Tận dụng tối đa nguồn nước đổ ải vụ đông xuân

2017.01.11 - 687 lượt xem

Thời điểm này, theo thông lệ hằng năm, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang tích cực phối hợp với ngành thủy lợi bảo đảm lấy nước đổ ải vụ đông xuân từ các hồ thủy điện Tuyên Quang, Thác Bà và Hòa Bình. Năm nay, miền Bắc bị ảnh hưởng của thời tiết khô hạn, chưa có mưa nhiều, dự kiến lượng nước phải xả lên tới 5,2 tỷ m3, khó có thể giảm so năm trước.

Các ngành, địa phương cần phối hợp chặt chẽ, tuyên truyền, vận động nông dân căn cứ theo lịch lấy nước để tận dụng tốt và tiết kiệm tài nguyên nước quý giá, góp phần thuận lợi cho sản xuất điện vào mùa khô.

Công nhân Trạm bơm Văn Giang (huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên) kiểm tra thiết bị, sẵn sàng phục vụ lấy nước đổ ải vụ đông - xuân 2017

Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia (NLDC) cho biết, căn cứ nhận định về diễn biến thủy triều, mực nước sông Hồng tại Hà Nội trong thời gian gần đây và kế hoạch lấy nước của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), Trung tâm đã tính toán kế hoạch xả nước có xem xét, hiệu chỉnh theo kinh nghiệm điều hành xả nước hằng năm. Theo đó, để bảo đảm lấy nước theo đúng kế hoạch, các nhà máy thủy điện sẽ tiến hành xả trước ba ngày (xả đệm), ngày đầu tiên bắt đầu từ 18 giờ và ngừng trước một ngày so ngày kết thúc của lịch lấy nước.

Tổng lượng nước xả cả ba đợt (trong gần 22 ngày) lên tới khoảng 5,2 tỷ m3. Như vậy, mức nước hồ thủy điện Hòa Bình sẽ giảm 12,68 m, hồ Tuyên Quang giảm 16,97 m, hồ Thác Bà giảm 4,61 m. Kết quả tính toán này phù hợp chuỗi số liệu thống kê về xu hướng tăng tổng lượng nước phải xả hằng năm mà nguyên nhân chính do đáy sông Hồng ngày càng bị xói sâu, dẫn đến mức nước sông những năm gần đây bị hạ thấp. Bên cạnh đó, tỷ lệ phân lưu dòng chảy sang sông Đuống tăng lên. Nhằm tận dụng các nguồn nhiệt điện, bảo đảm an ninh cung cấp điện mùa khô năm 2017, trong thời gian xả nước, ngành điện sẽ giảm khai thác các nhà máy thủy điện đa mục tiêu khác tùy thuộc tình hình thực tế. Giữa các đợt xả, sẽ hạn chế khai thác các hồ thủy điện Hòa Bình, Thác Bà, Tuyên Quang để nâng mức nước nhằm tăng hiệu suất phát điện.

EVN cho biết, trong đợt xả nước phục vụ đổ ải vụ đông xuân đầu năm 2016, thời gian xả là 11,25 ngày, giảm 9,25 ngày so dự kiến, tổng lượng xả là 3,03 tỷ m3, tiết kiệm khoảng 2 tỷ m3 nước. Để công tác lấy nước đạt hiệu quả cao, Bộ NN-PTNT đã yêu cầu UBND các địa phương chỉ đạo các Sở NN-PTNT, công ty khai thác công trình thủy lợi, các cơ quan, đơn vị liên quan của địa phương khẩn trương xây dựng kế hoạch, chủ động trữ nước vào các khu trũng và hệ thống kênh mương, thực hiện nạo vét các cửa lấy nước và hệ thống kênh, tập trung đưa nước lên ruộng; tăng cường công tác tuyên truyền đến tận người dân để nâng cao nhận thức sử dụng nước tiết kiệm; tuyệt đối không để phát sinh yêu cầu xả nước từ các hồ chứa ngoài ba đợt lấy nước.

