liều lượng, đủ theo yêu cầu là những tiêu chí cho dịch vụ tưới tiêu. Với dự án nuôi tôm thâm canh phải có kênh dẫn nước ngọt với cửa van đóng mở, đo tự động cùng với thiết bị đo độ mặn, đo nhiệt độ, đo độ đục, đo lượng O2 đảm bảo năng suất và chất lượng tôm…
Bởi vậy, nội dung tái cơ cấu ngành thủy lợi phải đáp ứng được yêu cầu cao hơn mới ngang tầm với phát triển nông nghiệp trong tương lai. Về cơ chế, chính sách thì Quốc hội đã thông qua Luật Thủy lợi là tiền đề cho việc ban hành cơ chế chính sách có tầm chiến lược từ trung ương đến tỉnh.
Qua nhiều thập kỷ Thủy lợi Nghệ An được sự quan tâm của tỉnh ủy, UBND tỉnh và nhất là hiện nay theo yêu cầu mới sẽ tiếp tục ban hành những quyết sách cho ngành thủy lợi phấn đấu đảm trách tốt vai trò thủy lợi với tái cơ cấu ngành nông nghiệp trong thời kỳ đổi mới, làm cho kỳ vọng và lời dạy của Bác Hồ: “Nhiệm vụ của chúng ta là làm cho đất và nước điều hòa với nhau để nâng cao đời sống nhân dân và xây dựng chủ nghĩa xã hội”. Trở thành hiện thực sinh động trên quê hương của Bác. |
NGUYỄN QUANG HÒA
(Nguyên Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Nghệ An)
Nguồn: nongnghiep.vn