2017.02.09 - 961 lượt xem
Xã hội hóa việc đầu tư xây dựng hồ Cây Vừng là một thành công lớn của xã Ngọc Lương, huyện Yên Thủy (Hòa Bình) trong việc huy động, khai thác tiềm năng, nguồn lực từ doanh nghiệp và người dân....
Đập Cây Vừng đang được đầu tư nạo vét, nâng cấp và xây dựng với mức kinh phí đầu tư lên đến 3 tỷ đồng, trong đó 100% nguồn vốn được công ty Cổ phần Khai thác Trường Lộc đầu tư và người dân tự nguyện hiến đất
Hồ Cây Vừng nằm trong hệ thống liên hồ Cây Vừng, hồ Đầm Thủng, hồ Nông Dân phục vụ tưới tiêu và điều tiết nước sản xuất nông nghiệp của các xóm Nghìa 1, Nghìa 2, Dương 1, Dương 2, xã Ngọc Lương và nằm trong danh mục dự án đầu tư nạo vét, cải tạo nâng cấp và xây dựng đã được UBND tỉnh Hòa Bình phê duyệt từ lâu nhưng do kinh phí hạn hẹp đến quý 2/2016 vẫn chưa được đầu tư thi công. Sau khi xem xét, ngày 14/7/2016, Sở Nông nghiệp và PTNT Hòa Bình đã nhất trí với đề nghị của UBND huyện Yên Thủy về việc nạo vét hồ Cây Vừng để tăng dung tích lưu trữ nước lòng hồ phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân.
Trước kia Hồ Cây Vừng lồi lõm và nhiều bùn, nước chỉ tưới cho cây hoa màu một vụ thôi, vào mùa khô nước rất ít không đủ tưới tiêu. Từ khi có chủ trương xã hội hóa xây dựng hồ, được sự tuyên truyền của các cấp chính quyền, người dân đã tự nguyện hiến đất và tạo mọi điều kiện cho Công Ty Trường Phúc Lộc thi công công trình được đảm bảo. Hồ Cây Vừng đang được nạo vét, nâng cấp và cải tạo
Xã Ngọc Lương có 2 hồ lớn và 6 hồ nhỏ đang phục vụ tưới tiêu và điều tiết cho diện tích 1.050ha đất nông nghiệp. Hồ Cây Vừng có diện tích khoảng 3ha đang cung cấp nước sinh hoạt, nước cho tưới tiêu cho gần 400 hộ dân thuộc 4 xóm Nghìa 1, Nghìa 2, Dương 1, Dương 2. Tuy nhiên lượng nước chỉ đảm bảo tưới tiêu cho 1 vụ và cung cấp đủ nước cho khoảng 20-30ha đồng ruộng, vụ còn lại là phụ thuộc vào thiên nhiên
Tại tỉnh Hòa Bình, 75% thu nhập của người dân là từ sản xuất nông nghiệp, nguồn nước tưới tiêu là rất quan trọng. Trước khi Hồ Cây Vừng được Công ty Trường Phúc Lộc đầu tư cải tạo, nâng cấp và xây dựng thì tình trạng thiếu nước diễn ra thường xuyên, cùng với đó là hệ thống thủy lợi chưa đảm bảo, chủ yếu dùng máy bơm để tưới dẫn đến hoa màu kém năng suất, hiệu quả kinh tế thấp. Khi có dự án, bà con nông dân đã tự nguyện hiến gần 5.000m2 đất để mở rộng lòng hồ, làm kênh mương nội đồng, làm đường giao thông thủy lợi. Xã cũng đã tiến hành dồn điền đổi thửa đất nông nghiệp để tạo ra cánh đồng mẫu lớn, quy hoạch lại giao thông thủy lợi, điều tiết nước sản xuất nông nghiệp nhằm tăng năng suất trên một đơn vị diện tích. Về điều kiện tự nhiên huyện Yên Thủy không có sông, suối chảy qua nên lượng nước tự nhiên chỉ là hồ đập tuy nhiên lượng nước này mới đủ phục vụ cho 34% nhu cầu thực tế. Thực hiện chủ trương xã hội hóa xây dựng hồ đập của tỉnh Hòa Bình, sau khi được nâng cấp cải tạo, hồ Cây Vừng sẽ tăng gấp 3 lần trữ lượng ban đầu để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp
Nguồn: Báo Nông nghiệp Việt Nam