Phát triển tài nguyên nước bền vững ở lưu vực sông Mê Công – Bối cảnh và thách thức

2017.10.24 - 1416 lượt xem

Bối cảnh
Là con sông lớn nhất Đông Nam Á và dài thứ 6 trên thế giới, Sông Mê Công, khởi nguồn từ Cao nguyên Tây Tạng, trải qua hành trình hơn 4300km về phía Đông Nam và kết thúc ở Biển Đông, với tổng lượng dòng chảy 475km3/năm. Đây cũng là “dải lụa” kết nối sáu quốc gia, bao gồm Trung Quốc, Myanmar, Lào, Campuchia, Thai Lan và Việt Nam không chỉ về địa chất mà còn về đời sống văn hóa và kinh tế.  
Hiện nay, hơn bảy mươi triệu người (tương đương 1/3 tổng dân số 04 quốc gia Thái Lan, Việt Nam, Lào và Campuchia) đang sinh sống trong lưu vực rộng 795 nghìn km2. 80% dân số sống trên lưu vực này sống dựa vào nông nghiệp và các nguồn lợi trực tiếp từ dòng sông Mekong cho sinh hoạt cũng như đánh bắt thủy sản, rừng, v.v. Con sông là yếu tố quan trọng đảm bảo kinh tế và đời sống cho người dân trên toàn lưu vực. 
Tuy nhiên trong những thập kỷ gần đây, dưới tác động của tự nhiên và nhân tạo, con sông đang gặp phải những thách thức lớn cản trở nghiêm trọng sự phát triển bền vững và tương lai của khu vực. 
Thách thức đến từ biến đổi khí hậu và thiên tai
Khu vực lưu vực Mekong, đặc biệt là hạ lưu Mekong, là khu vực dễ bị tổn thương bởi những tác động của biến đổi khí hậu. 
Biến đổi khí hậu gây ra các hiện tượng cực đoạn như hạn hán gia tăng trong mùa khô, ảnh hưởng của El Nino và La Nina,.. Xu thế biến đổi này đang làm thay đổi vòng tuần hoàn của nước trong tự nhiên và do vậy tác động lớn đến tài nguyên nước. Thay đổi chế độ dòng chảy trong sông và triều cường sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới phạm vi xâm nhập mặn tại các vùng đồng bằng châu thổ hạ nguồn, đặc biệt trong những năm kiệt. 
Hiện tượng nước biển dâng và xâm nhập mặn cũng ngày càng gia tăng. Đồng bằng Mekong được đánh giá là một trong ba đồng bằng châu thổ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của hiện tượng nước biển dâng và xâm nhập mặn. Theo kịch bản biến đổi khí hậu năm 2016 (Bộ TNMT VN), nếu mực nước biển dâng 100 cm và không có các giải pháp ứng phó, ĐBSCL – Việt Nam là khu vực có nguy cơ ngập đến 38,9% diện tích. 
Thách thức đến từ các hoạt động phát triển kinh tế xã hội
Ngoài những thách thức từ thiên nhiên, con người cũng là một tác nhân lớn ảnh hưởng đến sức khỏe của dòng sông Mekong. 
1) Việc xây dựng các hồ chứa nước và thủy điện trên dòng chính, đặc biệt ở thượng nguồn sông Mekong, thời gian qua đã không chỉ thu hút sự quan tâm của khu vực mà còn của các chuyên gia trên toàn thế giới.
Theo kết quả phân tích ảnh viễn thám của Bộ Tài nguyên và Môi trường (Việt Nam) (năm 2014) trên toàn bộ lưu vực phía ngoài nước ta có 176 hồ chứa thủy điện, thủy lợi đã vận hành hoặc đang xây dựng. Trong đó, trên dòng chính có 08 công trình, gồm 07 hồ chứa ở tỉnh Vân Nam -Trung Quốc và 01 hồ chứa trên lãnh thổ Lào.
