Sẵn sàng lấy nước đổ ải

2017.01.11 - 894 lượt xem

(KHCN – 11/01/2016): Theo ông Nguyễn Văn Tỉnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi, qua hai ngày (8 - 9/1) kiểm tra công tác chuẩn bị lấy nước phục vụ đổ ải vụ ĐX 2015 - 2016 cho thấy, các địa phương đã rất chủ động.

Hưng Yên chủ động lấy nước sớm Đến nay, tỉnh Hưng Yên đã nạo vét hệ thống kênh mương được 1,5 triệu m3, đạt 100% kế hoạch đề ra. Đồng thời, tu bổ sửa chữa toàn bộ thiết bị máy móc, thiết bị sẵn sàng cho công tác đổ ải. Ông Vũ Văn Hanh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hưng Yên cho biết, vụ ĐX 2015 - 2016 tỉnh Hưng Yên gieo cấy trên 38.000ha lúa, với cơ cấu toàn bộ trà xuân muộn. Thời gian cấy xung quanh tiết Lập xuân và hoàn thành trong tháng 2 dương lịch. Ngay từ ngày 5/1, công ty khai thác công trình thủy lợi của tỉnh đã bơm nước phục vụ đổ ải 2 huyện Ân Thi và Tiên Lữ, đồng thời cử cán bộ trực thường xuyên ở cống Võng Phan trên sông Luộc tranh thủ triều cường mở cống lấy nước bổ sung vào hệ thống. Theo chỉ đạo của tỉnh, các địa phương tập trung hoàn thành kế hoạch lấy nước trong đợt 1, đợt 2. Đối với đợt 3 sẽ trữ nước phục vụ những vùng khó khăn và phục vụ tưới dưỡng cho lúa. Theo ông Nguyễn Đức Lư, Phó Giám đốc Cty TNHH MTV Thủy lợi Bắc Hưng Hải, từ ngày 27/12/2015, Cty đã lợi dụng triều dâng để trữ nước vào hệ thống. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là hệ thống bị ô nhiễm nghiêm trọng, đặc biệt là sông Cầu Bây.  Nhân dân rất bức xúc. Cty đã báo cáo Bộ NN-PTNT, thanh tra Bộ cũng vào cuộc, đồng thời có văn bản yêu cầu UBND TP Hà Nội phải có biện pháp xử lý nước của các khu công nghiệp, nhà máy, làng nghề trước khi đổi vào hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải. Tuy nhiên, phía Hà Nội vẫn chưa có động thái gì. Tới đây, Cty sẽ phối hợp với các phương tiện thông tin đại chúng để tăng cường phản ánh về vấn đề này. Bên cạnh đó, nhiều tuyến kênh do Cty Bắc Hưng Hải quản lý đang bị bồi lắng rất nhiều. Trong những năm qua, từ nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, Cty mới nạo vét được 40km ở những vị trí “yết hầu”, còn hơn 100km nữa chưa được nạo vét. Đề nghị Trung ương quan tâm hỗ trợ thêm. Ông Nguyễn Văn Vương, Phó trưởng phòng Cây lương thực - Cây thực phẩm (Cục Trồng trọt) lưu ý, năm nay tiết Lập xuân bắt đầu từ ngày 4/2, vì thế việc đổ ải phải cơ bản hoàn thành xong trước Tết Nguyên đán. Nhưng thời điểm này nhiều địa phương vẫn chưa thu hoạch xong cây vụ đông, đặc biệt là các vùng trồng rau màu phục vụ Tết. Nếu không có kế hoạch sớm, vừa đảm bảo lấy nước, vừa bảo vệ cây vụ đông thì dịp Tết sẽ rất khan hiếm rau. Vĩnh Phúc tập trung lấy nước đợt 2, 3 Đối với vùng trung du như Vĩnh Phúc, công tác lấy nước gieo cấy không áp lực bằng thời kỳ tưới dưỡng. Vĩnh Phúc cũng đã lên kế hoạch tập trung 90% gieo cấy trà xuân muộn với thời gian gieo mạ từ 1 - 5/2; cấy từ 15/2 đến hết tháng 2. Theo ông Đinh Gia Thành, PGĐ Sở NN-PTNT Vĩnh Phúc, cân đối nguồn nước hiện nay trên các hồ đập với trên 41.300ha gieo trồng (trong đó 35.000ha lúa) Vĩnh Phúc thiếu khoảng 2,7 triệu m3. Tuy nhiên, nguồn nước phân bố không đồng đều theo không gian và thời gian nên về cơ bản vụ ĐX, tình hình hạn hán, thiếu nước vẫn xảy ra.

Khả năng cấp nguồn từ các trạm bơm ven sông phụ thuộc hoàn toàn vào mực nước sông, chế độ xả của ngành điện lực. Với đặc điểm địa hình và là địa phương có diện tích cây vụ đông lớn, Vĩnh Phúc có kế hoạch lấy nước cho khoảng 15% diện tích trong đợt 1; còn lại tập trung trong đợt 2 khoảng 45% và đợt 3 là 40%. Tỉnh đã tập trung thực hiện các biện pháp chống hạn như nạo vét cửa khẩu lấy nước, đầu mối các công trình, kênh chính, kênh nhánh, mương tưới tiêu, kênh nội đồng đảm bảo khơi thông dòng chảy. Đối với các trạm bơm lớn và các trạm bơm tưới khác đã triển khai sửa chữa, thay thế, bảo dưỡng máy móc, vận hành thử; riêng 3 trạm bơm Bạch Hạc, Đại Định, Liễu Trì lắp đặt thêm các trạm bơm dã chiến với tổng số 34 tổ máy (mỗi tổ máy có công suất 1.000 m3/h). Ông Trần Văn Lợi, Phó ban Kinh doanh, Tập đoàn Điện lực VN (EVN) cho biết, tập đoàn sẽ đảm bảo việc xả nước theo kế hoạch, đảm bảo mực nước sông Hồng tại Hà Nội là 2,2m. Về điện, EVN sẽ đi kiểm tra và chỉ đạo các đơn vị đảm bảo cung ứng điện 24/24 trong cả thời gian giữa hai đợt xả để lấy nước vào kênh mương. Ông Nguyễn Văn Tỉnh cũng lưu ý, địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền để bà con biết thời gian lấy nước, hướng dẫn bà con tích trữ nước, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, dành nước cho mùa khô phát điện. Những vùng thiếu nguồn nước cần tập trung chuyển đổi cây trồng cạn sử dụng ít nước hơn. Đối với vùng trung du, đề nghị tiếp tục chỉ đạo bà con thu hoạch sớm cây vụ đông để sẵn sàng lấy nước khi nguồn nước đến cũng như những điều kiện để tích trữ nước.​​​

Theo NNVN