2018.11.21 - 1741 lượt xem
Đó là chỉ đạo của Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường tại Hội nghị xây dựng Chính phủ điện tử gắn với cải cách hành chính (CCHC) và đổi mới công tác kiểm tra chuyên ngành của Bộ tổ chức ngày 14/11.
Ở Việt Nam, yêu cầu cải cách hành chính càng làm vấn đề xây dựng Chính phủ điện tử (CPĐT) trở nên cấp thiết. Vì vậy, đẩy nhanh quá trình xây dựng CPĐT để hướng tới một nền hành chính hiện đại, nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước, được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, cải cách thủ tục hành chính là yêu cầu bắt buộc, nếu không cải cách sẽ thụt lùi so với các ngành khác. Trong cải cách thủ tục hành chính thì tư tưởng phải thay đổi, tinh thần tích cực, minh bạch, lập các đương dây nóng để giải quyết kịp thời. Cuối năm nay, tổ công tác của Chính phủ sẽ quay lại kiểm tra toàn bộ công tác cải cách của Bộ. Do vậy, các đơn vị trong bộ phải quyết liệt cải cách thủ tục hành chính.
Quán triệt tinh thần triển khai công việc tới cán bộ Bộ NN&PTNT, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: Không có bất cứ lý do nào bào chữa cho việc chậm trễ việc ra các văn bản quy phạm pháp luật và các hướng dẫn hành chính cho người dân và doanh nghiệp trong khi tất cả các Luật thuộc phạm vi của ngành nông nghiệp đã được thông qua.
Bộ NN&PTNT hiện có 33 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực nông nghiệp với 345 điều kiện cụ thể. Qua rà soát, Bộ đã sửa và giảm 131/170 điều kiện; số điều kiện còn lại sửa và giảm trong Luật Lâm nghiệp, Luật Thủy sản đã ban hành (có hiệu lực từ 1/1/2019) và các nghị định tới đây ban hành của 2 luật này tiếp tục được cắt giảm. Theo tính toán, tổng số điều kiện cụ thể sẽ giảm tới 69%.
Từ đầu năm 2017, Bộ đã thực hiện rà soát, đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành trên cơ sở hàng hóa được gắn mã HS thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ là 7.698 dòng hàng quy định tại Thông tư số 24/2017/TT-BNNPTNT.
Nguồn: omard.gov.vn