Theo ông Nguyễn Văn Tỉnh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến nay, ngành thủy lợi đã xây dựng được hàng nghìn hệ thống công trình với 6.648 hồ chứa nước, 10.000 trạm bơm điện lớn, 5.500 cống tưới tiêu lớn, 234.000km kênh mương, 25.960km đê các loại. 

Về hệ thống tổ chức quản lý nhà nước về thủy lợi, phòng chống thiên tai, ngành không ngừng hoàn thiện bộ máy từ Trung ương đến địa phương. Đồng thời, việc xây dựng, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật được quan tâm thực hiện. Trong đó đã ban hành Luật Tài nguyên nước, Luật Đê điều, Luật Phòng chống thiên tai, Pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; hệ thống văn bản hướng dẫn thực hiện, thi hành được xây dựng và ban hành.

Trên lĩnh vực nghiên cứu khoa học công nghệ phục vụ tái cơ cấu ngành thủy lợi, theo PGS.TS Nguyễn Vũ Việt, Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, ngành đã nghiên cứu ứng dụng công nghệ GIS (hệ thống thông tin địa lý dựa trên công nghệ máy tính), viễn thám phục vụ giám sát và dự báo năng suất, sản lượng lúa; kết hợp công nghệ GIS, viễn thám với mô hình toán quản lý hạn hán, xâm nhập mặn, ngập lụt, xói, bồi bờ sông, bờ biển; hiện đã và đang được áp dụng tại Đồng bằng sông Cửu Long và nhiều vùng trên cả nước.

Bên cạnh đó, ngành đã nghiên cứu xây dựng chế độ tưới, ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng cạn ở những vùng thường xuyên khô hạn Nam Trung bộ; tưới nhỏ giọt, tưới phun mưa ở Đắk Lắk, tưới cho mía ở Quảng Ngãi, Bình Dương, tưới hoa và cà chua ở Sơn La, tưới cho cây dược liệu ở Phú Thọ,... Hiện nay, ngành đang nghiên cứu thiết kế hệ thống thoát nước bề mặt và kỹ thuật tưới nước tiết kiệm, góp phần khống chế bệnh ở cây hồ tiêu ở Tây Nguyên và Đông Nam bộ.

Bên cạnh những kết quả đạt được, theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi Nguyễn Văn Tỉnh, hiện nay, ngành thủy lợi vẫn đang còn gặp khá nhiều khó khăn. Trong đó, có thể kể đến nhiều hệ thống công trình thủy lợi hiện chỉ được thiết kể để phục vụ cho nền sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, chưa đáp ứng được yêu cầu phục vụ nền nông nghiệp đa dạng và hiện đại. Diện tích cây trồng được áp dụng tưới tiên tiến, tiết kiệm nước còn hạn chế; chất lượng nước một số hệ thống công trình chưa bảo đảm để cung cấp sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn; hạ tầng thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản chưa đáp ứng được nhu cầu.

Cùng với đó, việc xây dựng một số cơ sở hạ tầng đô thị, công nghiệp, giao thông đã làm cản trở việc thoát lũ, gia tăng lượng nước cần tiêu, gây thêm áp lực cho các hệ thống công trình thủy lợi. Khoa học công nghệ trong lĩnh vực thủy lợi chưa bám sát yêu cầu sản xuất, việc áp dụng vào thực tế còn hạn chế, đồng thời chậm áp dụng công nghệ tiên tiến trong dự báo, giám sát hạn hán, úng ngập, xâm nhập mặn,….

Đáng chú ý, nhận thức của một số lãnh đạo quản lý và người dân chưa đúng, chưa đủ về các chính sách hiện hành trong quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi, đặc biệt là chính sách miễn, giảm thủy lợi phí. Phần lớn hiểu chính sách miễn, giảm thủy lợi phí là bỏ thủy lợi phí, trong khi đó đây là hỗ trợ của nhà nước nhằm giảm gánh nặng chi phí sản xuất nông nghiệp cho người dân và có nguồn kinh phí để tu sửa, chống xuống cấp công trình. Do vậy, chưa phát huy được sự tham gia của người dân trong quản lý khai thác công trình thủy lợi, đặc biệt là công trình thủy lợi nội đồng.

Nhằm khắc phục những khó khăn còn tồn tại của ngành thủy lợi, theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi Nguyễn Văn Tỉnh, cần đẩy mạnh thực hiện các giải pháp đồng bộ. Trong đó, thúc đẩy áp dụng tưới tiên tiến, tiết kiệm nước nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, giảm thiểu rủi ro cho các loại cây trồng chủ lực đang có thị trường ổn định như: cà phê, hồ tiêu, điều, mía, chè, cây ăn quả và các loại cây trồng cạn khác. Đồng thời, lồng ghép kỹ thuật tưới tiên tiến, tiết kiệm nước với kỹ thuật canh tác cây trồng, nuôi trồng thủy sản để nâng cao năng suất, giảm chi phí sản xuất.

Với thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản, thực hiện rà soát quy hoạch thủy lợi phục vụ thủy sản; đề xuất, điều chỉnh các dự án đầu tư thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản, đồng thời tổ chức nghiên cứu, ứng dụng các giải pháp cấp thoát nước phục vụ nuôi trồng thủy sản bền vững. Về quản lý an toàn đập, hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách trong lĩnh vực an toàn đập. Hoàn thiện các hệ thống tiêu chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật hướng dẫn công tác quản lý an toàn đập như: tiêu chuẩn đánh giá an toàn đập, tiêu chuẩn hướng dẫn xây dựng bản đồ ngập lụt cho vùng hạ du trong tình huống xả lũ khẩn cấp và vỡ đập. Cùng với đó, đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ, hợp tác quốc tế trong quản lý an toàn đập như công nghệ quan trắc, giám sát đập; công nghệ dự báo, cảnh báo phục vụ vận hành theo thời gian thực.

Về xây dựng chính sách phát triển thủy lợi nội đồng, theo TS. Chu Phượng Chí – Hội Thủy lợi Việt Nam, cần tiếp cận theo hướng thủy lợi nội đồng là cơ sở hạ tầng phục vụ và gắn với cơ cấu cây trồng, chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp. Quy hoạch nông nghiệp, bố trí cơ cấu cây trồng đi trước một bước làm cơ sở cho việc thiết kế xây dựng thủy lợi nội đồng. Bên cạnh đó, phát triển thủy lợi nội đồng không chỉ về mặt hạ tầng mà còn bao gồm công nghệ tưới, quản lý vận hành hiệu quả sử dụng nước và sản phẩm nông nghiệp có tưới. Khuyến khích ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến ứng với từng loại cây trồng thông qua cơ chế hỗ trợ tài chính thích hợp, hướng tới nâng cao giá trị của nước và hiệu quả kinh tế của nước trong sản phẩm nông nghiệp.

Phát triển thủy lợi nội đồng và tổ chức dùng nước cần được đặt trong chính sách hỗ trợ thủy lợi phí, hướng tới bảo đảm quyền sử dụng nước và nguyên tắc “nước là hàng hóa” thông qua cải tiến phương thức chi trả hỗ trợ thủy lợi phí. Mặt khác, chính sách phát triển thủy lợi nội đồng cần xét đến sự khác nhau về điều kiện tự nhiên của từng vùng, ưu tiên phát triển thủy lợi nội đồng ở những vùng khô hạn, xem đó là biện pháp tiên quyết thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm ứng phó với hạn hán./.

Nguồn: http://www.dangcongsan.vn/