Văn bản BHXH, tài chính, thương mại có hiệu lực giữa tháng 9

2017.09.07 - 1048 lượt xem

Từ ngày 11 - 20/9/2017, nhiều chính sách mới trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội (BHXH), tài chính nhà nước, thương mại,…bắt đầu có hiệu lực thi hành. 

Trong đó, nổi bật là:

1. Tăng thu nhập cho cán bộ, công chức từ kinh phí dự án tiết kiệm

Từ ngày 15/9/2017, Thông tư 72/2017/TT-BTC về quản lý, sử dụng khoản thu từ hoạt động quản lý dự án của chủ đầu tư, ban quản lý dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước chính thức có hiệu lực.

Theo đó, đối với các dự án nhóm I, số kinh phí quản lý dự án tiết kiệm được khi kết thúc năm ngân sách sử dụng như sau:

- Chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức: hệ số tăng thêm quỹ tiền lương tối đa 1,0 lần so với tiền lương ngạch, bậc, chức vụ theo quy định.

- Chi khen thưởng định kỳ hoặc đột xuất cho tập thể, cá nhân theo kết quả công việc và thành tích đóng góp (ngoài chế độ khen thưởng theo quy định).

- Chi một số hoạt động phúc lợi tập thể như:

+ Hỗ trợ các ngày lễ, tết, ngày kỷ niệm;

+ Hỗ trợ cán bộ, công chức và người lao động trong biên chế khi thực hiện tinh giản biên chế,…

Số kinh phí tiết kiệm cuối năm chưa sử dụng hết được chuyển sang chi ở các năm sau; đồng thời tổng hợp để lập dự toán cho năm sau. 

Thông tư 72/2017/TT-BTC thay thế Thông tư 05/2014/TT-BTC ngày 06/01/2014.

2. Hỗ trợ đóng BHXH cho sĩ quan sắp nghỉ hưu trong doanh nghiệp Quân đội

Thông tư 182/2017/TT-BQP hướng dẫn hỗ trợ kinh phí cho doanh nghiệp Quân đội chi trả tiền lương tháng và kinh phí đóng BHXH đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp trong thời gian chuẩn bị nghỉ hưu.

Theo đó, mức hỗ trợ cụ thể như sau:

- Hỗ trợ 100% kinh phí đối với doanh nghiệp quốc phòng an ninh trong Quân đội quy định tại Nghị định 93/2015/NĐ-CP ngày 15/10/2015;

- Hỗ trợ tối đa 70% kinh phí đối với doanh nghiệp kinh tế - quốc phòng nếu sản xuất kinh doanh bị lỗ.

(Doanh nghiệp kinh tế - quốc phòng có mô hình tổ chức, biên chế của tổ chức quân sự; có nhiệm vụ dự bị động viên; làm nhiệm vụ trên địa bàn chiến lược về quốc phòng, an ninh).

Thời gian hỗ trợ từ ngày 01/01/2016 đến hết ngày 31/12/2020.

Nguồn kinh phí hỗ trợ được bảo đảm từ Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp.

Thông tư 182/2017/TT-BQP có hiệu lực từ ngày 18/9/2017.

3. Doanh nghiệp không được ủy thác tạm nhập, tái xuất thực phẩm đông lạnh

Thông tư 11/2017/TT-BCT về hoạt động tạm nhập, tái xuất; tạm xuất, tái nhập và chuyển khẩu hàng hóa có hiệu lực từ ngày 11/9/2017.

Theo đó, thương nhân không được phép ủy thác hoặc nhận ủy thác tạm nhập, tái xuất đối với hàng hóa kinh doanh tạm nhập, tái xuất thuộc các danh mục sau:

- Danh mục hàng thực phẩm đông lạnh kinh doanh tạm nhập, tái xuất tại Phụ lục III;

- Danh mục hàng hóa có thuế tiêu thụ đặc biệt kinh doanh tạm nhập, tái xuất tại Phụ lục IV;

- Danh mục hàng hóa đã qua sử dụng kinh doanh tạm nhập, tái xuất tại Phụ lục V. 

Hoạt động kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng hóa thuộc các danh mục trên thực hiện theo các điều kiện quy định tại Điều 3, Điều 4, Điều 5 Nghị định 77/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016.

Thông tư 11/2017/TT-BCT bãi bỏ Thông tư 05/2014/TT-BCT ngày 27/01/2014 và Điều 2 Thông tư 27/2016/TT-BCT ngày 05/12/2016.

4. Vứt gia cầm chết ra môi trường bị phạt đến 6 triệu đồng

Đây là nội dung đáng chú ý tại Nghị định 90/2017/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y.

Theo đó, phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 6 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau:

- Vận chuyển hoặc vứt gia súc, gia cầm mắc bệnh, chết và sản phẩm của chúng ra môi trường (mức xử phạt hiện hành là từ 2 đến 3 triệu đồng); 

- Buôn bán con giống mắc bệnh truyền nhiễm.

Ngoài ra, người vi phạm còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc tiêu hủy động vật, xác động vật và sản phẩm của chúng.

Nghị định 90/2017/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/9/2017; bãi bỏ một số điều tại Nghị định 119/2013/NĐ-CP ngày 09/10/2013 và Nghị định 41/2017/NĐ-CP ngày 05/4/2017.