2017.06.01 - 736 lượt xem
Dưới đây là một số chính sách bảo hiểm, đầu tư, thương mại… nổi bật sẽ bắt đầu có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/6/2017.
1. Chính thức giảm mức đóng BHXH cho người sử dụng lao động
Bắt đầu từ ngày 01/6/2017, Nghị định 44/2017/NĐ-CP do Chính phủ ban hành quy định về mức đóng BHXH bắt buộc vào Quỹ BH tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (TNLĐ, BNN) sẽ chính thức có hiệu lực.
Theo đó, mức đóng vào Quỹ BH TNLĐ, BNN của người sử dụng lao động sẽ được giảm một nửa so với hiện hành theo quy định tại Điều 4 Nghị định 37/2016/NĐ-CP , cụ thể:
- 0,5% trên quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của người lao động được quy định tại điểm a, b, c, d, đ và h khoản 1 Điều 2 Luật BHXH, trừ trường hợp lao động là người giúp việc gia đình.
- 0,5% trên mức lương cơ sở đối với người lao động được quy định tại điểm e khoản 1 Điều 2 Luật BHXH.
Mức đóng này có thể được xem là tạm thời, căn cứ vào khả năng bảo đảm cân đối Quỹ BH TNLĐ, BNN Chính phủ sẽ xem xét điều chỉnh mức này từ ngày 01/01/2020.
Nghị định 44/2017/NĐ-CP bãi bỏ các quy định tại Điều 4 và khoản 1 Điều 34 của Nghị định 37.
2. Sửa đổi quy định về chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng
Đây là nội dung được đề cập tại Nghị định 42/2017/NĐ-CP do Chính Phủ ban hành nhằm sửa đổi Nghị định 59/2015/NĐ-CP về quản lý dự án đầu tư xây dựng.
Theo đó, quy định cụ thể những lĩnh vực mà tổ chức khi tham gia phải có chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng:
- Khảo sát xây dựng; Lập quy hoạch xây dựng;
-Thiết kế, thẩm tra thiết kế xây dựng công trình;
- Lập, thẩm tra dự án đầu tư xây dựng; Tư vấn quản lý dự án;
- Thi công xây dựng công trình; Giám sát thi công xây dựng;
- Kiểm định xây dựng; Quản lý chi phí đầu tư xây dựng.
Đồng thời, Nghị định 42/2017/NĐ-CP không còn quy định ràng buộc nội dung đăng ký cấp chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng phải phù hợp với nội dung đăng ký kinh doanh hoặc quyết định thành lập của cơ quan có thẩm quyền.
3. Hướng dẫn ghi nhãn đối với hàng hóa đóng gói đơn giản
Liên quan đến nội dung này, ngày 14/4/2017, Chính phủ ban hành Nghị định 43/2017/NĐ-CP về nhãn hàng hóa thay thế cho Nghị định 89/2006/NĐ-CP .
Theo đó, Nghị định 43 đề cập hàng hóa đóng gói đơn giản là hàng hóa được đóng gói không có sự chứng kiến của người tiêu dùng mà khi mua có thể mở ra kiểm tra trực tiếp hàng hóa đó.
Hàng hóa có bao bì đóng gói đơn giản, hàng hóa dạng rời là phụ gia thực phẩm, hóa chất, không có bao bì thương phẩm bán trực tiếp cho người tiêu dùng thì tổ chức, cá nhân phải công khai thông tin sau:
- Tên hàng hóa.
- Hạn sử dụng.
- Cảnh báo an toàn (nếu có).
- Tên và địa chỉ tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa.
- Hướng dẫn sử dụng.
4. Luật trẻ em 2016 chính thức có hiệu lực
Ngoài ra, Luật trẻ em 2016 cũng bắt đầu có hiệu lực áp dụng từ ngày 01/6/2017 với những điểm mới nổi bật như:
- Trẻ em có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình vì lợi ích tốt nhất của trẻ em.
- Chính phủ thiết lập tổng đài điện thoại quốc gia thường trực để tiếp nhận, xử lý thông tin, thông báo, tố giác nguy cơ, hành vi xâm hại trẻ em và quy định quy trình xử lý những thông tin này.
- Gia đình, nhà trường và người chăm sóc trẻ em phải có trách nhiệm giáo dục kiến thức, hướng dẫn kỹ năng để trẻ em biết tự bảo vệ mình khi tham gia môi trường mạng.