2017.11.16 - 1335 lượt xem
Luật Thủy lợi số 08/2017/QH14 quy định quy trình vận hành công trình thủy lợi như sau: Tổ chức, cá nhân khai thác công trình thủy lợi phải vận hành công trình theo quy trình được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Cơn bão số 12 vừa càn quét qua Nam Trung bộ cộng với mưa lớn sau bão trên diện rộng, lũ, lụt xảy ra ở nhiều nơi gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản của nhân dân. Làm thế nào để vận hành tốt các công trình thủy lợi, hồ chứa thủy điện phục vụ thủy lợi hiệu quả ở khu vực Nam Trung bộ nói riêng và cả nước nói chung?
Luật Thủy lợi số 08/2017/QH14 quy định quy trình vận hành công trình thủy lợi như sau: Tổ chức, cá nhân khai thác công trình thủy lợi phải vận hành công trình theo quy trình được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Chủ đầu tư xây dựng công trình thủy lợi phải lập quy trình vận hành, trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt trước khi đưa vào khai thác; đối với công trình thủy lợi đang khai thác mà chưa có quy trình vận hành thì tổ chức, cá nhân khai thác công trình thủy lợi có trách nhiệm lập quy trình vận hành trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; đối với công trình thủy lợi đang khai thác mà quy trình vận hành không còn phù hợp thì tổ chức, cá nhân khai thác công trình thủy lợi có trách nhiệm điều chỉnh quy trình vận hành trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Bộ NN-PTNT phê duyệt, công bố công khai quy trình vận hành công trình thủy lợi do Bộ quản lý; UBND cấp tỉnh phê duyệt hoặc phân cấp cho UBND huyện phê duyệt, công bố công khai quy trình vận hành công trình thủy lợi trên địa bàn, trừ công trình được quy định. Đối với công trình thủy lợi nhỏ, tổ chức, cá nhân trực tiếp khai thác phải lập quy trình vận hành và công bố công khai.
Việc vận hành công trình thủy lợi phục vụ tưới, tiêu cho vùng lúa chuyên canh tập trung phải chủ động, bảo đảm số lượng, chất lượng nước, đáp ứng quy trình kỹ thuật canh tác nông nghiệp tiên tiến, hiện đại, tiết kiệm, hiệu quả.
Vận hành công trình thủy lợi phục vụ tưới, tiêu cho cây trồng cạn phải đáp ứng yêu cầu: Bảo đảm tưới, tiêu chủ động, số lượng, chất lượng nước, đáp ứng quy trình kỹ thuật canh tác nông nghiệp tiên tiến, hiện đại, tiết kiệm, hiệu quả cho các vùng sản xuất tập trung, vùng chuyển đổi từ đất trồng lúa sang cây trồng cạn; ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến; sử dụng kỹ thuật tưới phù hợp với từng loại cây trồng để tiết kiệm nước; tích hợp tưới với các biện pháp canh tác tiên tiến.
Vận hành công trình thủy lợi phục vụ cấp, thoát nước cho nuôi trồng thủy sản phải đáp ứng yêu cầu: Bảo đảm hệ thống cấp, thoát nước chủ động, đáp ứng quy trình kỹ thuật nuôi trồng thủy sản tiên tiến, hiện đại đối với vùng nuôi trồng thủy sản thâm canh tập trung; bảo đảm số lượng, chất lượng nước cấp theo quy định đối với vùng nuôi trồng thủy sản tập trung; ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến trong việc cấp nước, sử dụng nước cho nuôi trồng thủy sản.
Việc vận hành công trình thủy lợi phục vụ tưới, tiêu, cấp, thoát nước cho các mục tiêu khác trong sản xuất nông nghiệp phải bảo đảm số lượng, chất lượng nước, tiết kiệm, hiệu quả; đáp ứng yêu cầu của các đối tượng sử dụng nước.
Vận hành công trình thủy lợi khi xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, lũ, ngập lụt, úng
Chủ quản lý công trình thủy lợi có trách nhiệm tổ chức lập phương án ứng phó với hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, lũ, ngập lụt, úng xảy ra trên địa bàn.
Khi xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, lũ, ngập lụt, úng việc vận hành công trình thủy lợi phải được: Thực hiện theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về thủy lợi; khi xảy ra hạn hán, thiếu nước phải bảo đảm ưu tiên cấp nước cho sinh hoạt và nhu cầu thiết yếu của sản xuất nông nghiệp; khi xảy ra xâm nhập mặn phải thực hiện các giải pháp để giảm thiểu ảnh hưởng đến sinh hoạt, nhu cầu thiết yếu của sản xuất và môi trường; khi xảy ra lũ, ngập lụt, úng việc vận hành phải bảo đảm an toàn cho công trình, đồng thời phải triển khai biện pháp ứng phó khác để giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản.
Nguồn: nongnghiep.vn