Về thủy điện: Trung Quốc có kế hoạch xây dựng 14 đập thuỷ điện với công suất lắp đặt tổng cộng tới 22.590 MW trên sông Lan Thương. Hiện nay Trung Quốc đã xây dựng 6/7 đập ở khu vực trung lưu và hạ lưu sông Lan Thương (Giai đoạn I) với tổng công suất trên 16.000 MW. Đồng thời, tiếp tục triển khai xây dựng thêm 06 đập thuỷ điện ở thượng nguồn sông Lan Thương
(Giai đoạn II). Phần trung lưu trên lãnh thổ Lào, Thái Lan và Campuchia đã có 11 dự án thủy điện trên dòng chính được đề xuất xây dựng. Trong đó, Lào dự kiến xây dựng xây dựng 09 công trình (trong đó có 02 công trình đã chính thức khởi công, 01 công trình đang chuẩn bị khởi công xây dựng); Campuchia đang có kế hoạch nghiên cứu, xây dựng 02 nhà máy thủy điện trên dòng chính sông Mê Công là Sambor và Stungtreng.
Việc vận hành xả nước của các hồ ở thượng lưu sông Mê Công thuộc Trung Quốc vào đầu mùa lũ và tích nước vào đầu mùa cạn đã và đang dẫn đến xu thế lưu lượng tăng lên ở các tháng đầu mùa lũ và giảm đi ở các tháng đầu mùa cạn. Trong mùa khô năm 2015-2016, biến động thời tiết do hiện tượng El Ninô, toàn bộ lưu vực sông Mê Công đang đối mặt với một mùa khô rất khắc nghiệt, trong đó vùng ĐBSCL đang phải chịu các tác động nghiêm trọng của hạn hán và xâm nhập mặn lịch sử và có diễn biến cực kỳ phức tạp, cụ thể dòng chảy vào ĐBSCL giảm ở mức lịch sử trong 100 năm.
Các hồ trữ nước lớn trên dòng chính thượng nguồn sông Mê Công còn giữ lại một lượng phù sa bùn cát và dinh dưỡng lớn cung cấp cho các vùng đồng bằng hạ lưu. Theo tính toán, tổng lượng phù sa bùn cát và dinh dưỡng có thể giảm tới 65% (theo tính toán), nếu tính cả lượng phù sa bị giữ lại do các công trình thủy điện thượng nguồn phía Trung Quốc thì lượng phù sa khi về đến ĐBSCL chỉ còn lại khoảng 15 triệu tấn, chưa đến 10% so với điều kiện tự nhiên.
Tác động của bậc thang thủy điện dòng chính có thể gây sụt giảm tổng sản lượng đánh bắt tự nhiên tới 50% cho cả Việt Nam và Campuchia. Các đập trên dòng nhánh sẽ làm gia tăng thêm tổn thất về sản lượng đánh bắt cá và số lượng cá trong vùng. Điều này sẽ gây tác động bất lợi tới an ninh lương thực, sinh kế, phúc lợi xã hội và kinh tế của phần lớn người dân sống trong vùng đồng bằng ngập lũ của Campuchia và ĐBSCL của Việt Nam đang phụ thuộc, trực tiếp hoặc gián tiếp, vào nghề cá và các nghề có liên quan.
Đa dạng sinh học trong khu vực cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bao gồm: nguy cơ mất đi hoặc thậm chí tuyệt chủng tới 10% các loài cá; giảm số lượng các loài cá di cư; làm mất đi loài cá heo nước ngọt Ira-oa-đy của sông Mê Công; giảm phân bố và số lượng các loài nhuyễn thể nước ngọt; và giảm khả năng di chuyển của các loài thân mềm.
Ngoài các dự án thủy điện, gần đây Thái Lan đã nghiên cứu một số dự án chuyển nước với quy mô lớn thuộc vùng Bắc và Đông Bắc Thái Lan thuộc lưu vực sông Mê Công, trong đó i) Chuyển nước ra ngoài lưu vực (khoảng 6.2 tỷ/năm); ii) Chuyển nước trong lưu vực ra sông nhánh (khoảng 9 tỷ m3/năm). Đặc biệt trong điều kiện biến đổi khí hậu cùng các hiện tượng cực đoan đang gia tăng, nếu thiếu đi sự phối hợp trong việc chia sẻ lợi ích từ con sông giữa các quốc gia, việc vận hành các công trình nước thượng nguồn sẽ là mối lo ngại lớn cho các quốc gia hạ lưu.