Tại Trạm bơm Xuân Quan (Văn Giang, Hưng Yên), Phó Giám đốc Công ty Điện lực (CTĐL) Hưng Yên Lương Minh Thanh cho biết: Để phục vụ cho ba đợt lấy nước, công ty đã xây dựng phương án bảo đảm điện, chuẩn bị sẵn sàng về vật tư, tăng cường người trực; được EVN, Tổng công ty Điện lực miền bắc ưu tiên nguồn cấp điện; công ty cũng vừa hoàn thành thí nghiệm định kỳ, kiểm tra và chạy thử toàn bộ 186 trạm biến áp phục vụ bơm trên địa bàn, sẵn sàng phục vụ lấy nước. Chi cục Thủy lợi Hưng Yên cho biết, tỉnh đã chủ động phối hợp với ngành điện, thực hiện nạo vét kênh mương, thủy lợi nội đồng, chuẩn bị đón đợt xả nước. Năm nay, Hưng Yên có 36.100 ha lúa, 100% cơ cấu là trà xuân muộn cần đổ ải. Toàn tỉnh có kế hoạch nạo vét khoảng 1,6 triệu m3 kênh mương từ tháng 11-2016, đến nay, các đơn vị đã hoàn thành 85% kế hoạch và dự kiến sẽ hoàn thành trong đầu tháng 1 này, trước khi nước về. Các công ty khai thác công trình thủy lợi tu sửa máy móc thiết bị và hàng trăm công trình xây lắp, khơi thông dòng chảy, đảm nhiệm các trạm bơm dã chiến. Hơn 600 trạm bơm ở Hưng Yên do công ty quản lý đã sẵn sàng phục vụ đổ ải. Năm nay, khả năng tiết kiệm nước và hoàn thành kế hoạch lấy nước đổ ải ngay từ đợt 2 như năm 2016 là khó. Hệ thống sông Hồng, sông Luộc trong thời gian qua xảy ra nạn hút cát sỏi lòng sông, dẫn đến lòng sông và mực nước sông Hồng bị hạ thấp xuống.

Trong khi đó, Vĩnh Phúc có khoảng 17 nghìn trên tổng số 41 nghìn ha đất nông nghiệp cần cấp nước. Để bảo đảm cấp điện phục vụ đổ ải vụ đông xuân này, CTĐL Vĩnh Phúc đã chuẩn bị phương án trực vận hành, chuẩn bị đầy đủ vật tư và thiết bị dự phòng để xử lý nhanh trong tình huống xảy ra sự cố lưới điện; chủ động phối hợp các công ty thủy nông kiểm tra các trạm bơm, nhất là trạm bơm đầu mối, bảo đảm cung cấp điện suốt 24 giờ; tăng cường công tác kiểm tra các đường dây trung hạ thế, thiết bị,… phối hợp với các đơn vị liên quan bảo đảm cung cấp điện an toàn và liên tục cho tất cả bảy trạm bơm đầu mối và 273 trạm bơm nội đồng. Phó Giám đốc CTĐL Hà Nam Nguyễn Văn Minh chia sẻ, Công ty đã hoàn thành việc sửa chữa lớn, sửa chữa thường xuyên lưới điện với tổng số tiền hơn 54,64 tỷ đồng. Trong đó ưu tiên sửa chữa các đường dây 35/22/10kV cấp điện cho các trạm bơm đầu mối.

Lãnh đạo Tổng công ty Điện lực miền bắc đánh giá, các ngành, đơn vị, địa phương đang phối hợp tốt song Tổng công ty mong muốn có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa, thiết lập kênh liên lạc “nóng” với các chi nhánh điện, kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh. Tổng công ty đã chỉ đạo các CTĐL dự phòng vật tư, tăng cường ứng trực, trong trường hợp cần bổ sung nguồn điện thì phải có biện pháp ưu tiên cao nhất phục vụ điện cho các trạm bơm. Tổng công ty cam kết cung cấp đủ điện trong suốt thời gian bơm nước.

Trong khi đó, Phó Trưởng Ban Kỹ thuật - Sản xuất của EVN Nguyễn Quốc Chính cho rằng, về lâu dài, ngành thủy lợi, các trạm bơm cũng cần nghiên cứu, đầu tư cải tạo để hạ mực nước bơm xuống thấp, tận dụng dòng chảy bởi hiện nay, tình hình đã khác trước nhiều, thí dụ như hệ thống thủy nông Bắc Hưng Hải đã được xây dựng từ cách đây gần 60 năm, khi đó, mực nước sông Hồng cao hơn bây giờ nhiều. Nếu tận dụng tối đa nguồn nước, chúng ta vẫn có thể giảm hơn nữa lượng nước xả, như vụ đổ ải đầu năm 2016, tiết kiệm khoảng 2 tỷ m3 nước là con số hết sức có ý nghĩa.

Có ba đợt lấy nước cho các tỉnh khu vực trung du và đồng bằng Bắc Bộ gồm:

Đợt 1: từ 0 giờ ngày 10 đến 24 giờ ngày 15-1 (6 ngày);

Đợt 2: từ 0 giờ ngày 23-1 đến 24 giờ ngày 26-1 (4 ngày);

Đợt 3: từ 0 giờ ngày 6-2 đến 24 giờ ngày 13-2 (8 ngày). Trong thời gian trên, mực nước sông Hồng tại Trạm Thủy văn Hà Nội được duy trì ở mức +2,2 m trở lên.

Nguồn http://evn.com.vn