Một là, tổ chức thực hiện nghiêm túc các nội dung tại Chỉ thị số 2385/CT-BNN-TCTL ngày 27/3/2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Hai là, tổ chức kiểm tra, đánh giá hiện trạng các công trình thuỷ lợi trên địa bàn; thống kê các công trình có nguy cơ mất an toàn trong mùa lũ năm 2018; xây dựng phương án ứng phó thiên tai trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức thực hiện.
Ba là, chỉ đạo các đơn vị khai thác đập, hồ chứa nước rà soát thông số kỹ thuật, hiện trạng hệ thống quan trắc đập (như phụ lục kèm theo).
Bốn là, đối với các hồ chứa xung yếu phải xây dựng phương án tích nước hợp lý để bảo đảm an toàn công trình và dân cư vùng hạ du đồng thời lập phương án di dời dân trong vùng bị ảnh hưởng.
Năm là, các công trình có nguy cơ mất an toàn phải báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai để có phương án xử lý kịp thời.
Sáu là, đôn đốc các Chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công công trình nhằm bảo đảm hoàn thành công trình trước mùa mưa, lũ.
Bảy là, tổ chức nạo vét, khơi thông dòng chảy kênh thoát lũ, các trục kênh tiêu, cửa vào các cống tiêu nhằm chủ động vận hành các trạm bơm, cống tiêu để tiêu rút nước đệm khi dự báo có mưa lớn xảy ra.
Tám là, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị khai thác công trình thủy lợi tổ chức trực ban, theo dõi diễn biến thời tiết; cử cán bộ thường trực tại công trình và phối hợp với chính quyền địa phương thường xuyên kiểm tra, theo dõi công trình nhằm sớm phát hiện và xử lý ngay giờ đầu khi có sự cố xảy ra. Cập nhật thông tin vận hành hồ chứa tối thiểu 1 lần/ngày khi không có mưa và 3 lần/ngày khi có mưa lũ lên trang điện tử www.thuyloivietnam.vn.
Tám là, tổng hợp, báo cáo kết quả kiểm tra, đánh giá hiện trạng các công trình thủy lợi gửi về Tổng cục Thuỷ lợi (qua Vụ An toàn đập) trước ngày 20/4/2018 đối với các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ, Tây Nguyên và trước ngày 20/6/2018 đối với các tỉnh, thành phố khu vực Trung và Nam Bộ.
Nguồn: Tổng cục Thủy lợi