Chính sách nổi bật bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/11/2017

2017.11.13 - 1580 lượt xem

Từ ngày 01/11/2017, nhiều chính sách mới về thương mại, hành chính, y tế,…chính thức có hiệu lực. 

Trong đó, nổi bật là: 

1. Cấm bán rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên qua mạng Internet

Đây là nội dung nổi bật tại Nghị định 105/2017/NĐ-CP về kinh doanh rượu được Chính phủ ban hành ngày 14/9/2017.

Theo đó, các hành vi bị cấm trong hoạt động kinh doanh rượu bao gồm: 

- Bán rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên qua mạng Internet (quy định hiện hành cấm bán tất cả các sản phẩm rượu qua mạng mà không phân biệt độ cồn);

- Bán rượu cho người dưới 18 tuổi, bán bằng máy bán hàng tự động;

- Quảng cáo, khuyến mại rượu trái quy định;

- Kinh doanh rượu không có Giấy phép kinh doanh hoặc không đúng với nội dung ghi trong giấy phép;

- Cho thuê, cho mượn Giấy phép kinh doanh,…

2. Đổi mới điều kiện cấp Giấy phép bán lẻ sản phẩm thuốc lá

Nghị định 106/2017/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 67/2013/NĐ-CP ngày 27/6/2013 hướng dẫn thi hành Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá về kinh doanh thuốc lá.

Theo đó, để được cấp Giấy phép bán lẻ sản phẩm thuốc lá (SPTL), thương nhân phải đáp ứng các điều kiện sau: 

- Được thành lập theo quy định pháp luật;

- Có địa điểm kinh doanh cố định, địa chỉ rõ ràng, đảm bảo các yêu cầu về kỹ thuật, trang thiết bị theo quy định;

- Phù hợp với Quy hoạch hệ thống mạng lưới mua bán SPTL được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

- Có văn bản giới thiệu của Nhà cung cấp SPTL hoặc của các thương nhân phân phối SPTL ghi rõ địa bàn dự kiến kinh doanh (không cần hợp đồng mua bán của các doanh nghiệp bán buôn SPTL như hiện nay).

Đồng thời, Nghị định 106/2017/NĐ-CP đã bãi bỏ điều kiện diện tích điểm kinh doanh thuốc lá phải từ 3m2 trở lên trong điều kiện cấp giấy phép.

Đối với Giấy phép bán lẻ SPTL được cấp theo Nghị định 67 vẫn tiếp tục duy trì hiệu lực đến khi hết thời hạn.

3. Quy định mới về mức xử phạt VPHC trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai

Nghị định 104/2017/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai; khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều.

Theo đó, mức phạt đối với một số hành vi vi phạm trong hoạt động phòng, chống thiên tai thay đổi đáng kể như:

- Phạt từ 20 - 40 triệu đồng đối với hành vi yêu cầu cấp cứu khẩn cấp nhưng không hợp tác khi lực lượng cứu hộ tiếp cận gây lãng phí cho cơ quan cứu hộ (tăng gấp đôi so với quy định hiện hành);

- Phạt từ 25 - 40 triệu đồng đối với hành vi làm hư hại công trình phục vụ phòng, chống thiên tai (quy định hiện hành phạt từ 20 - 30 triệu đồng);

- Phạt từ 5 - 10 triệu đồng nếu không chủ động cứu giúp hoặc không thông tin kịp thời để lực lượng khác đến cứu người, phương tiện bị nạn khi có điều kiện (quy định hiện hành phạt từ 3 - 5 triệu đồng).

Ngoài ra, Nghị định 104/2017/NĐ-CP cũng quy định một số mức xử phạt mới đối với vi phạm trong lĩnh vực khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi.

4. Các loại hình cơ sở trợ giúp xã hội được Nhà nước khuyến khích thành lập

Ngày 12/9/2017, Chính phủ ban hành Nghị định 103/2017/NĐ-CP về thành lập, tổ chức, hoạt động, giải thể và quản lý cơ sở trợ giúp xã hội.

Theo đó, khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước thành lập cơ sở trợ giúp xã hội để chăm sóc, trợ giúp các đối tượng có nhu cầu với các loại hình sau:

- Cơ sở bảo trợ xã hội (CSBTXH) chăm sóc người cao tuổi;

- Cơ sở bảo trợ xã hội (CSBTXH) chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt;

- CSBTXH chăm sóc người khuyết tật;

- CSBTXH chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí;

- CSBTXH tổng hợp thực hiện việc chăm sóc nhiều đối tượng bảo trợ xã hội hoặc đối tượng cần trợ giúp xã hội.

- Trung tâm công tác xã hội thực hiện tư vấn, chăm sóc khẩn cấp hoặc hỗ trợ những điều kiện cần thiết khác cho đối tượng cần trợ giúp xã hội;

- Cơ sở trợ giúp xã hội khác theo quy định.