2017.07.02 - 753 lượt xem
Chiều 19/6//2017, theo chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường, biểu quyết thông qua Luật thủy lợi với 457/459 đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành, chiếm 93,08% tổng số đại biểu Quốc hội.
Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, Dự thảo Luật chưa đề cập đến trách nhiệm quản lý hồ chứa thủy điện phục vụ thủy lợi, đề nghị rà soát các nội dung quy định tại Luật điện lực, Luật tài nguyên nước về thẩm quyền quản lý đối tượng này để phù hợp với các quy định về trách nhiệm của các bộ nêu tại Điều 56. Đồng thời, xem xét bỏ cụm từ “chủ trì” tại điểm c, khoản 2 Điều 56 quy định trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ NN&PTNT trong việc điều tiết nước hồ chứa thủy điện phục vụ thủy lợi trong trường hợp phục vụ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.
Việc quản lý hồ chứa thủy điện thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương đã được quy định trong Luật phòng, chống thiên tai (khoản 8 Điều 42), Luật tài nguyên nước (Điều 53) và Quyết định 285/2006/QĐ-TTg ngày 25/12/2006 của Thủ tướng Chính phủ về nội dung, thẩm quyền ban hành và tổ chức thực hiện quy trình vận hành hồ chứa thủy điện, Nghị định 72/2007/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý an toàn đập.
Tuy nhiên, để bảo đảm việc cấp nước đầy đủ, kịp thời cho sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt trong trường hợp hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn thì Dự thảo Luật Thủy lợi đã bổ sung quy định làm rõ trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương thực hiện điều tiết nước hồ chứa thủy điện phục vụ thủy lợi trong trường hợp hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.
Về vận hành công trình thủy lợi, hồ chứa thủy điện phục vụ thủy lợi, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã tiếp thu và thể hiện các nội dung đề nghị bổ sung quy định công bố công khai quy trình vận hành công trình thủy lợi để người dân biết; xem xét, bổ sung quy định về việc cần có giải pháp xử lý khi xảy ra lũ lụt, thiên tai bảo đảm an toàn hồ, đập và hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản vào dự thảo Luật.
Về giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi, có một số đại biểu Quốc hội đề nghị cần quy định rõ thẩm quyền quyết định giá các loại sản phẩm, dịch vụ thủy lợi. Về vấn đề này, báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội nêu rõ, theo quy định tại Điều 24, Luật phí và lệ phí thì thủy lợi phí được chuyển sang là giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi. Tuy nhiên, theo Luật giá thì Nhà nước định giá đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực độc quyền do Nhà nước sản xuất, kinh doanh; tài nguyên quan trọng, sản phẩm, dịch vụ công ích. Trường hợp cần thiết phải điều chỉnh danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định (khoản 1, Điều 19 Luật giá). Như vậy, Luật giá ban hành năm 2012 không điều chỉnh riêng sản phẩm, dịch vụ thủy lợi. Vì vậy, thẩm quyền định giá sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi được vận dụng theo quy định tại điểm d, khoản 1 Điều 19 Luật giá về dịch vụ công ích và dịch vụ sự nghiệp sử dụng ngân sách nhà nước, do Nhà nước định giá và thể hiện tại điểm a, khoản 2 Điều 35 của Dự thảo Luật. Đối với giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi khác, do Luật giá không có quy định, tuy nhiên để tránh việc độc quyền, ép giá ảnh hưởng đến người sử dụng sản phẩm, dịch vụ thủy lợi, Nhà nước cần quyết định khung giá về vấn đề này.
Đồng thời, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã không quy định cụ thể đối tượng và lĩnh vực sản xuất nông nghiệp được hỗ trợ và chỉnh sửa theo hướng thể hiện rõ quan điểm: (1) Nhà nước hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi không phân biệt nguồn vốn đầu tư; kinh phí hỗ trợ được ngân sách nhà nước bảo đảm, thực hiện theo Luật ngân sách; (2) Giao Chính phủ quy định cụ thể điều này nhằm bảo đảm tính linh hoạt trong tổ chức thực hiện, bảo đảm ổn định trong phát triển sản xuất nông nghiệp và đời sống người dân nông thôn và tính khả thi khi Luật có hiệu lực thi hành.
Luật thủy lợi gồm 10 chương, 60 Điều, quy định về điều tra cơ bản, chiến lược, quy hoạch thủy lợi; đầu tư xây dựng công trình thủy lợi; quản lý, khai thác công trình thủy lợi và vận hành hồ chứa thủy điện phục vụ thủy lợi; dịch vụ thủy lợi; bảo vệ và bảo đảm an toàn công trình thủy lợi; thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng; quyền, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong hoạt động thủy lợi; trách nhiệm quản lý nhà nước về thủy lợi.
Luật thủy lợi có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2018.
Nguồn: http://quochoi.vn