2) Áp lực về gia tăng dân số và phát triển kinh tế xã hội cũng là một thách thức lớn. Dự báo dân số có thể tăng từ 70 triệu hiện nay lên đến khoảng 83 triệu năm 2060, công nghiệp hóa và đô thị hóa sẽ ngày càng phát triển và sẽ thu hẹp diện tích đất nông nghiệp, đồng thời làm tăng nhu cầu về nước sạch cũng như phát sinh nhiều nước thải hơn. Đây sẽ là áp lực lớn đối với nguồn nước của sông Mê Công, đặc biệt là giải quyết vấn đề nước ngọt, ô nhiễm nguồn nước. Do đó, nhu cầu lương thực và nước ngọt cũng ngày càng tăng, đồng thời kéo theo những vấn đề về suy giảm chất lượng nước, ô nhiễm nguồn nước. Những vấn đề về xung đột giữa nhu cầu nước ngọt, giữa các lĩnh vực kinh tế và sinh hoạt đang diễn ra ở nhiều nơi. Sự gia tăng dân số tăng nhanh và việc phát triển nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản trong những thập kỷ qua đã làm giảm đáng kể giá trị tự nhiên của lưu vực sông Mê Công. Nhiều vùng đất ngập nước như rừng ngập mặn, ao, hồ, đầm phá và vùng đồng cỏ ẩm ướt đang biến mất để nhường chỗ cho hệ thống tưới tiêu, trồng rừng, ruộng muối, phát triển công nghiệp và nuôi tôm. Ngoài ra, việc khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên là một mối đe dọa lớn đối với hệ sinh thái. Diện tích rừng ngập mặn ngày càng giảm đi và điều này làm cho tình hình xói lở bờ biển và tình trạng nhiễm mặn ngày càng nghiêm trọng hơn. 
Cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi những suy thoái môi trường và thất thoát tài nguyên thiên nhiên. Tình trạng này ngày càng trầm trọng thêm bởi sự gia tăng nhu cầu nước và năng lượng và sự thay đổi dòng chảy tự nhiên là một hệ quả của việc phát triển cơ sở hạ tầng dọc sông. Sự gia tăng áp lực lên nguồn tài nguyên nước vốn đã suy thoái đã dẫn đến căng thẳng về lợi ích giữa người dùng nước thượng lưu và hạ lưu con sông ngày một leo thang. Giải quyết các thách thức đối với sông Mekong không còn chỉ là vấn đề của riêng một quốc gia mà cần sự hợp tác thống nhất giữa các quốc gia liên quan và sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế.
Trong khuôn khổ Diễn đàn Mekong về Nước, Lương thực và Năng lượng 2017 tổ chức tại thủ đô Yangon, Myanmar, Viện Quy hoạch thủy lợi – Việt Nam cùng các đối tác Viện Di sản Tự nhiên Hoa Kỳ (NHI), Mạng lưới phát triển thủy điện bền vững vùng Mê Công (NSHD-M), Cơ quan hợp tác phát triển Đức (GIZ), Viện Deltares (Hà Lan) và Trung tâm tư vấn phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi với biến đổi khí hậu (CEWAREC) sẽ đồng chủ trì hội thảo kỹ thuật “Hướng tới quản lý lưu vực sông hiệu quả hơn trên lưu vực sông Mê Công – Thách thức và cơ hội” trong đó tập trung làm rõ những thách thức đang gặp phải trong quản lý và sử dụng tài nguyên nước sông Mê Công. Các chuyên gia trong nước và quốc tế cũng sẽ chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn trong quản lý tài nguyên nước từ các dòng sông quốc tế khác. Thông qua các phiên thảo luận bàn tròn toàn thể, chuyên gia trong khu vực và trên thế giới cũng sẽ tập trung trao đổi về các cơ hội và giải pháp để các quốc gia trong lưu vực cùng chia sẻ tài nguyên nước, hướng tới việc phát triển bền vững cộng đồng Mê Công.